Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc 15.000 ca/ năm. 70% số ca được phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, các bác sĩ đưa ra lời khuyên phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở vú để phát hiện sớm u cục.
Tuy nhiên, việc xác định u lành hay ác tính ở vú không thể thực hiện qua khám lâm sàng hoặc thậm chí chụp X- quang tuyến vú hay siêu âm tuyến vú. Kết luận cuối cùng cần kết quả sinh thiết.
Sinh thiết vú là lấy một phần nhỏ trong khối u ở vú hoặc lấy hoàn toàn khối u vú để kiểm tra xem hình thái tế bào và cấu trúc mô có phải ác tính hay không thông qua bác sĩ Giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi.
Sinh thiết là một thủ thuật xâm lấn. nó cho phép bác sĩ chẩn đoán tốt hơn về những hình ảnh và tính chất của tế bào trong khối u đó.
Sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để bác sĩ chẩn định bản chất chính xác của u
Câu trả lời là không. Việc chụp chiếu và siêu âm tuyến vú cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy toàn trạng của khối u vú và giúp cho bác sĩ đánh giá xem liệu có cần thiết phải sinh thiết không?
Mỗi khối u có các đặc trưng riêng, tuy nhiên, không có một đặc điểm riêng biệt nào có thể cho chúng ta biết u đó là lành tính hay ác tính. Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn vào tất cả các đặc điểm.
- Sau khi sinh thiết, bệnh phẩm lấy từ khối u của bệnh nhân được mang đi làm xét nghiệm tại Khoa Giải phẫu bệnh. Kết quả sinh thiết có thể có trong ngày hoặc đôi khi mất từ 2 - 5 ngày, phụ thuộc vào lượng mô lấy ra và loại xét nghiệm.
- Nếu khối u đó lành tính, bác sĩ sẽ chỉ khuyên tầm soát thường xuyên để kiểm tra rằng u cục đó không thay đổi.
- Nếu kết quả dương tính với tế bào ung thư, bác sĩ sẽ cần xác định bản chất của ung thư và phương pháp chẩn đoán hỗ trợ khác để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Có bao nhiêu loại sinh thiết vú?
Hiện nay có 5 loại sinh thiết
1. Chọc hút kim nhỏ (hay là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ - Fine needle aspiration): một kim nhỏ như kim lấy máu được đưa vào khối u để lấy tế bào từ khối u vú làm xét nghiệm. Kết quả của loại nghiệm này sẽ cho được kết quả trong ngày.
2. Sinh thiết lõi: sử dụng kim to hơn với độ dày như đầu bút chì giúp lấy những được mảnh mô to hơn để xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá được cả tế bào và cấu trúc của mô u đó.
3. Thiết bị sinh thiết có hỗ trợ hút chân không: bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ trên da và một kim sinh thiết đặc biệt, có máy hút chân không, được đưa vào vú để lấy ra các mẫu mô.
4. Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u và tiến hành sinh thiết phân tích khối u
5. Sinh thiết tức thì: là phương pháp chẩn đoán nhanh khối u tuyến vú (khoảng 30 phút) bằng phương pháp cắt lạnh khi bệnh nhân đang trong phòng mổ.
Ba loại sinh thiết đầu tiên đều có thể thực hiện tại phòng khám, thường ít ảnh hưởng tới người bệnh.
Sinh thiết bằng phương pháp phẫu thuật cần gây mê toàn thân, có các nguy cơ và thời gian bình phục lâu hơn, chi phí cũng đắt hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật được khuyến cáo sử dụng khi khối u ở quá sâu hay sát thành ngực, khiến kim nhỏ khó tiếp cận tới cũng như những khối u không đồng nhất mà thủ thuật bằng kim không thể lấy hết đại diện khối u để cho kết luận cuối cùng.
Sinh thiết tức thì giúp bác sĩ lâm sàng có hướng xử trí ngay trong khi phẫu thuật: cắt toàn bộ tuyến vú đối với trường hợp ung thư hay chỉ lấy u bảo tồn tuyến vú.
Hiểu biết về sinh thiết vú để kiểm soát các khối u vú cho phép bác sĩ và bệnh nhân có hướng quản lý, xử trí tốt hơn với những trường hợp khối u cục ở vú.
Có thể bạn quan tâm: Sinh thiết lỏng trong chẩn đoán ung thư
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh