✴️ Ổ rồng

Nội dung

Cây ổ rồng (lan tai tượng) là loài thực vật sống phụ sinh và được trồng chủ yếu để làm cảnh. Ngoài ra thảo dược này còn có tác dụng tiêu phù, giảm ngứa, làm liền xương nên còn được tận dụng để chữa ghẻ lở, mẩn ngứa, gãy xương và chứng phù thũng.

Tên gọi khác: Quyết dẹt, Lan bắp cải, Lan tai tượng, Lan ổ rồng và Ổ phượng.

Tên khoa học: Platycerium grande

Tên dược: Herba Platycerii

Họ: Dương xỉ (danh pháp khoa học: Polypodiaceae)

 

Mô tả dược liệu ổ rồng

1. Đặc điểm cây ổ rồng

Ổ rồng là cây sống phụ sinh trên những cành lớn của các loài thực vật khác. Thân rễ, mọc bò và không có vảy/ lông. Lá có 2 loại, lá ở gốc dài và rộng khoảng 40 – 90cm, không cuống, mọc ốp vào nhau và hướng ngược xuống đất.

cây ổ rồng

Cây ổ rồng có 2 loại lá, bao gồm lá không sinh sản và lá sinh sản

 

Loại lá sinh sản (chứa bào tử) có phiến lá xẻ sâu, rộng 2 – 4cm và dài từ 1 – 2m. Kẽ rẽ đôi của phiến lá có chứa ổ túi bào tử có hình thận và màu vàng nhạt.

2. Bộ phận dùng

Toàn cây lan tai tượng đều được sử dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Ở nước ta, cây ổ rồng được trồng nhiều để làm cảnh. Cây phân bố từ Đà Nẵng trở vào các tỉnh miền Nam. Ngoài ra loài thực vật này cũng sinh sống tại một số quốc gia khác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia,… Trong môi trường tự nhiên, cây thường sống bám trên những thân gỗ to và sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái cây quanh năm. Sau khi hái về đem rửa sạch đất cát, bỏ lá hư hại rồi dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

5. Bảo quản

Bảo quản nơi khô thoáng, nhiệt độ vừa phải, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Chưa có nghiên cứu.

 

Vị thuốc ổ rồng

1. Tính vị

Chưa có nghiên cứu.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

Cây ổ rồng chủ yếu được sử dụng trong phạm vi nhân dân nên hầu như không được nghiên cứu trên phương diện khoa học.

Công dụng: Trị phù thũng, giúp nhanh liền xương và giảm phù.

Chủ trị: Phù thũng, gãy xương, ghẻ lở và mề đay mẩn ngứa.

Ở Campuchia, nhân dân sử dụng lá lan ổ phượng giã nát và đắp lên tay chân để trị chứng phù thũng.

Ở Malaysia người ta dùng tro đốt từ dược liệu chà xát vào người để trị bệnh lá lách to.

Dân tộc Ê Đê tại Đắc Lắc sử dụng cây để giã nát, đắp lên khớp xương để giúp xương mau liền. Ngoài ra nhân dân còn sử dụng loại lá không sinh sản của cây ổ rồng băm nhỏ, giã nát và đắp lên vết thương để cầm máu.

4. Cách dùng – liều lượng

Cây ổ rồng chủ yếu được sử dụng ngoài da nên không có quy định về liều lượng. Hiện tại nghiên cứu về loại dược liệu này còn nhiều hạn chế, vì vậy bạn không nên tùy tiện sử dụng bài thuốc uống từ cây lan tai tượng.

 

Bài thuốc chữa bệnh từ cây ổ rồng – lan tai tượng

cây ổ rồng

Lan ổ rồng thường được dùng để điều trị chứng phù thũng, ghẻ lỡ, gãy xương và mẩn ngứa

1. Bài thuốc trị ghẻ ngứa ngoài da

Chuẩn bị: Một ít lá của cây ổ rồng.

Thực hiện: Rửa sạch, để ráo nước sau đó thêm ít muối vào và giã nát đắp lên vùng ghẻ ngứa. Hoặc dùng lá khô đốt thành tro rồi thoa trực tiếp lên nốt ghẻ để giảm ngứa và giúp vết lở loét mau liền lại.

2. Bài thuốc trị phù thũng

Chuẩn bị: Lá ổ rồng.

Thực hiện: Gia giảm liều lượng dược liệu sau đó sắc uống. Đồng thời giã nát lá tươi, rồi đắp lên chân tay để giảm phù.

3. Bài thuốc giúp xương gãy mau liền

Chuẩn bị: Thân, rễ và lá của cây ổ rồng.

Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng xương bị gãy. Sau đó dùng vải bó cố định lại và hạn chế vận động cho đến khi xương liền hoàn toàn.

4. Bài thuốc trị mẩn ngứa quanh người

Chuẩn bị: Lá ổ rồng tươi.

Thực hiện: Rửa sạch, sau đó nấu cho sôi rồi dùng nước tắm hằng ngày cho đến khi mẩn ngứa biến mất hoàn toàn.

Lưu ý khi dùng lan ổ rồng chữa bệnh

Hiện tại ở nước ta gồm có 3 loại ổ rồng thường gặp, bao gồm Ổ rồng nhỏ/ ổ rồng tràng (Platycerium coronarium); Ổ rồng lớn/ Lan bắp cải/ Ổ rồng (Platycerium grande); Ổ rồng chẻ hai (Platycerium bifurcatum). Các loài ổ rồng này đều thuộc họ Dương xỉ.

Tránh nhầm lẫn với cây tổ rồng (cây tắc kè đá, tổ phượng). Tắc kè đá cũng là loài thực vật sống phụ sinh nhưng thường mọc ở núi đá và những cây thân gỗ mục nát. Tắc kè đá thường được sử dụng để trị chứng thận hư, tai ù, đau lưng, chảy máu chân răng,…

Các nghiên cứu về tác dụng dược lý và độc tính của cây ổ rồng còn nhiều hạn chế. Vì vậy trước khi áp dụng bài thuốc uống từ dược liệu này, bạn nên tham vấn y khoa để giảm thiểu rủi ro và tác dụng không mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top