Nhục đậu khấu hay còn gọi là Nhục quả là vị thuốc được sử dụng để phổ biến trong y học cổ truyền. Vị thuốc có tác dụng hỗ trợ hệ thống tiêu hóa và kích thích hệ thống
thần kinh
.
Dược liệu Nhục đậu khấu hay còn gọi là Nhục quả
Tên gọi khác: Nhục quả, Ngọc quả, Đậu khấu, Già câu lắc, Muscade, Noix de Muscade
Tên khoa học: Myristica fragrans Houtt
Họ: Nhục đậu khấu – Myristicaceae
Mô tả dược liệu Nhục đậu khấu
1. Đặc điểm sinh thái
Cây Nhục đậu khấu thân gỗ, độ cao khoảng 8 – 10 mét, cây nhỏ, cành mảnh, toàn thân cây nhẵn. Lá cây mọc so le, phiến lá mác, hình elip, đỉnh lá ngắn, gốc lá rộng, mép lá nguyên, có 8 – 10 gân lá đối xứng 2 bên. Cuống lá dài khoảng 7 – 10 mm.
Hoa thường có màu vàng trắng, mọc thành xim ở các kẽ lá. Cụm hoa dài 1 – 3 cm, nhẵn. Các thùy hoa có hình bầu dục hoặc hình tam giác, bên ngoài màu nâu.
Quả hạch, hình cầu hoặc hình quả lê, đường kính khoảng 5 – 8 cm. Quả thường mọc đơn, có cuống ngắn hoặc cuống dài quả buông thõng xuống. Khi chín, đáy quả sẽ nở ra theo chiều dọc thành 2 mảnh lộ ra phần hạt bên trong. Hạt Nhục đậu khấu có vỏ dày và được bao bọc bởi một lớp áo màu hồng.
2. Bộ phận sử dụng dược liệu
Các bộ phận của Nhục đậu khấu được ứng dụng làm dược liệu bao gồm:
Nhục đậu khấu: Là phần nhân phơi hoặc sấy khô.
Nhục ngọc quả: Là phần áo (vỏ giả màu hồng của hạt) của hạt Nhục đậu khấu đã được phơi hoặc sấy khô.
3. Phân bố
Nhục đậu khấu có nguồn gốc từ quần đảo Maluku (Indonesia) và được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới như ở Campuchia, Ấn Độ, Malaysia. Tại Trung Quốc, cây được trồng thử nghiệm và phát triển tốt ở các tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây và Vân Nam.
Ở nước ta, cây Nhục đậu khấu thường phổ biến ở các tỉnh miền Nam.
4. Thu hái – Chế biến
Cây Nhục đậu khấu sau khi trồng được 7 năm thì có thể thu hoạch liên tục trong 60 – 70 năm. Vào năm 25 tuổi, cây cho thu hoạch ổn định và phong phú nhất. Mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần vào tháng 4 – 6 và tháng 11 – 12.
Sau khi thu hái, mang về tách riêng phần vỏ quả giữ lại phần áo quả (Đông y gọi là Nhục y quả hoặc Ngọc quả hoa). Sau đó ngâm phần dược liệu với muối rồi sấy hoặc phơi khô.
Ngoài ra, có thể hong dược liệu với lửa nhỏ cho đến khi lắc nghe có tiếng lóc cóc là được. Việc sấy và làm khô hạt thường kéo dài đến 2 tháng. Sau đó có thể tách phần vỏ quả để lấy phần nhân Nhục đậu khấu, phân loại theo kích thước hạt, ngâm qua nước vôi để ngăn ngừa cân trùng và nấm mốc.
5. Bảo quản dược liệu
Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nơi ẩm ướt hoặc có độ ẩm cao.
6. Thành phần hóa học
Dược liệu Nhục đậu khấu chứa các thành phần hóa học chủ yếu như sau:
Lá (bao gồm lá tươi và lá khô) chứa nhiều tinh dầu.
Áo hạt: Chứa tinh dầu, các axit béo tương tự như nhân hạt, nhựa, Pectic.
Nhân hạt: Chứa chất béo vị đắng (bơ Nhục đậu khấu), tinh bột, tinh dầu bay hơi (không có màu, mùi nồng đặc trưng, tính nhớt) và một lượng nhỏ Acid Myristic.
Hạt chín, khô: Chứa 25 – 40% tinh dầu cố định và 5 – 10% tinh dầu bay hơi (đây cũng là thành phần chính của dược liệu hạt Nhục đậu khấu). Ngoài ra, hạt cũng chứa một số thành phần dinh dưỡng như: Nước, chất vô cơ, sắt, Pectin, Hydrat Cacbon, Protein, Phosphor, Furfural và Pentosan.
Vị thuốc Nhục đậu khấu
Hình ảnh hạt Nhục đậu khấu
1. Tính vị
Vị cay đắng (theo Dược tính luận)
Vị đắng cay mà xáp, tính ấm (theo Bản thảo chính)
Vị cay, tính ấm, không chứa độc (theo Hải dược bản thảo)
2. Quy kinh
Nhục đậu khấu quy kinh:
Kinh Tỳ, Đại tràng
Kinh Phế, Vị (theo Lôi công bào chế dược tính giải)
Kinh Tỳ, Vị, Đại tràng (theo Bản thảo kinh sơ)
Kinh Thủ dương minh (theo Thang dịch bản thảo)
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu của y học hiện đại:
Tăng cường chức năng não bộ: Nhục quả chứa hợp chất Myristicin có thể hỗ trợ cải thiện trí nhớ, kích thích hệ thống thần kinh và hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer.
Hỗ trợ chống trầm cảm: Myristicin và Elemicin có thể tăng dẫn truyền thần kinh Dopamine và Serotonin ở não bộ, từ đó giúp an thần và chống lại căng thẳng.
Cải thiện tình trạng mất ngủ: Hạt Nhục quả có thể làm dịu căng thẳng và tăng cường giải phóng Serotonin giúp an thần, dễ chịu để đi vào giấc ngủ tốt hơn.
Tăng cường hệ thống miễn dịch: Dược liệu chứa nhiều vitamin và khoáng chất có thể bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và tăng sức đề kháng.
Ngăn ngừa sâu răng: Nhục quả có đặc tính kháng khuẩn và ngăn ngừa một số vi khuẩn có thể gây ra các vấn đề răng miệng. Bên cạnh đó, hàm lượng tinh dầu trong dược liệu có thể cải thiện tình trạng đau buốt răng hiệu quả.
Hỗ trợ hoạt động của hệ thống tiêu hóa: Tăng cường bài tiết dịch dạ dày giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, lượng chất xơ trong dược liệu cũng hỗ trợ ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Hỗ trợ ngăn ngừa viêm đau khớp và đau nhức cơ bắp: Tinh dầu Nhục quả có thể chống viêm, giảm đau cơ, khớp cấp và mạn tính.
Kháng khuẩn: Axit Myristic có trong Nhục quả có thể ức chế nhiều loại vi khuẩn gây hại và hỗ trợ khả năng chống khuẩn của hệ thống miễn dịch.
Gây mê: Methyl Eugenol và Elastin trong Đậu khấu có thể bay hơi dễ dàng và cơ tác dụng gây mê.
Hỗ trợ quá trình đào thải độc tố: Hàm lượng Magie và chống chống oxy hóa cao giúp Nhục quả hạn chế sự phát triển của các gốc tự do và kích hoạt các enzym hỗ trợ đào thảo độc tố trong cơ thể.
Theo y học cổ truyền:
Kích thích tiêu hóa, dùng làm thuốc trong các trường hợp kén ăn, sốt rét.
Bơ Đậu khấu dùng xoa bóp ngoài chữa nhức mỏi, tê người.
4. Nhục đậu khấu có công dụng gì?
Theo y học cổ truyền, Đậu khấu mang lại các công dụng như:
Âm trung tiêu hạ khí, hỗ trợ ăn tiêu, giúp bền ruột. Thường được ứng dụng để chữa chướng bụng đầy hơi, hư tả, lãnh lỵ, thường hay nôn mửa, ăn đêm không tiêu gây sình bụng khó chịu.
Chủ tâm xổ giun, tỳ hư lạnh kèm khí hư lạnh, lạnh nóng bất thường do hư, lỵ trắng đỏ (theo Hải dược bản thảo).
Chủ trị trẻ nhỏ trào ngược, không bú sữa, đờm ẩn, đau bụng, khó tiêu (theo Dược tính luận).
Ấm trung tiêu, chữa lạnh tích âm bụng gây đau chướng, hoắc loạn trúng ác, nôn chảy nước bọt, tiêu ăn, khí lạnh, trẻ con trên nôn dưới đại tiện ra sữa (theo Khai bảo bản thảo).
Chữa chứng tinh lạnh (theo Bản thao kinh độc).
Ấm tỳ vị, hỗ trợ đại tràng (theo Cương mục).
Ấm tỳ vị, bền chặt đài tràng, ấm trung tiêu, tiêu ăn, hạ khí, trị vỵ lạnh tả lâu, bụng chướng đau khó chịu, nôn mửa, thức ăn qua đêm không tiêu (theo Vân Nam trung dược tư nguyên danh lục).
Chữa tiết tả do thận, mọc ngược xung lên, trên thịnh dưới hư, nguyên dương nổi lên gây đau đầu chóng mặt (theo Bản thảo cầu nguyên).
5. Cách dùng – Liều lượng
Nhục quả có thể dùng dưới dạng nước sắc, bột hoặc viên hoàn. Liều lượng khuyến cáo dưới dạng thuốc sắc là 3 – 10 g mỗi ngày, dạng bột và viên hoàn khoảng 1.5 – 3 g mỗi ngày.
Bài thuốc sử dụng Nhục đậu khấu
Vị thuốc Đậu khấu
1. Chữa tiêu chảy, đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, ăn kém
Bài thuốc thứ nhất:
Sử dụng 0.5 g Nhục đậu khấu, 0.2 g Đinh hương tán thành bột mịn, trộn đều. Sau đó hòa với 1 g đường sữa, chia thành 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc thứ hai:
Sử dụng 80 g Nhục quả, 40 g Đinh hương, 100 g Quế, 30 g Sa nhân, tán thành bột mịn, trộn đều cùng 250 g Calci Carbonat, 500 g đường. Mỗi lần dùng 0.5 – 4 g, ngày dùng một lần.
2. Điều trị thấp chướng, chán ăn, bệnh có thể gây đại tiện
Sử dụng Đậu khấu, Khinh phấn, Binh lang, mỗi vị 1 phân, Hắc sửu 1.5 lạng, nghiền thành bột mịn, làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng khoảng 10 – 20 viên, ngày uống 3 lần sau bữa ăn chính (theo Tuyên Minh luận phương – Nhục đậu khấu hoàn).
3. Chữa tiêu chảy nhiều ngày do lao ruột kèm thận dương hư và viêm đại tràng mạn tính
Bài thuốc thứ nhất:
Sử dụng 6 g Nhục đậu khấu, 10 – 20 g Bổ cốt chi, 10 g Ngũ vị tử, 15 g Đẳng sâm, 9 g Ngô thù du sắc thành uống, dùng uống khi còn nóng.
Bài thuốc thứ hai:
Sử dụng 5 g Nhục đậu khấu, 5 g Ngũ vị tử, 4 g Ngô thù du, 10 g Bổ cốt chi, 3 quả Đại táo kèm 3 lát gừng tươi, sắc thành thuốc, uống với nước nhạt trước khi đi ngủ.
4. Chữa tỳ hư tiết tả, chán ăn, ruột kêu
Sử dụng 1 quả Đậu khấu, khoét 3 lỗ rỗng nhét 3 cục nhũ hương nhỏ vào trong, dùng bột miến chặn kín, miến chín làm mức, bỏ miến giã nhỏ. Mỗi lần sử dụng 5 g (trẻ nhỏ dùng 2.5 g) uống cùng với nước cơm (theo Dương thị gia tàng phương – Nhục đậu khấu tán).
5. Điều trị tiết tả hư tỳ, lý khí
Sử dụng 2 quả Nhục đậu khấu, dấm gạo hòa với bột miến, mang đi gói kín lại đặt trong tro nước khiến vàng sém, sau đó nghiền nhỏ. Mỗi lần dùng 2 – 3 g (theo Tục truyền tín phương).
6. Chữa thủy tả vô độ, bụng đau, ruột kêu
Nghiền nhỏ 1 lạng Nhục đậu khấu bỏ vỏ, 2 lạng miến trắng trộn với nước gừng tươi làm thành bánh gói bột Nhục quả, sau mang đi tán nhỏ. Mỗi lần dùng 3 g, mỗi ngày hai lần, dùng thuốc khi đói cùng với nước cơm (theo Thánh tễ tổng lục – Nhục đậu khấu tán).
7. Chữa nôn mửa không ngừng
Dùng 1 lạng Nhục quả bỏ vỏ, 1 lạng Nhân sâm (dùng đầu, bỏ bẹ), 1 lạng Hậu phác (bỏ vỏ, đồ nước gừng tươi, nướng chín thơm), tán thô thành bột mịn.
Mỗi lần dùng 3 g hỗn hợp trên sắc cùng 1/2 phân Sinh khương, 1 nắm gạo tẻ, 1 bát nước to. Sắc đến khi nước còn 5 phần thì bỏ phần bã, dùng uống thay nước trong ngày (theo Thánh huệ phương).
8. Điều trị rong kinh, đau bụng kinh, đau lưng, ho do co thắt
Sử dụng bột Đậu khấu, ngọn cây Gai mèo, Bạch đậu khấu, Đinh hương, Long não, Bạch hoa xà, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng 0.75 – 1.5 g, dùng kèm với mật ong, ngày uống 2 lần.
Độc tính và kiêng kỵ khi sử dụng Nhục đậu khấu
Độc tính và lưu ý khi dùng:
Hạt nhục đậu khấu chứa nhiều tinh dầu dễ bay hơi với thành phần chính là Terpen, dầu béo và Axit Myristic. Sử dụng quá liều hoặc với liều lớn có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc tinh dầu Nhục quả như chóng mặt, giãn đồng tử và cơ giật.
Dùng nhiều hơn 7.5 g bột Đậu khấu mỗi ngày có thể gây chóng mặt, mất tiếng hoặc thay đổi giọng nói, thần trí không rõ ràng và có nguy cơ tử vong cao.
Bài thuốc chứa cây Gai mèo có thể gây nghiện và dễ ngộ độc. Do đó, cần thật sự thận trọng khi sử dụng.
Kiêng kỵ khi sử dụng:
Không dùng Đậu khấu cho người bệnh lỵ và tiêu chảy do thấp nhiệt.
Nhục đậu khấu là vị thuốc quen thuộc trong y học với nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, Nhục quả chứa độc tính, do đó người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng hiệu quả, an toàn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh