✴️ Một số nguy cơ có thể gặp khi sử dụng Aspirin

Xem lại tổng quan về tác dụng của aspirin

Aspirin là một loại thuốc phổ biến để giảm đau và hạ sốt. Người ta cũng sử dụng nó như một chất kháng viêm hoặc chống đông.

Aspirin có an toàn cho trẻ em không?

Các bác sĩ không khuyên dùng aspirin cho những người dưới 18 tuổi vì nó có thể làm tăng nguy cơ mắc một tình trạng bệnh lý rất nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye, có thể xuất hiện sau khi bị nhiễm virus như cảm lạnh, cúm hoặc thủy đậu. Hội chứng Reye có thể dẫn đến các tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn aspirin cho trẻ dưới sự giám sát theo dõi chặt chẽ nếu trẻ đó mắc bệnh Kawasaki hoặc để ngăn hình thành cục máu đông sau khi các phẫu thuật tim. Đối với trẻ em, bác sĩ thường khuyên dùng acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp, thay vì dùng aspirin.

Nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa

Những người có các tình trạng sau đây nên thận trọng khi dùng aspirin và chỉ nên dùng như vậy nếu có chỉ định của bác sĩ:

  • Rối loạn chảy máu, như bệnh máu khó đông Hemophilia;
  • Huyết áp cao không kiểm soát được;
  • Hen suyễn;
  • Loét dạ dày;
  • Bệnh gan hoặc bệnh thận.

Dưới sự giám sát theo dõi của bác sĩ, những người đang mang thai hoặc cho con bú có thể dùng aspirin liều thấp. Các bác sĩ thường không khuyên dùng aspirin liều cao trong thời kỳ mang thai.

Bất kỳ ai bị dị ứng với aspirin hoặc bất kỳ NSAID nào khác, chẳng hạn như ibuprofen, nên tránh những loại thuốc này. Các bác sĩ không dùng aspirin trong khi bị đột quỵ vì không phải tất cả các đột quỵ đều do cục máu đông. Trong một số trường hợp, aspirin có thể làm cho đột quỵ nặng nề hơn. Ngoài ra, bất kỳ ai uống rượu thường xuyên hoặc đang điều trị nha khoa hoặc phẫu thuật, dù nhỏ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể dẫn đến việc một loại thuốc khác kém hiệu quả hơn hoặc sự kết hợp thuốc này trở nên nguy hiểm. Aspirin có thể tương tác với nhiều loại thuốc. Một số loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc giảm đau kháng viêm: Ví dụ như diclofenac, ibuprofen và naproxen.  Kết hợp với aspirin, những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc và các thuốc chống trầm cảm khác: Ví dụ như citalopram, fluoxetine, paroxetine, venlafaxine và sertraline.  Kết hợp với aspirin, bất kỳ loại nào trong số các loại này đều có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Warfarin: Kết hợp với chất chống đông này, aspirin có thể làm giảm tác dụng chống đông của thuốc và làm tăng nguy cơ chảy máu.  Tuy nhiên, có những tình huống, sự kết hợp này có thể có lợi.
  • Methotrexate: Kết hợp với thuốc này, được sử dụng trong điều trị ung thư và một số bệnh tự miễn, aspirin có thể làm cho thuốc khó đào thải hơn, có thể dẫn đến tăng nồng độ methotrexate và gây độc.

tương tác thuốc

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của aspirin là:

  • Kích ứng dạ dày hoặc ruột;
  • Khó tiêu;
  • Buồn nôn.

Các tác dụng phụ sau đây ít gặp hơn:

  • Triệu chứng hen suyễn trở nên nặng nề hơn;
  • Nôn ói;
  • Viêm dạ dày;
  • Chảy máu dạ dày;
  • Các vết bầm tím.

Aspirin cũng có thể có các tác dụng phụ rất nghiêm trọng, chẳng hạn như chảy máu trong não hoặc  dạ dày hoặc suy thận. Một tác dụng phụ hiếm gặp của aspirin liều thấp hàng ngày là đột quỵ xuất huyết.

Tóm lại

Aspirin có thể giúp ngăn ngừa và điều trị một loạt các vấn đề sức khỏe, nhưng những người dưới 18 tuổi không nên dùng aspirin mà không có các hướng dẫn y khoa.

Aspirin có bán sẵn tại các quầy thuốc hoặc kê theo toa. Luôn làm theo hướng dẫn trên nhãn hoặc chỉ dẫn của bác sĩ.  Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có nhiều nguy cơ gặp các tác dụng phụ.

Aspirin không phải an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là với liều lượng hàng ngày. Các lựa chọn khác để giảm đau trong các cơn đau nhẹ bao gồm các loại NSAID khác, chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen.

Có thể bạn quan tâm: Những cập nhật gần đây - Liều thấp ASPIRIN có thể ngăn ngừa nguy cơ ung thư

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top