✴️ Khổ sâm

Nội dung

Khổ sâm có 2 loại chính đều có công dụng chữa bệnh rất tốt là khổ sâm cho lá và khổ sâm cho rễ. Người bệnh cần phải phân biệt rõ để ứng dụng vào từng bài thuốc cho phù hợp. Bởi nếu sử dụng không đúng cách có thể sẽ phát sinh một số vấn đề không mong muốn.

cây khổ sâm

Hình ảnh cây khổ sâm cho lá (bên trái) và khổ sâm cho rễ (bên phải)

  • Khổ sâm cho lá: Tên gọi khác là khổ sâm bắc bộ, cây cù đèn. Tên khoa học là Croton tonkinensis Gagnep, thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae).

  • Khổ sâm cho rễ: Tên gọi khác là dã hòe, khổ cốt. Tên khoa học là Sophora flavescens Ait, thuộc họ đậu (TFabaceae).

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Khổ sâm cho lá:

Đây là một loại cây nhỏ có chiều cao vào khoảng 0,72 – 1m. Lá mọc so le nhưng gần như đối nhau, đôi khi có thể mọc thành từng vòng giả gồm khoảng 3 – 4 lá. Phiến lá dài có hình mũi mác, phần mép nguyên, cả 2 mặt lá đều có nhiều lông tỏa tròn óng ánh.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hay kẽ lá, có cả hoa đơn tính và lưỡng tính. Hoa cái có 5 lá đài cùng 3 vòi nhụy còn hoa đực cũng có 5 lá đài nhưng chỉ có 1 – 2 nhị. Quả có màu hung đỏ có lông trắng gồm 3 mảnh vỏ. Hạt có màu nâu hung, hình trứng và có mỏ. Mùa hoa quả rơi vào khoảng tháng 5 tới tháng 8.

Khổ sâm cho rễ:

Đây là loại cây có cành nhỏ với chiều cao thường dưới 1m. Lá của cây khá giống với lá phan tả diệp, là lá kép lông chim mọc so le nhau. Lá có hình mác, chiều dài khoảng từ 2 – 5cm.

Hoa có màu vàng nhạt, mọc thành từng cụm dài 10 – 20cm tại ngọn hay kẽ lá, dải theo chiều dài của nhánh cây. Loại cây này có thân khá nhỏ nhưng phần rễ lại khá lớn. Quả có hình cầu, đầu thuôn dài, màu đen, thường dài khoảng 5 – 12cm.

2. Bộ phận dùng

Tên gọi của từng loại khổ sâm đặc trưng cho bộ phận của cây dùng làm vị thuốc. Khổ sâm cho lá thì lá là bộ phận dùng, còn khổ sâm cho rễ thì thu rễ làm vị thuốc.

3. Phân bố

Cây khổ sâm cho lá mọc hoang và được trồng khá phổ biến ở nước ta, nhất là ở các tỉnh ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Còn cây khổ sâm cho rễ thì có nguồn gốc từ Trung Quốc, hiện nay một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cũng đang trồng giữ giống.

4. Thu hái và sơ chế

Lá khổ sâm được thu hái vào thời điểm cây sắp ra hoa. Có thể dùng ở cả dạng tươi hay phơi khô để dùng dần.

Còn với khổ sâm cho rễ, thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa xuân và mùa thu. Sau khi đào rễ về đem bỏ phần rễ con rồi rửa sạch và thái thành từng lát mỏng. Sau đó đem ngâm rễ tươi vào nước vo gạo khoảng 3 tiếng đồng hồ rồi rửa sạch. Cuối cùng đem phơi hay sấy cho khô.

khổ sâm cho lá

Cây khổ sâm cho lá được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ

5. Bảo quản

Dược liệu khi đã được phơi hay sấy khô cần cho vào trong túi kín và bảo quản ở những nơi khô thoáng, tránh mối mọt và ẩm mốc.

6. Thành phần hóa học

Trong lá khổ sâm có chứa một số thành phần chính như sau:

  • flavonoid

  • alcaloid

  • β – sitosterol

  • stigmasterol

  • acid benzoic

  • tecpenoid

Phân tích rễ khổ sâm ghi nhận có các thành phần sau:

  • alcaloid matrin

  • oxymatrin

  • sophoranol

  • anagyrin

  • N-methylcytisin

  • baptifolin

  • sophocarpin

  • kuraridin

  • d-isomatrin

  • norkurarinon

  • kurarinol

  • kuraridinol

  • neo-kurarinol

  • formononetin

  • norkurarinol

Vị thuốc khổ sâm

1. Tính vị và quy kinh

  • Khổ sâm cho lá có vị đắng, tính bình và hơi có độc. Được quy vào kinh Đại tràng

  • Khổ sâm cho rễ được ghi nhận là có vị đắng và tính mát. Được quy vào 3 kinh Tâm, Can và Đại trường.

2. Tác dụng dược lý của khổ sâm cho lá

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Khu phong, thanh nhiệt táo thấp, lợi niệu, sát trùng.

  • Chủ trị: Chứng bạch đới, hoàng đản, tả lỵ, tiểu tiện khó, phong hủi, ngứa ngoài da…

Theo y học hiện đại:

  • Chống oxy hóa, chống viêm, giúp giảm đau, chống dị ứng.

  • Làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, ngăn ngừa thiếu máu cơ tim. Ngoài ra còn có tác dụng chống xơ vữa động mạch và hỗ trợ làm hạ lipid máu.

  • Loại bỏ đờm trong họng, đồng thời làm giảm triệu chứng hen suyễn.

  • Nước sắc dược liệu được cho là có tính kháng khuẩn khá mạnh. Có khả năng ức chế hoạt động của các chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn nhóm B, trực khuẩn lỵ. Cùng với đó còn có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại nấm ngoài da.

3. Tác dụng dược lý của khổ sâm cho rễ

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Lợi thấp nhiệt, bổ đắng.

  • Chủ trị: Hoàng đản, sốt cao, viêm tai giữa cấp và mãn tính, nhiễm trùng roi âm đạo, nhiệt lỵ, tiêu chảy, sán lãi, lở ngứa…khổ sâm cho rễ     Khổ sâm cho rễ là cây thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc

Theo y học hiện đại:

  • Một số hoạt chất có trong rễ khổ sâm có thể ngăn cản việc tổng hợp protein từ vi khuẩn nên có thể ức chế hoạt động của chúng.

  • Dẫn xuất matrin có trong dược liệu được cho là đem lại tác dụng chống viêm, đồng thời ức chế quá trình sản sinh histamin của cơ thể.

  • Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chất D-matrin còn có tác dụng chống rối loạn nhịp tim. Ngoài ra dược liệu còn có thể làm tăng thời gian dẫn truyền tim, làm giảm kích thước cơ tim và hạ thấp nhịp tim.

  • Sử dụng nước sắc từ dược liệu còn hỗ trợ làm tăng lượng bạch cầu trong cơ thể.

  • Một số thành phần dược chất có trong dược liệu có khả năng ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh máu trắng.

  • Oxy matrin có trong dược liệu còn có thể ức chế sự mất kết hạt của tế bào mastocyt nhờ đó mà khổ sâm được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh dị ứng hay viêm da tiếp xúc.

4. Cách dùng – liều lượng

Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể sử dụng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Đối với khổ sâm cho lá thường dùng khô dưới dạng thuốc sắc hay hãm lấy nước uống mỗi ngày khoảng 12 – 20g. Hoặc có thể dùng 8 – 10 lá dạng tươi nhai trực tiếp.

Còn với khổ sâm cho rễ thì có thể dùng ở các dạng phổ biến như thuốc sắc, tán bột, làm viên hoàn. Liều lượng được khuyến cáo dùng trong một ngày là khoảng từ 10 – 12g.

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu khổ sâm cho lá

Vị thuốc khổ sâm cho lá được dùng phổ biến trong một số bài thuốc sau đây:

1. Bài thuốc chữa đau dạ dày

  • Bài thuốc 1: Cần có 16 – 20g lá khổ sâm. Đem dược liệu đi rửa sạch rồi cho vào ấm sắc lấy nước đặc, uống trực tiếp khi còn ấm. Uống thuốc vào sau bữa ăn. Mỗi liệu trình kéo dài khoảng 2 – 3 tuần. Nếu triệu chứng chưa dứt thì nên ngưng vài ngày rồi dùng tiếp cho đến khi khỏi bệnh.

  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 12g lá khổ sâm, 12g lá bồ công anh cùng 50g lá khôi. Các vị thuốc này cho hết vào ấm, thêm 600ml nước. Đun trên lửa nhỏ tới khi nước cô lại còn 200ml. Loại bỏ bã chia làm 2 – 3 lần uống/ngày. Mỗi liệu trình duy trì liên tục mỗi ngày 1 thang trong khoảng 10 ngày.

  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị 16g lá khổ sâm cùng 1 ít dạ cẩm. Sắc lấy nước đặc để uống mỗi ngày 1 thang. Cần duy trì mỗi liệu trình khoảng từ 2 – 3 tuần.

  • Bài thuốc 4: Cần có 12g khổ sâm, 10g hương phụ, 12g trần bì, 10g nghệ, 10g bồ công anh cùng 8g ngải cứu. Các vị thuốc này đem tán hết thành bột mịn. Mỗi ngày chỉ dùng 10 – 20g, chia đều làm 2 lần uống cùng nước sôi ấm.

2. Bài thuốc hỗ trợ chữa viêm đại tràng mãn tính

  • Chuẩn bị: Khoảng 8g lá khổ sâm, cùng chè dây, nam mộc hương, vân mộc hương, hậu phác, thương truật với lượng bằng nhau.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm, đổ thêm 1 thăng nước. Đun sôi trong 30 phút với lửa nhỏ. Chia đều thành nhiều lần uống trong ngày, dùng mỗi ngày chỉ 1 thang thuốc.Lá khổ sâm        Lá dược liệu sau khi thu hái sẽ được phơi khô để làm vị thuốc

3. Bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị khoảng 12 – 24g khổ sâm. Đem vị thuốc đi sắc lấy nước đặc để uống. Ngoài ra có thể dùng bằng cách hãm như hãm trà.

  • Bài thuốc 2: Cần có 12g lá khổ sâm, 12g nhân trần, 12g bồ công anh, 10g lá khôi cùng với 10g chút chít. Các vị thuốc đem tán bột rồi trộn đều. Pha với nước sôi ấm để uống hằng ngày.

  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị 12g lá khổ sâm, 20g bồ công anh, 40g lá khôi, 12g uất kim, 12g hậu phác, 4g cam thảo cùng với 8g ngải cứu. Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc lấy nước đặc hay nấu thành cao để pha siro uống.

4. Bài thuốc chữa bệnh vẩy nến, lở ngứa

  • Chuẩn bị: 15g lá khổ sâm, 15g huyền sâm, 15g sinh địa, 15g kim ngân hoa, 10g thương nhĩ tử.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem cho vào ấm sắc lấy nước uống khi còn ấm mỗi ngày 1 thang. Nên kết hợp với việc dùng lá khổ sâm cùng kinh giới và lá trầu không đun nước tắm để giảm nhanh triệu chứng ngứa ngoài da.

5. Bài thuốc chữa chứng kiết lỵ kèm hay đau bụng đi ngoài

  • Bài thuốc 1: Cần có 1 nắm lá khổ sâm cùng 1 nắm lá phèn đen. Đem sắc lấy nước uống trong ngày, dùng mỗi ngày 1 thang.

  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 10g lá khổ sâm, 10g rau sam, 10g lá mơ lông, 10g cỏ sữa, 10g nhọ nồi. Cho hết vị thuốc vào ấm sắc lấy nước uống mỗi ngày chỉ dùng 1 thang.

6. Bài thuốc trị đau bụng không rõ nguyên nhân

  • Chuẩn bị: 4 – 5 lá khổ sâm cùng mấy hạt muối.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem nhai nuốt trực tiếp. Trong trường hợp có triệu chứng nôn ói hoặc sôi bụng thì nhai chung với 1 lát gừng tươi.

Các bài thuốc chữa bệnh có khổ sâm cho rễ

Sau đây là một số bài thuốc có sử dụng dược liệu khổ sâm cho rễ:

1. Bài thuốc Khổ sâm hoàn – Hòa tễ cục phương

  • Chuẩn bị: 32 lạng khổ sâm, 16 lạng kinh giới bỏ cành.

  • Thực hiện: Các vị thuốc này đem tán thành bột mịn, trộn đều với nhau. Sau đó cho nước hồ vào trộn đều để hoàn thành viên bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần lấy 30 viên uống cùng với nước sắc kinh giới hoặc nước trà vào sau bữa ăn. Bài thuốc giúp trị Tâm, Phế tích nhiệt, Thận có phong độc tấn công làm phát sinh các triệu chứng ngứa, lở loét ngoài da.

2. Bài thuốc Phổ tế phương

  • Chuẩn bị: 640g khổ sâm, 160g đông qua tử, 160g xích thược cùng với 8g huyền sâm. 

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên tán hết thành bột mịn và trộn đều. Mỗi lần lấy 4g thuốc bột xoa lên mặt. Dùng khi da mặt bị ngứa như có kim châm.

3. Bài thuốc chữa âm đạo ngứa rát

  • Chuẩn bị: Khổ sâm, lộ phong phòng, chích thảo và phòng phong với lượng bằng nhau. 

  • Thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm sắc cùng với 1 thăng nước trong 10 phút. Đem pha với nước sạch cho ấm rồi dùng vệ simnh vùng kín, tuyệt đối không thụt rửa sâu bên trong.

4. Bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh sùi mào gà

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị khổ sâm cùng với ý dĩ, hoàng bá và hoàng kỳ lượng bằng nhau. Đem sấy khô các vị thuốc rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 1g thuốc bột rắc lên vị trí tổn thương rồi băng kín lại. Một liệu trình kéo dài 10 ngày, dùng liên tục 2 liệu trình sẽ thấy kết quả.

  • Bài thuốc 2: Cần có 30g khổ sâm, 45g mã xỉ hiện, 30g bản lam căn, 30g sơn đậu căn, 20g hoàng bá, 15g mộc tặc thảo, 10g bạch chỉ, 10g lộ phong phòng, 10g đào nhân, 10g cam thảo sống, 10g tế tân. Các vị thuốc này đem sắc lấy nước đặc rồi dùng gạc thấm vào và đắp lên vị trí tổn thương 15 phút, ngày chỉ đắp 1 lần. Mỗi liệu trình kéo dài 5 ngày.

  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị 50g khổ sâm, 20g đậu căn, 15g đào nhân, 30g tam lăng, 30g nga truật, 12g đan bì, 20g mộc tặc. Các vị thuốc sắc lấy nước để ngâm rửa vị trí tổn thương 2 lần/ngày, 8 phút/lần. Mỗi liệu trình kéo dài 14 ngày.

  • Bài thuốc 4: Cần có 50g khổ sâm, 50g sà sàng tử, 50g mộc tặc thảo, 50g bách hộ, 50g bản lam căn, 30g đào nhân, 50g thổ phục linh, 30g xuyên tiêu, 30g minh phàn. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước để ngâm rửa vị trí tổn thương ngày 2 lần, 30 phút/lần.

  • Bài thuốc 5: Chuẩn bị 30g khổ sâm, 60g mã xỉ hiện, 10g hồng hoa, 30g bạch hoa xà thiệt thảo, 30g mộc tặc thảo, 20g bạch liễm, 20g linh từ thạch. Cho hết các vị thuốc vào ấm sắc lấy nước ngâm rửa vị trí tổn thương. Mỗi ngày chỉ 1 lần, mỗi lần khoảng 20 phút. Mỗi liệu trình kéo dài 20 ngày.tác dụng của khổ sâm          Khổ sâm cho rễ chứa thành phần hóa học đa dạng đem lại nhiều tác dụng trong chữa bệnh

5. Bài thuốc chữa dị ứng

  • Chuẩn bị: 8g khổ sâm, 15g ké đầu ngựa, 8g chi tử, 8g hoàng cầm, 8g phòng phong, 12g sinh địa cùng với 4g cam thảo.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem cho hết vào ấm sắc với 1 thăng nước trên lửa nhỏ. Thu lấy 300ml rồi bỏ bã chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.

6. Bài thuốc chữa quai bị

  • Chuẩn bị: 12g khổ sâm, 12g quả ké, 12g sài đất, 15g hạ khô thảo nam, 12g kim ngân hoa, 12g bồ công anh.

  • Thực hiện: Cho hết tất cả các vị thuốc vào ấm sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ. Thu lấy 200ml lọc bỏ bã rồi chia đều thành 2 lần uống khi còn ấm, dùng 1 thang/ngày.

7. Bài thuốc chữa xuất tinh sớm

  • Chuẩn bị: 25g khổ sâm, 15g ngũ bội tử, 15g hạt tiêu cùng với 25g địa phu tử.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem ngâm trong 1,5 lít nước nóng khoảng 30 phút. Sau đó đem đi sắc văn hỏa trong khoảng 15 – 20 phút rồi chắt lấy nước, bỏ bã. Dùng nước thuốc này để ngâm hạ bộ mỗi ngày khoảng 3 – 4 lần.

8. Bài thuốc chữa chứng sưng đau do chân tay nứt nẻ

  • Chuẩn bị: 12g khổ sâm, 6g hoàng cầm cùng với 24g can đại hoàng.

  • Thực hiện: Các vị thuốc đem cho vào ấm, đổ thêm 1 lít nước sắc kỹ trên lửa nhỏ. Lọc bỏ bã và chia đều thành 3 lần uống trong ngày vào trước các bữa ăn.

9. Bài thuốc hỗ trợ điều trị giun kim

  • Chuẩn bị: 15g khổ sâm, 15g bách hộ cùng với 15g xà sàng tử.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước để rửa vùng âm đạo và hậu môn trước kjhi ngủ. Cần thực hiện trong 3 ngày liên tục.

10. Bài thuốc chữa lỵ

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 16g khổ sâm, 20g vỏ cây núc nác, 12g hoàng liên, 20g cỏ sữa, 20g lá nhót, 16g hoài sơn, 16g hạt sen, 12g bạch truật, 20g cỏ nhọ nồi sao đen, 12g cam thảo. Các vị thuốc này đem sắc lấy nước đặc, chia làm 2 lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.

  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g khổ sâm, 20g rau sam, 16g hoa hòe sao đen, 16g vỏ cây núc nác, 12g búp ổi, 20g đinh lăng, 20g cỏ sữa, 16g cỏ ngũ sắc, 12g bạch truật, 16g ngũ gia bì, 12g hoàng đằng cùng 12g chích cam thảo. Đem cho hết các vị thuốc vào ấm sắc lấy nước đặc, chia đều thành 2 lần uống, mỗi ngày chỉ dùng 1 thang.

11. Bài thuốc ngâm rửa chân

  • Chuẩn bị: 12g khổ sâm, 12g đương quy, 15g hoàng kỳ, 15g sinh địa, 10g xuyên khung, 10g trạch lan, 10g tô mộc, 12g hoàng cầm, 6g tế tân cùng 6g quế chi.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán hết thành bột rồi dùng hòa tan trong nước nóng. Chờ cho nhiệt độ nước vừa ấm thì cho chân vào ngâm trong 10 – 20 phút, mỗi ngày thực hiện 1 – 3 lần. Bài thuốc có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, đồng thời giải trừ mỏi mệt, giúp dễ ngủ và còn hỗ trợ điều trị chứng di tinh.

12. Bài thuốc chữa chứng khô âm đạo

  • Chuẩn bị: 50g khổ sâm cùng với 60g hà thủ ô.

  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc kỹ lấy nước. Sau đó lọc bỏ phần bã đi rồi dùng nước thuốc ngâm rửa âm đạo 10 – 15 phút, chỉ thực hiện 1 lần mỗi ngày. Ngoài ra có thể kết hợp sắc các vị thuốc đã chuẩn bị thành nước đặc để uống ngày 1 thang, có thể chia đều thành 2 lần uống.

Những lưu ý khi sử dụng khổ sâm

Đối với khổ sâm cho lá, khi sử dụng cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Tuyệt đối không sử dụng lá khổ sâm cho những người tỳ vị hư hàn hay bị suy nhược, táo bón.

  • Sử dụng với liều cao có thể phát sinh phản ứng phụ với các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn.

  • Không dùng lá khổ sâm cho các đối tượng trẻ em, phụ nữ đang cho con bú hay phụ nữ mang thai.

Còn đối với loại khổ sâm cho rễ thì cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Dược liệu kỵ với thỏ ty tử, bối mẫu và phản lê lô nên tuyệt đối không kết hợp chung các vị thuốc này với khổ sâm.

  • Tránh dùng khi can thận hư yếu mà không kèm theo chứng nóng.

  • Sử dụng dài ngày có thể khiến cho thận khí và tạng can bị tổn thương.

  • Tuyệt đối không dùng dược liệu cho những người có tỳ vị hư hàn.

Khổ sâm là tên gọi chung của nhiều loại dược liệu, chính vì thế cần phân biệt rõ để sử dụng đúng mục đích. Tốt nhất, trước khi dùng bất cứ loại khổ sâm nào để chữa bệnh cũng nên tham khảo kỹ ý kiến thầy thuốc hay người có chuyên môn. Những thông tin được đề cập trong bài viết trên chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế cho chỉ dẫn từ thầy thuốc.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top