✴️ Kiến thức cần thiết về máy đo độ bão hòa oxy dành cho cá nhân

Máy đo độ bão hoà oxy trong máu là dụng cụ dùng để đo xem mức bão hoà oxy trong máu (kí hiệu: SpO2) là bao nhiêu phần trăm (%) mà không cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn như lấy máu.

Máy được sử dụng bằng cách kẹp máy ở đầu ngón tay và khi đó các chùm tia hồng ngoại phát ra từ máy sẽ đo đạc và cung cấp các thông số trên cho người dùng.

Cơ chế của máy dựa vào lượng hấp thụ ánh sáng hồng ngoại của máu chứa oxy (gọi là IR) và lượng hấp thụ ánh sáng đỏ của máu không chứa oxy (gọi là R) trong lúc tim đập (kỳ tâm thu).

Tùy vào tỉ số R/IR bằng bao nhiêu mà máy sẽ báo kết quả về độ bão hoà oxy trong máu. Độ bão hoà oxy trong máu thể hiện lượng oxy hiện diện trong máu và cho biết mức độ oxy trong cơ thể vào lúc đó là bình thường hay giảm sút.

Ở người bình thường, SpO2 dao động từ 95%-100%. Trong các trường hợp bất thường về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi,... SpO2 có thể thấp hơn mức bình thường và người bệnh cần được cung cấp thêm oxy để đảm bảo nồng độ oxy trong cơ thể.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ các dụng cụ y khoa khác, máy đo độ bão hoà oxy trong máu có những hạn chế nhất định cần lưu ý khi sử dụng. Một số điểm người dùng cần lưu ý khi sử dụng máy để đạt được kết quả chính xác nhất bao gồm:

- Các yếu tố khách quan như màu da, độ dày/mỏng của da, huyết áp và nhiệt độ cơ thể có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy

- Việc sơn móng tay hoặc móng đổi màu do hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của máy.

Chính vì thế, người dùng cần kiểm tra và làm nhiệt độ ở ngón tay đủ ấm (nếu không máy sẽ báo lỗi hoặc báo chỉ số thấp hơn thực tế) và cần loại bỏ sơn móng tay trước khi đo đạc.

- Khi đo, người dùng không di chuyển và nên giữ cơ thể tại một vị trí nhất định.

- Cần chờ vài giây cho đến khi dụng cụ hiển thị số đo SpO2 ổn định và không thay đổi.

Chính vì những giới hạn của máy đo và những tình huống có thể gây sai sót nêu trên, các bác sĩ và nhân viên y tế thường hỏi thêm và phối hợp nhiều thông số lâm sàng khác trước khi đưa ra quyết định điều trị hay chẩn đoán cụ thể cho người bệnh.

Cũng cần chú ý thêm rằng hiện nay có hai loại máy đo độ bão hoà oxy trong máu trên thị trường hiện nay:

- Loại đầu tiên là các máy đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoặc các cơ quan tương đương tại nước sở tại công nhận và thường được dùng trong các cơ sở y tế, trong khi loại thứ hai là các máy bán trên thị trường tại các cửa hàng y khoa trực tiếp cho người dùng.

- Loại thứ hai có thể đi kèm với phần mềm quản lý dữ liệu trên điện thoại để nguời dùng có thể theo dõi chỉ số SpO2. Thông thường các máy đo dạng này chưa được Bộ Y tế kiểm tra và đánh giá, và các hiệp hội chuyên ngành tại Nhật Bản, Hoa Kỳ khuyến cáo không nên dùng để theo dõi trong các trường hợp mắc bệnh hoặc cần chăm sóc y tế đặc biệt

TS. BS. Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Trung Ương Kyoto Miniren, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản (Trưởng dự án Y học cộng đồng)

 

Tham khảo thêm thông tin về thiết bị đo nồng độ oxy máu tại đây

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top