1. Bệnh sỏi gan có nguy hiểm không?
Gan là cơ quan quan trọng bậc nhất của cơ thể. Đây là bộ máy thải độc lớn nhất của cơ thể. Mỏi tổn thương tại gan hoặc bệnh lý liên quan đến sức khỏe của gan đều tác động vô cùng lớn tới sức khỏe chung toàn cơ thể.
Sỏi gan là một trong các bệnh lý không quá phổ biến trong các nhóm bệnh lý gan mật tuy nhiên nó là bệnh có thể gây ra tình trạng ứ mật và các đợt viêm đường mật tái phát nhiều lần.
Bệnh sỏi gan nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe gan, teo gan, xơ gan, ung thư đường mật…
Việc điều trị bệnh sỏi gan đến nay vẫn còn nhiều thách thức và tranh cãi. Đa phần khi bệnh sỏi gan gây triệu chứng hoặc biến chứng thì chỉ định cắt gan được lựa chọn nhằm hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi và tái phát sỏi. Song phẫu thuật cắt gan trong các trường hợp sỏi gan là một thách thức lớn với các bác sĩ phẫu thuật. Bởi đa phần các bệnh nhân thường có các phẫu thuật đường mật trước đó.
Sỏi gan là bệnh lý gan mật nguy hiểm và khó điều trị triệt để
2. Các biến chứng nguy hại của bệnh sỏi gan
Các biến chứng phổ biến của sỏi gan bao gồm viêm nhiễm trùng đường mật, áp xe gan, xơ gan, nhiễm trùng huyết, ung thư đường mật
- Nhiễm trùng đường mật: Viêm nhiễm trùng đường mật là biến chứng thường gặp của sỏi gan đặc biệt là viêm mủ đường mật. Tắc mật do sỏi mật chiếm đến 80% tổng số các trường hợp viêm đường mật cấp. Người bệnh có thể có biểu hiện đau bụng vùng gan, sốt rét run, vàng da, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi…. Nếu không được điều trị tốt có thể biến chứng thành nhiễm khuẩn huyết với tỷ lệ tử vong cao hoặc viêm tái phát nhiều lần dẫn đến chít hẹp đường mật, suy gan,
- Áp xe gan: dịch mật ứ lại lâu dần tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công nhu mô gan tạo thành các ổ mủ, ổ áp xe.
- Xơ hóa gan: gan bị viêm nhiễm, phá hủy tế bào gan, dẫn đến gan mất chức năng không thể hồi phục là một trong các biến chứng của sỏi gan.
- Nhiễm trùng huyết: Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp và liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao, rét run, huyết áp tụt, mạch nhanh…
- Ung thư đường mật: Mặc dù tỷ lệ không cao song sỏi gan có thể là một trong các nguyên nhân dẫn đến ung thư đường mật. Biến chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử sỏi gan tái phát nhiều lần. Cơ chế bệnh sinh là do sỏi gây viêm mạn tính đường mật dẫn đến quá sản biểu mô đường mật – nguồn gốc của ung thư.
3. Dấu hiệu cảnh báo bệnh sỏi gan trở nặng
Bệnh sỏi gan thường ít khi diễn ra âm thầm. Các triệu chứng của bệnh sỏi gan thường rất đa dạng.
Giai đoạn ban đầu các triệu chứng chủ yếu liên quan đến khả năng tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, chậm tiêu…
Giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi sỏi gan bắt đầu gây ra các biến chứng người bệnh bắt đầu xuất hiện
- Cơn đau bụng:
- Vị trí: vùng gan (hạ sườn phải) lan lên vai phải
- Mức độ: cơn đau có thể âm ỉ nhưng phần lớn là đau dữ dội thành cơn.
- Tính chất: thường liên quan đến bữa ăn, nhất là sau ăn no
- Thời gian: cơn đau có thể kéo dài 15-20 phút nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn đến nhiều giờ.
- Sốt cao, rét run: Đa phần khi biến chứng, sỏi gan thường gây ra tình trạng viêm nhiễm trùng. Có thể là khu trú vùng gan mật, nhưng cũng có thể là nhiễm trùng huyết.
- Vàng da, vàng mắt do tình trạng ứ mật, bilirubin tăng cao trong máu.
Khi có cả 3 triệu chứng này thì người bệnh được chẩn đoán là có tam chứng Charcot – một trong các hội chứng điển hình của viêm đường mật tắc nghẽn do sỏi.
4. Cách phòng biến chứng nguy hiểm của sỏi gan
Phát hiện sớm và điều trị tích cực là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong dự phòng biến chứng của bệnh sỏi gan.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ
- Điều trị tích cực khi phát hiện sỏi gan. Thông thường các trường hợp sỏi gan đơn độc, kích thước dưới 5mm và chưa có triệu chứng thì có thể để theo dõi tiếp. Nhưng khi số lượng sỏi gan nhiều, kích thước lớn hoặc gây ra các triệu chứng thì người bệnh cần nhập viện điều trị.
- Phương pháp điều trị sỏi gan phụ thuộc và số lượng, kích thước, vị trí sỏi và bệnh lý kèm theo của người bệnh. Điều trị sỏi gan có thể điều trị nội khoa bước đầu để giảm kích thước sỏi bằng việc dùng thuốc sau đó kết hợp với các phương pháp khác như tán sỏi qua da, nội soi mật tụy ngược dòng, phẫu thuật lấy sỏi hoặc phẫu thuật cắt gan…
- Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt để phòng tránh bệnh lý sỏi gan. Theo nhiều nghiên cứu dịch tễ thì nguyên nhân chính gây ra sỏi gan ở người Việt Nam liên quan đến ký sinh trùng đường ruột. Ăn chín, uống sôi, sinh hoạt khoa học, điều độ và không bỏ bữa (nhất là bữa sáng) là những biện pháp đơn giản giúp phòng tránh bệnh sỏi gan.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp