Hoại tử xương hàm do thuốc

Nội dung

Những ca hoại tử xương hàm do thuốc đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 20 năm trên người bệnh sử dụng bisphosphonate với những triệu chứng dai dẳng ở xương hàm trên hoặc dưới (ví dụ: lộ xương hoặc lỗ rò tới xương).

Các thuốc khác cũng có thể gây nên tình trạng này như denosumab và một số thuốc điều trị ung thư (ví dụ: bevacizumab).

Mặc dù vậy, nguy cơ hoại tử xương hàm phụ thuộc nhiều yếu tố như: thuốc, liều lượng, thời gian dùng, chỉ định, dùng đồng thời với corticoid uống và các vấn đề răng miệng.

Nguy cơ hoại tử xương hàm thấp trên người bệnh dùng bisphosphonate uống (1/10.000-100.000 người bệnh/năm). Nguy cơ tăng khi cần dùng liều cao hơn cho một số chỉ định (ví dụ: zolendronic acid IV mỗi 4 tuần cho điều trị ung thư).

Hơn một nửa số ca hoại tử xương hàm liên quan đến nhổ răng. Đeo răng giả và viêm nướu cũng tiềm ẩn nguy cơ. Do đó, trước khi bắt đầu dùng một thuốc đã biết gây hoại tử xương hàm, NVYT nên cân nhắc cho người bệnh khám răng, điều chỉnh lại răng giả sao cho vừa hàm và thực hiện tất cả các phẫu thuật răng miệng nếu cần (nhổ răng, trồng răng…).

Khuyến khích người bệnh duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt như: dùng kem đánh răng có flo, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng thường xuyên.

Người bệnh vẫn có thể được thực hiện một số thủ thuật không ảnh hưởng đến xương như: làm sạch răng, trám răng, bọc mão răng hoặc lấy tủy răng.

Tư vấn người bệnh đi khám ngay nếu xuất hiện bất kỳ cơn đau, sưng tấy hoặc loét miệng.

Lưu ý rằng chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy việc tạm dừng thuốc khi phẫu thuật răng miệng sẽ làm giảm nguy cơ hoại tử xương và bisphosphonate có thể tồn tại trong xương trong vài năm.

Bài đăng được lược dịch từ bài viết "Put Osteonecrosis of the Jaw Risk in Perspective" số báo tháng 6/2023 đăng trên Pharmacist's Letter.

 

Một số thông tin hữu ích khác về các thuốc loãng xương có thể được tìm thấy trong bảng "Kiểm soát loãng xương" đăng trên Pharmacist's Letter.

Bảng kiểm về các thuốc loãng xương (tiếng Anh)

return to top