Tại sao hiến máu tình nguyện không lấy tiền nhưng truyền máu phải trả tiền?

Nội dung

Để có được 01 đơn vị máu đạt chuẩn chất lượng theo qui định cần có rất nhiều hoạt động khác nhau từ khâu vận động, tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, sản xuất (hay còn gọi là điều chế hoặc chiết tách các thành phần máu), bảo quản, cấp phát,… Các hoạt động và kỹ thuật này đều đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn, xe cộ, máy móc, trang thiết bị, vật tư đi kèm và chắc chắn phải tiêu tốn chi phí không nhỏ. Giống như bạn vận hành một nhà máy sản xuất hàng hóa tiêu dùng vậy. Chưa kể đến chi phí nhân công, là đội ngũ chuyên gia và nhân viên y tế (gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, kỹ sư,…) được đào tạo chuyên nghiệp và một hệ thống công nghệ thông tin hoàn chỉnh ở cấp độ cao để vận hành, quản lý tất cả các quá trình liên quan nêu trên. Tóm lại để có đơn vị máu đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn truyền máu, đòi hỏi phải bỏ ra một số chi phí không hề nhỏ như bạn nghĩ. 

 

Có 3 giai đoạn chính như sau:

· Giai đoạn 1: Giai đoạn vận động và tổ chức hiến máu, gồm:

- Tuyên truyền vận động

- Khám tuyển chọn người hiến máu

- Xét nghiệm sàng lọc ban đầu cho một số đối tượng

- Tiếp nhận máu (còn gọi là hiến máu)

- Theo dõi sau hiến máu

- Trao quà và giấy chứng nhận hiến máu

· Giai đoạn 2: Giai đoạn điều chế - lưu trữ - cấp phát, gồm:

- Tiếp nhận,

- Xét nghiệm sàng lọc,

- Sản xuất (hay còn gọi là điều chế, hoặc chiết tách),

- Bảo quản lưu trữ,

- Cấp phát và vận chuyển đến các bệnh viện.

· Giai đoạn 3: Giai đoạn truyền máu tại các Bệnh viện

- Bảo quản lưu trữ trước truyền máu,

- Thực hiện các xét nghiệm thuận hợp,

- Truyền máu và theo dõi xử trí các biến chứng trong và sau truyền máu (nếu có)

 

Mỗi một giai đoạn có những chi phí tối thiểu như sau:

· Giai đoạn 1:

- Chi phí cho công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của người hiến máu để họ có ý thức tham gia hiến máu và hiến máu nhắc lại thường xuyên;

- Chi phí cho nhân sự tuyên truyền; tổ chức báo cáo, thống kê, tổng kết;

- Chi phí cho công tác tổ chức tuyên dương khen thưởng (theo qui định của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu quốc gia và Hội Chữ Thập đỏ Trung ương) bao gồm: các cá nhân có thành tích tham gia hiến máu nhiều lần và các tổ chức tích cực tham gia vận động và tổ chức hiến máu;

- Chi phí hỗ trợ đơn vị tổ chức buổi hiến máu lưu động (như cơ sở vật chất, nhân lực…)

- Chi phí khám tuyển chọn, tư vấn sàng lọc người hiến máu, chăm sóc trong và sau hiến máu.

- Chi phí xét nghiệm sàng lọc ban đầu, bao gồm: định nhóm máu, xét nghiệm Hemoglobin, xét nghiệm nhanh HBsAg cho một số người hiến máu.

- Chi phí vật tư y tế tiêu hao (bông băng, gòn, gạc, dung dịch sát khuẩn, vật tư y tế cho việc lấy máu)

- Chi phí chi bồi dưỡng cho người hiến máu theo qui định (bao gồm: 1 phần quà, chi phí đi lại và ăn nhẹ cho người hiến máu mỗi lần tham gia hiến máu).

· Giai đoạn 2:

- Chi phí cho túi nhựa dẻo có chất chống đông để chứa máu.

- Chi phí xét nghiệm sàng lọc cho một đơn vị máu đạt chuẩn, bao gồm: Xét nghiệm sàng lọc các tác nhân vi rút HBV, HCV, HIV, và xoắn khuẩn Giang mai bằng phương pháp miễn dịch học và phương pháp sinh học phân tử (còn gọi là kỹ thuật N.A.T), xét nghiệm Kháng thể bất thường; định nhóm hệ ABO và Rhesus.

- Chi phí cho điều chế và thẩm định các chế phẩm máu (bao gồm: máy móc, vật tư y tế,…)

- Chi phí cho hệ thống kho lạnh (còn gọi là dây chuyền lạnh) bảo quản và lưu trữ máu và các thành phần máu.

- Chi phí tiêu hủy các đơn vị máu không đạt tiêu chuẩn trong quá trình tiếp nhận, sản xuất, bảo quản.

- Chi phí vận chuyển máu đến các bệnh viện (bao gồm: xe cộ, dây chuyền bảo quản lạnh,...)

· Giai đoạn 3:

- Chi phí để lưu kho bảo quản máu và các chế phẩm máu tại các bệnh viện.

- Chi phí xét nghiệm tìm đơn vị máu phù hợp với người bệnh (bao gồm: định nhóm máu đối với cả túi máu và người bệnh; xét nghiệm hòa hợp nhóm máu tại khoa xét nghiệm; và tại gường bệnh trước truyền máu, cần thử phản ứng chéo túi máu và máu người bệnh,…).

- Chi phí dụng cụ để truyền máu.

Ngoài ra, còn có các chi phí khác để đảm bảo vận hành tốt qui trình quản lý, sản xuất của một ngân hàng máu, bao gồm:

- Chi phí cho hệ thống phần mềm quản lý túi máu từ đầu vào đến đầu ra.

- Chi phí nhân sự tham gia tất cả các quá trình nêu trên.

- Chi phí trang thiết bị định kỳ cần mua mới, thay thế, bảo trì.

- Chi phí cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

- Chi phí cho công tác quản lý chất lượng.

- Chi phí cho bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, kiểm soát chất thải.

- Chi phí cho văn phòng phẩm (giấy tờ, in ấn, viết,…)

- Chi phí điện, nước, xăng, xe

- Chi phí duy trì cơ sở vật chất.

- Chi phí trang thiết bị bảo hộ lao động,…

 

Do đó, hiện nay giá của một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn cung cấp cho người bệnh được qui định theo Thông tư 17/2020 TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12/11/2020 qui định giá tối đa khi cung cấp cho người bệnh. Việc xác định giá của một đơn vị máu và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn được Bộ Y tế căn cứ và qui định dựa trên các chi phí nêu trên được gọi là chi phí để xử lý một túi máu đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh những hoạt động có thể tính được chi phí, còn có những hoạt động cần có sự hợp tác của rất nhiều ban ngành, đoàn thể khác và quan trọng là ý thức của người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Những hoạt động đó không thể tính được chi phí. Việc hiến máu tình nguyện không thể tính bằng tiền. Nếu người dân không tích cực tham gia hiến máu thì người bệnh sẽ không có máu để truyền.

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp. Người hiến máu không những đã hiến một phần máu của mình mà còn tốn cả thời gian và công sức của họ để đi hiến máu. Người thầy thuốc không thể cứu chữa người bệnh nếu không có máu để truyền. Máu không thể được tạo ra từ quá trình sản xuất công nghiệp trong các nhà máy và nếu không có người hiến máu, chúng ta không có nguyên liệu để điều chế máu và các thành phần máu.

Máu là món quà vô giá mà người hiến máu tình nguyện đã hiến tặng. Chúng tôi xin tri ân những tấm lòng nhân ái và cao cả của người hiến máu./.

TS.BSCKII. Trương Thị Kim Dung

GVCC. Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch

Nguyên Phó Giám đốc BVTMHH

return to top