✴️ Hương phụ

Tên khác: cỏ cú, củ gấu, củ gấu vườn, củ gấu biển, hải dương phụ…

Tên khoa học: Cyperus rotundus L. 

Họ: Cói (Cyperaceae)

 

Mô tả cây hương phụ 

Đặc điểm cây

Hương phụ có hai loại với đặc điểm cụ thể như sau: 

Hương phụ vườn: thân cỏ cao từ 20 đến 30 cm, phần rễ thương phình thành củ có nhiều đốt và có lông, màu nâu nhạt. Phần lá thường hẹp, dài và có bé. Phần hoa mọc thành tán xòe ra hình đăng ten. Quả có màu xám 

Hương phụ biển: có thân rễ mảnh, rễ có thể phát triển thành củ có màu đen cao từ 15 đến 30 cm. Cụm hoa thường có 2-3 lá có màu nâu, dài từ 6 đến 12mm. Phần quả có hình trái xoan. 

Phân bố 

Loại cây này mọc ở rất nhiều nơi và thường rất khó để tiêu diệt triệt để vì chỉ cần một mẩu rễ nhỏ cũng có thể phát triển. Ngoài Việt Nam còn có nhiều ở một số nước châu Á như Indonexia, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc

Bộ phận dùng 

Thân, rễ đã phơi khô 

hương phụ chữa bệnh

Phần rễ của cây hương phụ có giá trị điều trị bệnh

 

Thu hái sơ chế 

Cây thường được thu hoạch vào mùa thu, đốt bỏ phần lông và rễ con rồi đem phơi khô. Một số người còn đem luộc, đồ kỹ rồi mới phơi khô. 

Bào chế thuốc 

Hương phụ có thể được loại bỏ phần lông và tạp chất rồi nghiền vụn hoặc đem đi thái lát mỏng. 

Người dùng có thể thái hương phụ thành từng lát mỏng rồi ngâm với giấm, ủ qua đêm. Sau đó đem hương phụ lên bếp sao cho hơi vàng rồi phơi khô. Trung bình 10kg hương phụ thì cần 2 lít giấm. 

Bảo quản 

Hương phụ thường được bảo quản ở những nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc. 

Thành phần hóa học 

Qua phân tích, người ta phát hiện trong hương phụ có các thành phần như: b-selinen, cyperen, cyperol, cyperolen, a-cyperol, cyperotundon, patchoulenon,… Ngoài ra còn có chứa glycerol, linoleic, myristic, oleic, stearic… 

 

Vị thuốc hương phụ 

Tính vị 

Theo đông y, hương phụ có vị hơi đắng, hơi ngọt, tính bình 

Quy kinh 

Quy kinh Can, tam tiêu 

Tác dụng dược lý và chủ trị của hương phụ 

Có khả năng hành trí, điều kinh, giải uất, giảm đau 

Dùng trong điều trị kinh nguyệt không đều, viêm tử cung mãn tính, đau bụng kinh, ăn uống kém, đau dạ dày. 

Cách dùng và liều lượng 

Hương phụ thường được sắc, dùng dạng bột, viên hoặc ngâm rượu thuốc. Có trường hợp dùng kèm với các vị thuốc khác để chữa đau dạ dày, chữa bệnh phụ khoa. 

Độc tính 

Hầu như không có độc tính, khá an toàn khi sử dụng 

 

Bài thuốc chữa bệnh từ hương phụ 

Chúng ta có thể áp dụng hương phụ trong điều trị các bệnh như sau: 

1/ Điều trị chứng đau sườn ngực, đau bao tử 

Chuẩn bị nguyên liệu: 8g hương phu, 10g ô dược và 4g cam thảo 

Dùng nguyên liệu trong 1 thang thuốc và dùng hết trong ngày 

2/ Điều trị hàn khí thống 

Cho 10g hương phụ và 10g lương khương vào ấm 

Sắc uống hết trong ngày 

3/ Điều trị đau ngực sườn 

Chuẩn bị: 10g hương phụ và 8g diên hồ sách 

Dùng nguyên liệu đã chuẩn bị, sắc lên và uống hết trong ngày 

4/ Điều trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt 

Chuẩn bị nguyên liệu: 15g hương phụ, 15g trần bì, 15g ngải điệp, 2 đóa nguyệt quế 

Dùng tất cả nguyên liệu sắc lên và uống hết trong ngày 

5/ Điều trị rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon 

Chuẩn bị: 6g hương phụ, 3g sa nhân, 5g mộc hương, 6g chỉ thực, 10g hậu phác, 10g bạch truật, 5g hoắc hương, 10g phục linh, 10g bán hạ, 10g trần bì, 10g sinh khương, 3g cam thảo và 5 quả táo. 

Dùng tất cả nguyên liệu sắc lên rồi uống hết trong ngày. 

6/ Điều trị trướng bụng 

Chuẩn bị: 8g hương phụ và 4g hải tảo 

Dùng nguyên liệu nấu với 1 ít rượu rồi lấy nước uống. 

7/ Điều trị sa trực tràng 

Trộn đều hương phụ và kinh giới tuệ rồi tán bột. 

Mỗi lần dùng lấy 8g hỗn hợp nấu nước rồi uống. 

8/ Điều hòa kinh nguyệt 

Chuẩn bị: 9g hương phụ, 20g ích mẫu và 20g đường đỏ 

Hương phụ và ích mẫu nấu nước, lọc bỏ bã rồi thêm đường vào uống

9/ Điều trị kinh không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mãn tính 

Chuẩn bị: 20g hương phụ, 15g ích mẫu, 10g ngải diệp, 15g nhân traÀN 

Nấu cùng 500ml nước cho đến khi còn 150ml thì tắt bếp 

Mỗi ngày dùng 1 thang sẽ thấy các dấu hiệu bệnh được cải thiện. 

Còn rất nhiều bài thuốc khác có tận dụng khả năng chữa bệnh của hương phụ được lưu truyền trong dân gian. Bạn có thể tìm hiểu thêm để sử dụng. 

Kiêng kị khi sử dụng

Tuy là thảo dược nhưng cũng không nên dùng hương phụ trong các trường hợp: 

Người bệnh bị chứng âm hư huyết nhiệt 

Có dấu hiệu dị ứng khi sử dụng hương phụ hay bất cứ loại thảo dược nào trước đó.

Không dùng cho phụ nữ đang mang thai. 

Hương phụ có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng cũng cần phải thận trọng để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Trước khi sử dụng nên tìm hiểu thật kỹ. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top