Bạch cập hay liên cập thảo là một dược liệu quý trong Đông y, là một loại cỏ địa sinh, sống lâu năm. Bộ phận làm thuốc duy nhất là thân rễ (thường được gọi là củ) với các công dụng chính như chữa chảy máu cam, chữa thổ huyết chảy máu dạ dày, loét dạ dày, mụn nhọt, sưng tấy, vết thương ngoài da…
Bạch cập hay bạch liên thảo là loại cây mọc hoang, họ Lan
Tên gọi khác: Bạch cấp, Bạch căn, Cam căn, Liên cập thảo, Hát tất đa, Võng lạt đa, Nhược lan lan hoa, Từ lan, Trúc túc giao, Tuyết như lai, Tử tuệ căn, Tử lan căn.
Tên khoa học: Bletia hyacinthine R.Br.ex Ait
Họ: Lan Orchidaceae
Bộ phận dùng: Thân rễ (củ)
Mô tả dược liệu
Bạch cập là một loại cây thảo sống lâu năm mọc hoang và được trồng ở những vùng đất ẩm. Loại cây này có những đặc điểm sau đây.
Đặc điểm thực vật
Bạch cập hay liên cập thảo có thân rễ chia thành nhánh hình cầu, dẹt, xếp thành chuỗi lá dài có bẹ mọc ốp vào nhau thành 2 dãy có thân rễ, có vẩy. Là loại cây sống lâu năm, độ cao 0,9m, rễ phình lên thành củ, lá có màu đỏ tía vào mùa hè. Lá mọc từ rễ, hình mác dài từ 28 – 40cm, rộng 5cm. Hoa màu hồng tím mọc thành chùm ở ngọn, quả nang hình thoi.
Phân bố
Ở nước ta, bạch cập mọc hoang ở nhiều vùng núi cao mát như Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau khi thu hái chế biến và so sánh với vị thuốc bạch cập nhập của Trung Quốc thì thấy chưa giống lắm. Ở Trung Quốc, bạch cập có ở Thiểm Tây, Trung Phủ, An Huy, An Khánh.
Mô tả vị thuốc
Bộ phận được dùng để làm thuốc là thân rễ (củ). Sau khi sơ chế, dược liệu có hình bánh dày dẹt phẳng, có ngạnh, mặt ngoài có các vân nhỏ đồng tâm. Vị thuốc bạch cập có chất cứng chắc, mặt cắt giống chất sừng và khó bẻ gãy. Loại tốt nhất có màu trắng đục, chất đặc rắn, củ mập dày.
Thành phần hóa học
Theo Trung dược học, trong rễ tươi của bạch cập có:
- 30% tinh bột
- 1,5% Glucose
- 15% tinh dầu, chất nhầy, nước
Theo những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, bạch cập có:
- 50% chất nhầy
- Một ít tinh dầu
- Glycogen
Cách thu hái bào chế
Bộ phận duy nhất được sử dụng để làm thuốc của bạch cập là thân rễ. Có thể thu hái quanh năm tuy nhiên thời điểm để thu hái tốt nhất để dược liệu phát huy dược tính tốt nhất là vào mùa đông.
Cách bào chế:
- Sau khi thu hái phần thân rễ, cắt bỏ gốc thân rễ con, rửa sạch đem đồ hoặc nhúng vào nước sôi. Khi thấy mặt trong và thân rễ có màu trắng đục thì bóc vỏ ngoài phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhỏ lửa cho khô (thông dụng).
- Sau khi thu hái, rửa sạch, hấp mềm, thái phiến, phơi khô. Dùng sống hoặc tán thành bột (theo Đông dược học Thiết yếu)
- Mang dược liệu rửa sạch, ủ mềm, thái lát, sấy nhẹ cho khô. Tán thành bột hoặc làm thuốc hoàn để sử dụng (theo Trung Quốc dược học Đại từ điển)
Bảo quản
Để nơi khô ráo, tránh ẩm thấp, nên thường xuyên phơi nắng vào mùa hè.
Vị thuốc bạch cập
Thân rễ (củ) là bộ phận duy nhất được sử dụng làm thuốc của bạch cập
Bạch cập là vị thuốc đa dụng có tác dụng cầm màu, tốt cho người thủng dạ dày tá tràng, có thể chữa ho ra máu, se mụn và nhiều bệnh lý khác.
Tính vị
Theo y học cổ truyền, bạch cập có vị đắng ngọt, hơi dính, tính lạnh, không độc.
Quy kinh
Quy vào kinh phế (theo Bản thảo Cương mục)
Quy vào kinh phế thận (theo Bản thảo Tái Tân)
Quy vào kinh phế, vị can (theo Trung dược học)
Tác dụng
- Bổ phổi, hóa đàm
- Cầm máu
- Sinh cơ
- Làm tan máu ứ
- Hàn vết thương
- Làm thu se các mụn nhọt, tiêu sưng
- Trị ho máu do lao, thổ huyết, chảy máu cam, đau mắt đỏ
- Chữa bỏng, da nứt nẻ, nhọc độc viêm tấy
Chủ trị
- Tổn thương tay chân do té ngã
- Chân tay nứt nẻ
- Ung nhọt lở loét
- Ghẻ lở, ghẻ nước
- Động kinh, mắt đỏ, trưng kết
- Trĩ lậu, trường phong
- Chấn thương do kim khí, ôn nhiệt
- Bỏng lửa nước sôi
Cách dùng và liều lượng
Thường được dùng với liều lượng 8 – 10g/ngày. Có thể dùng tươi, phơi khô, sấy khô tán thành bột, nấu thành cao hoặc sắc lấy nước.
Kiêng kỵ
Không dùng bạch cập cho các trường hợp:
- Ung nhọt đã vỡ
- Không dùng với các thuốc có vị đắng, tính hàn
- Không dùng bạch cập với ô đầu, phụ tử
Bài thuốc chữa bệnh với bạch cập
Bạch cập tốt là loại củ mập có màu trắng đục
Bạch cập là vị thuốc đa dụng được sử dụng trong nhiều bài thuốc. Cụ thể:
Bài thuốc cầm máu
Như đã đề cập bạch cập có tác dụng cầm máu, sinh cơ, làm tan máu ứ, được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Chữa chảy máu cam: Bạch cập phơi khô, tán nhỏ, rây bột mụn, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 4 – 8g. Có thể lấy bông thấm thuốc nhét vào mũi để tăng hiệu quả.
- Chữa thổ huyết, chảy máu dạ dày: 100g bạch cập, 50g tam thất, tán bột, ngày uống 6 – 12g, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Chữa loét dạ dày, phân đen: 40g bạch cập, 20 trầm hương, 20g hoài sơn (sao), tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 12 – 20g vào lúc đói.
- Chữa mụn nhọt, sưng tấy, bỏng lửa: Bạch cập phơi khô, tán thành bột mịn hòa với dầu vừng bôi hàng ngày.
Bài thuốc chữa bệnh ngoài da
Bạch cập cũng thường được sử dụng trong các trường hợp như:
- Chữa vết thương đang chảy máu: 20g bạch cập tán bột, 20g vôi bột, 10g bồ hóng, tất cả trộn đều, ngày rắc 2 – 3 lần lên vết thương. Ngoài ra, có thể dùng 20g bạch cập, 30g lá bông ổi, 10g gừng khô tán bột mịn, rắc lên vết thương giúp cầm máu ngay lập tức.
- Trị nứt nẻ tay chân: 30g bạch cập, 50g đại hoàng, 3g băng phiến. Đem tất cả tán bột mịn, thêm ít mật ong, quấy thành hồ nhão, bôi vào chỗ bị bệnh, dùng 3 lần/ngày sẽ thấy cải thiện.
- Trị vết thương hở do té ngã: 20g bạch cập, 20g thạch cao (sống) tán nhỏ trộn đều, rắc lên vết thương, băng lại liều.
Bài thuốc chữa ho ra máu bằng bạch cập
Tùy vào trường hợp mà có cách sử dụng vị thuốc này sao cho phù hợp. Có thể dùng bạch cập để bổ phế, chữa khản tiếng, ho ra máu, nôn ra máu. Các bài thuốc dùng bạch cập là:
- Chữa phế hư khạc ra máu: 15g bạch cập, 50g thị bính (quả hồng bỏ vỏ hạt) thái miếng mỏng, 50g gạo tẻ, một ít mật ong. Dùng hồng và gạo nấu thành cháo, cho bạch cập vào khuấy đều rồi cho thêm một ít mật ong, ăn khi còn nóng, 2 lần/ngày, liên tục 10 ngày sẽ thấy kết quả.
- Đột nhiên thấy đờm vàng đặc, đờm lẫn máu, khái thấu, khát nước, mặt đỏ, mạch phù do tích nhiệt nghịch lên: 10g bạch cập, 9g tiêu sơn chi, 9g sinh trắc bá, 20g bạch mao căn, 9g tang bạch bì, 8g hoàng cầm, 10g sinh đại hoàng, 30g sinh đại giả thạch sắc với nước để uống.
- Chữa ngực đau nói, tâm phiền, phát nhiệt, miệng khô, họng khát: 10g bạch cập, 12g ngẫu tiết, 10g tang diệt, 12g sinh địa, 12g bách bộ, 10g a giao, 10g trắc bách diệp, 12g tỳ bà diệp, 12g tử uy, 3g tam thất bột sắc uống.
Bài thuốc chữa ho ra máu nặng
Bạch cập có tác dụng rõ rệt lên thời gian đông máu, bổ phế thận nên có thể dùng để trị các chứng xuất huyết ở phổi, dạ dày. Để bổ phổi, hóa ứ, trị ho lao ra máu có thể dùng như sau:
- Chữa ho lao có đờm: Bạch cập 8 phần, tam thất 4 phần nghiền thành bột mịn, chiêu với nước đun sôi còn ấm, mỗi lần uống 4g, uống 2 lần/ngày.
- Chữa ung phổi ho ra máu: 12g bạch cập, 6g xuyên bối mẫu, 12g bách hợp, 20g ý dĩ, 12g phục linh sắc uống.
- Chữa ho ra máu nhẹ: 63g bạch cập, 12g lá tỳ bà, 20g ngó sen, 12g a giao chiêu với nước đun sôi còn ấm để uống, mỗi lần uống 8g, uống 2 lần/ngày.
- Chữa ho ra máu nặng: 8g bạch cập, 32g thục địa, 16g sơn thù, 16g hoài sơn, 12g trạch tả, 12g đan bì, 12g phục linh, 12g mạch môn, 16g a sao (sao phồng), 8g bồ hoàng, 8g địa du, 4g ngũ vị tử, sắc uống vào lúc đói.
Lưu ý: Không dùng khi phế có thực hoả ngoại tà cực thịnh.
Bài thuốc chữa sa dạ con
Theo kinh nghiệm cổ truyền có thể dùng bạch cập, xuyên ô với một lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, cho vào lụa khoảng 4g. Sau đó đút vào âm hộ chừng 1 ngón tay, khi thấy cảm giác nóng trong bụng dưới thì rút ra, sử dụng 1 lần/ngày để thấy hiệu quả.
Bài thuốc làm đẹp với bạch cập
Bài thuốc này có công dụng khu phong hoạt huyết, làm mềm và trắng da, phòng chống các vết nhăn trên mặt.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 15g bạch cập, 30g bạch chỉ, 30g bạch liễm, 30g bạch truật, 9g bạch phụ tử, 9g bạch linh (bỏ vỏ), 9g bạch tế tân.
- Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị, sấy khô, tán thành bột mịn, hòa với lòng trắng trứng gà, nặn thành viên to bằng đầu ngón út
- Cho vào lọ sứ dùng dần, sau khi rửa mặt, hòa thuốc với nước ấm thành chất lỏng sệt bôi một lớp mỏng trên mặt.
- Để chừng 60 phút thì rửa sạch, thực hiện mỗi ngày để thấy hiệu quả.
Món ăn bài thuốc từ bạch cập
Bạch cập cũng được chế biến thành các món ăn bài thuốc để hỗ trợ điều tị
Không chỉ được sử dụng kết hợp với các dược liệu khác, có thể dùng bạch cập trong chế biến món ăn để hỗ trợ điều trị. Một số món ăn thuốc có bạch cập có thể kể đến như:
- Bạch cập hầm phổi lợn với rượu: 30g bạch cập, 1 cái phổi lợn, 150ml rượu. Phổi lợn làm sạch, thái lát, nấu với rượu và bạch cập cho chín, thêm gia vị vừa ăn. Tốt cho người mắc viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi.
- Bạch cập đánh trứng gà: 5g bạch cập tán mịn, 1 quả trứng gà. Trứng gà khuấy đều với bột bạch cập, hãm với nước sôi. Tốt cho người bị lao phổi, ho đờm lẫn máu.
- Yến sào hầm bạch cập: 10g bạch cập, 10g đường phèn, 10g yến sào cho vào ca nhôm, thêm nước, đun cách thủy cho chín nhừ thì thêm đường phèn vào khuấy cho tan. Dùng 2 lần/ngày, tốt cho người giãn khí phế quản, lao phổi, ho lẫn đờm, hen phế quản, viêm khí phế quản.
Lưu ý: Không dùng cho người ung phổi thời kỳ đầu, không dùng cho trường hợp khái huyết do thực nhiệt và ngoại cảm.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn nắm được bạch cập là gì, công dụng, liều dùng, các bài thuốc chữa bệnh thông dụng. Những thông tin mà chúng tôi đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo, nếu muốn sử dụng, bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn cao.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp