✴️ Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà

Nội dung

Đối tượng áp dụng 

Đối tượng áp dụng bao gồm các trường hợp đã xác định bệnh nhưng chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải), trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở Y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mở rộng: trường hợp tiếp xúc gần và có triệu chứng nhưng xét nghiệm Covid gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì đã ở chung trong không gian kín hoặc ăn uống sinh hoạt chung với bệnh nhân Covid-19.

 

Lưu ý áp dụng

  • Những khuyến cáo này chỉ áp dụng khi người bệnh không có dấu hiệu nặng (tham khảo thêm vấn đề phân độ nặng của Bệnh viện Covid theo Bộ Y tế)
  • Khi cảm thấy người bệnh có những biểu hiện trở nặng (xem ở cuối bài) cần gọi ngay cho tổng đài 115

 

Theo Phân loại mức độ lâm sàng của COVID-19, ở đây chúng ta tập trung vào hai nhóm bệnh nhân gồm:

  1. Không triệu chứng
  • Là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
  1. Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính
  • Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
  • Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.

 

Các yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng theo CDC: đặc biệt lưu ý

  • Béo phì (chỉ số BMI ≥25 kg/m2, được tính bằng cân nặng chia chiều cao bình phương).
  • Có các bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận mạn,…
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch như HIV, viêm gan mạn, ung thư hoặc đang uống các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid,..
  • Người già (≥ 65 tuổi) hoặc tuối ≥ 55 có kèm các bệnh tim mạch, COPD, hen,…
  • Đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi có kèm:

+ Béo phì

+ Bệnh hồng cầu hình liềm

+ Bệnh tim bẩm sinh

+ Rối loạn phát triển thần kinh

+ Hen và bệnh hô hấp khác

+ Có can thiệp Y khoa như mở khí quản, mở dạ dày,…

 

Chuẩn bị:

  • Có phòng cách ly riêng là tốt nhất (nếu không có thì phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m), thông thoáng, có cửa sổ, khu vực vệ sinh riêng (chỉ sử dụng quạt trong phòng, không nên dùng điều hoà) kèm theo vật dụng cá nhân cơ bản.
  • Thiết bị y tế: Ở nhà có thể trang bị một số dụng cụ thông thường để theo dõi sức khỏe như thiết bị đo độ bão hòa oxy đeo ở đầu ngón tay, máy đo huyết áp tại nhà, nhiệt kế…
  • Tại nhà nên chuẩn bị các thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, các loại vitamin (nên có vitamin C), nước muối sinh lý (Nacl 0.9%) để súc miệng…. Lưu ý đây đều là thuốc để tăng cường sức đề kháng cho F0, F1 chứ không phải thuốc để chữa Covid-19 tại nhà.
  • Ngoài ra, người bệnh cần chuẩn bị các loại thuốc khác như thuốc dị ứng (các thuốc kháng histamine), thuốc giảm ho, oresol,… Những người bệnh có bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, viêm gan virus, hen suyễn… cần tiếp tục duy trì thuốc điều trị hàng ngày.

 

Theo dõi

  • Đo thân nhiệt: bệnh nhân tự đo thân nhiệt hoặc có thể nhờ trợ giúp từ người thân hoặc nhân viên y tế.
  • Đếm nhịp thở: Nằm thư thái 5-10 phút, sau đó đếm số lần lồng ngực hoặc bụng phồng lên xẹp xuống. Người lớn nhịp thở bình thường là 16-20 lần/phút. Ở trẻ em, nhịp thở bình thường là < 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng; < 50 lần/phút với trẻ từ 2 – 11 tháng; < 40 lần/phút với trẻ từ 1 – 5 tuổi.
  • Đếm mạch: bắt mạch ở cổ tay hoặc đặt tay lên ngực đếm số nhịp tim. Người lớn mạch bình thường 60-90 lần/phút. Trẻ sơ sinh mạch bình thường 100-160 lần/phút; 0-5 tháng tuổi 90-150 lần; 6-12 tháng tuổi 80-140 lần; 1-3 tuổi 80-130 lần; 3-5 tuổi 80-120 lần; 6-10 tuổi 70-110 lần; 11-14 tuổi 60-105 lần; 15-20 tuổi 60-100 lần.
  • Đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) bằng cách kẹp vào đầu ngón tay. Bình thường SpO2 từ 95-100%, và người bệnh cần được theo dõi 3-4 lần mỗi ngày xem có ổn định hay không.
  • Xem thêm: Kiến thức cần thiết về máy đo độ bão hòa oxy dành cho cá nhân

 

Điều trị chung

  • Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm báo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng  khác như đèn cực tím (nếu có).
  • Bình tĩnh, tránh kích động hay lo lắng thái quá.
  • Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.
  • Giữ ấm.
  • Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.
  • Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin C.
  • Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn.
  • Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu thấy cần thiết.

Lưu ý: không dùng thêm bất kỳ loại thuốc điều trị COVID-19 nào khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

 

Dấu hiệu trở nặng cần phải báo ngay cho cơ sở y tế:

  • Nhịp thở > 30 lần/phút
  • Khó thở nhiều
  • Độ bão hòa Oxy máu (SpO2) < 93%
  • Lạnh đầu ngón tay, ngón chân
  • Da xanh, môi nhợt
  • Đau thắt ngực, khó thở khi vận động
  • Không thể nói đủ câu, không tự đi, cầm nắm, ăn uống được
  • Lẫn lộn về thời gian, địa điểm
  • Nếu trong gia đình có trang bị bình Oxy, Cho thở ô xy qua gọng mũi (hoặc mask thông thường) với lưu lượng 1-5 lít/phút tăng dần để đạt được SpO2 ≥ 94%. Trong thời gian chờ được nhập viện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top