✴️ Rau dừa nước

Rau Dừa nước hay còn gọi là cây thủy long thường được sử dụng để điều trị phù thũng, mụn nhọt, phát ban, áp xe, nóng sốt, ho khan, ho có đờm,…

rau dừa nước

Hình ảnh cây rau dừa nước

  • Tên gọi khác: Thủy long, Du long thái, Rau dừa trâu, Thụy thái

  • Tên khoa học: Jussuaea repens L.

  • Họ: Thuộc họ Rau dừa nước – Oenotheraceae

 

Mô tả dược liệu rau dừa nước

1. Đặc điểm sinh thái

Cây rau dừa nước thân thảo, nhỏ, đường kính thân khoảng 1 – 2 cm thường mọc bò trên mặt nước. Rễ dừa nước thường mọc ở các mấu, xung quanh có một lớp xốp bọc bên ngoài tương tự như phao nổi, hình trứng.

Lá rau dừa nước hơi thuôn, có hình trứng, cuống lá hơi dẹp, đầu tù hoặc hơi tròn. Lá dài khoảng 4 – 6 cm. Hoa Dừa nước mọc đơn dọc theo các kẽ lá. Hoa màu trắng, có 5 cánh, cuống dài khoảng 1 cm.

Quả nang, có hình trụ dài khoảng 25 mm, mở thành ba mảnh, bên ngoài quả có phủ một lớp lông mịn. Bên trong quả có nhiều hạt, hạt có thể có hình chữ nhật hoặc góc cạnh.

2. Bộ phận sử dụng

Toàn thân cây rau dừa nước được ứng dụng để làm thuốc.

3. Phân bố

Ở nước ra, rau dừa nước thường mọc hoang ở các ao, đầm, sông hồ, bờ ruộng hoặc các nơi ẩm ướt. Nhiều địa phương chỉ sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Ngoài ra, rau dừa nước còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc

4. Thu hái và sơ chế

Thu hái: Dược liệu này gần như có thể thu hái quanh năm.

Sơ chế: Sau khi thu hái, loại bỏ phần gốc, rễ, rửa sạch, cắt thành đoạn ngắn khoảng 2 – 3 cm. Mang đi phơi nắng, thỉnh thoảng cần đảo đều để dược liệu nhanh khô và khô đều. Phơi liên tục trong trong 4 – 6 ngày, thì đóng gói, bảo quản để dùng dần.

5. Bảo quản dược liệu

Sau khi sơ chế, bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng, tránh nơi có độ ẩm cao và nấm mốc. Rau Dừa nước có thể thu hái quanh năm do đó không cần tích trữ quá nhiều dược liệu.

6. Thành phần hóa học

Trong thân và lá của rau dừa nước có chứa một số hoạt chất như:

  • Rất nhiều muối Na, K, canxi, sắt

  • Chất nhầy

  • Tanin

  • Flavon

  • Vitamin C

  • Protid

  • Glucid

  • Chất tro

  • Chất xơ

  • Photphos

  • Calcium

  • Caroteen

  • Xenluloza

 

Vị thuốc rau dừa nước

1. Tính vị

Rau dừa nước tính hàn, vị ngọt nhạt.

2. Tác dụng dược lý

Rau dừa nước có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, lợi tiểu.

Thường chủ trị các bệnh lý như:

  • Nước tiểu có màu đục

  • Tiểu buốt

  • Tiểu rắt

  • Tiểu ít

  • Tiểu ra máu

  • Ho khan

  • Nóng sốt

  • Phù thũng

  • Phát ban nổi sởi

  • Mề đay mẩn ngứa

  • Ngứa da do dị ứng thời tiết

  • Mụn nhọt

  • Áp xe

  • Chân tay phù

  • Mi mắt sụp

  • Viêm đại tràng, đi ngoài phân sống

  • Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng ợ hơi, đau dạ dày

  • Viêm cầu thận, đau vùng hố thận

  • Điều trị các vết thương như chó cắn, rắn không độc cắn

3. Cách dùng – Liều lượng

Rau dừa nước có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo:

  • Nếu dùng tươi: 30 – 40 g mỗi ngày

  • Nếu dùng khô 10 – 20 g mỗi ngày

  • Dùng ngoài không kể liều lượng

 

Bài thuốc sử dụng rau dừa nước

Rau dừa nước

Vị thuốc rau dừa nước được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý

1. Điều trị tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, tiểu ra máu

Sử dụng rau Dừa nước tươi khoảng 200 g sắc thành nước uống trong ngày.

2. Chữa trị ho khan do phế nhiệt

Sử dụng 100 g rau Dừa nước tươi, 100 g Rau má tươi, 3 lát Gừng sống sắc thành nước uống khi còn ấm.

3. Chữa phát ban, sởi, mẩn ngứa

Rau Dừa nước, Rau ngò rí (rau mùi), Kinh giới tươi mỗi vị 40 – 60 g, 3 lát gừng tươi, sắc thành nước, chia uống nhiều lần trong ngày.

4. Chữa bệnh ngứa ngoài da, do dị ứng thời tiết, thời tiết oi nóng

Dùng 30 rau dừa nước tươi, Nam hoàng bá, Sài hồ, Kinh giới mỗi vị 12 g, cỏ mực tươi 24 g, huyền sâm, ngân hoa, liên kiều mỗi vị 10 g sắc thành thuốc uống, mỗi ngày một thang.

5. Chữa trị tiểu ra dưỡng chấp (viêm cầu thận)

Sử dụng Mã đề, rau Dừa nước, mỗi vị 50 – 100 g sắc thành nước uống trong ngày.

6. Chữa sỏi đường tiết niệu

Sử dụng Dừa nước, Ngò om (rau ngổ) mỗi loại 100 g sắc thành nước uống 3 lần trong ngày. Uống nhiều ngày liên tiếp để làm tan sỏi thận.

7. Chữa u xơ tuyến tiền liệt

Sử dụng rau Dừa nước phơi khô 24 g, Hoàng kỳ, Cỏ xước 16 g, Thương nhĩ 12 g, Đinh lăng 20 g, Trinh nữ hoàng cung phơi khô 5 g, Trần bì 10 g sắc thuốc dùng uống. Mỗi ngày uống một thang, liên tục trong 1 tháng là kết thúc một liệu trình điều trị người bệnh có thể đến bệnh viện để kiểm tra lại tình trạng bệnh.

8. Chữa đầu sài lở ở trẻ em

Sử dụng Dừa nước tươi rửa sạch, giã nát, vắt nước cốt trộn với dầu mè dùng đắp bên ngoài vết lở loét.

9. Chữa khí hư màu vàng cho tỳ thận thấp nhiệt ở phụ nữ

Rau Dừa nước, Mã đề mỗi loại 100 g, Trinh nữ hoàng cung 2 lá sắc uống mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 5 – 7 ngày.

10. Điều trị đau dạ dày lâu ngày không khỏi

Rau Dừa nước phơi khô 20 g, Đinh lăng 20 g, Hoàng kỳ, Bạch truật, Mẫu lệ chế, Hạt sen mỗi vị 16 g, Chỉ xác 8 g, Cam thảo 10 g sắc uống trong ngày. Mỗi ngày một thang liên dụng trong 10 sau đó nghỉ 3 ngày và dùng tiếp đợt 2.

11. Điều trị viêm đại tràng, ăn uống không tiêu, đại tiện nhiều lần, đại tiện ra phân sống

Rau Dừa nước khô 24 g, Liên nhục, Lương khương 16 g, Sơn thù, Ngũ gia bì mỗi vị 12 g, Hoài sơn 20 g, sắc thành thuốc uống mỗi ngày một thang.

Bài thuốc có công dụng chống viêm, bổ thổ, sáp trường.

12. Điều trị khối u ở vú, cơ thể mệt mỏi

Sử dụng rau Dừa nước tươi và Bồ công anh tươi mỗi vị 40 g mang đi rửa sạch, giã nhỏ, đắp vào vú, băng kín lại.

Tác dụng của bài thuốc: Thanh nhiệt, chống viêm, phá kết, làm tan hòn cục, khối u.

13. Điều trị vết thương ở phần mềm lâu ngày không lên da non

Sử dụng rau Dừa nước tươi (chọn những ngọn non), lá Vông nem (chọn ngọn non) mỗi loại 40 g mang đi rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương và băng lại bằng vải sạch.

14. Điều trị mụn nhọt, mụn trứng cá, bệnh Zona

Sử dụng rau Dừa nước tươi sắc lấy nước uống hàng ngày. Nếu bị mụn nhọt thì sử dụng rau Dừa nước giã nát đắp lên các nốt mụn. Nếu bị Zona thì lấy nước giã Dừa nước hòa với bột nếp đắp lên các vết loét da.

Ngoài ra, trong dân gian cũng thường dùng rau Dừa nước để ăn kèm bữa ăn hàng ngày để thanh nhiệt và làm mát cơ thể.

Dừa nước là một loại rau sống quen thuộc cũng là một vị thuốc Nam quý. Mặc dù thường được sử dụng rộng rãi như rau sống nhưng nếu cần điều trị bệnh, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để có liều lượng sử dụng phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top