✴️ Bệnh zona là gì?

Nội dung

Zona là bệnh gì?

Zona là một bệnh nhiễm trùng gây ra do vi-rút varicella-zoster (VZV), cùng một loại vi-rút gây ra bệnh thủy đậu. Nó thường ảnh hưởng đến một hạch thần kinh cảm giác đơn độc và bề mặt da mà dây thần kinh này chi phối.
Bất kỳ ai đã từng bị thủy đậu sau này đều có thể tiến triển thành bệnh zona.

Tuy nhiên, một người chỉ có thể phát triển bệnh zona nếu họ đã từng bị thủy đậu hoặc tiếp xúc với vi-rút gây ra bệnh này. Vi-rút này có thể ở dạng bất hoạt trong nhiều năm.
Hầu hết những người trưởng thành có vi-rút bất hoạt không bao giờ phát triển thành bệnh zona, nhưng đối với một số người, vi-rút tái hoạt động nhiều lần.
Bệnh zona phổ biến nhất sau 50 tuổi, nhưng nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nếu một người đã từng mắc bệnh thủy đậu trước đó.

Các triệu chứng của zona

Bệnh zona thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể. Thường là ở thắt lưng, ngực, bụng hoặc vùng lưng. Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện trên mặt và ở mắt, miệng, tai. Vi-rút cũng có thể ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng.

Bệnh zona thường ảnh hưởng đến một hạch thần kinh cảm giác đơn độc gần tủy sống, được gọi là hạch rễ lưng. Đây là lý do tại sao các triệu chứng xảy ra ở một số khu vực cụ thể của cơ thể, thay vì ở khắp nơi. Cảm giác đau là do ảnh hưởng đến dây thần kinh, chứ không phải do phát ban.

Trên thực tế, một số người có triệu chứng đau nhưng lại không phát ban. Trong khi đó, những người khác có thể bị phát ban kèm theo cơn đau và các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh hoặc đau đầu.

Các triệu chứng có thể khác nhau về bản chất, tùy thuộc vào vị trí mà chúng xuất hiện trên cơ thể.

Các triệu chứng chung

Một số triệu chứng phổ biến nhất của bệnh zona bao gồm:

  • Một cơn đau mơ hồ âm ỉ, bỏng rát hoặc cảm giác gặm nhấm, hoặc một cơn đau nhói thoáng qua.
  • Phát ban trên da giống như phát ban thủy đậu nhưng chỉ xuất hiện ở một số khu vực nhất định.
  • Mụn nước phát triển như một phần của phát ban.

Các triệu chứng trên cơ thể

Phát ban da phồng rộp có thể xuất hiện thành một hoặc nhiều dải riêng biệt với các dây thần kinh cảm giác của da, được gọi là đốt da.

Các vị trí phổ biến cho việc này bao gồm:

  • Vùng ngực
  • Vùng bụng
  • Vùng lưng
  • Xung quanh thắt lưng

Nó thường chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể. Vị trí của các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào sự phân bố của vùng da bị ảnh hưởng bởi vi-rút.

Các triệu chứng trên khuôn mặt

Nếu phát ban ảnh hưởng đến mặt, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một bên - thường là xung quanh một bên mắt và trán.

Chúng có thể bao gồm:

  • Đau ở vùng da bị ảnh hưởng
  • Phát ban
  • Yếu cơ
  • Đau đầu

Các triệu chứng về mắt

Nếu vi-rút ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt, điều đó có nghĩa là một người sẽ bị bệnh zona mắt.

Điều này có thể gây đau, đỏ và sưng nề bên trong và xung quanh mắt, cũng như mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Các triệu chứng về tai

Bệnh zona cũng có thể xảy ra trong hoặc xung quanh tai, dẫn đến các vấn đề về thăng bằng và thính giác, cũng như yếu cơ ở bên khuôn mặt bị ảnh hưởng.

Những thay đổi này có thể lâu dài hoặc thậm chí vĩnh viễn. Một người xuất hiện các triệu chứng ở hoặc xung quanh tai và mắt nên đi khám ngay để làm giảm các nguy cơ của biến chứng.

Các triệu chứng về miệng

Nếu bệnh zona ảnh hưởng đến miệng, một người có thể gặp phải:

  • Đau khi ấn vào vùng mặt
  • Đau miệng
  • Đau răng
  • Tổn thương ở các mô cứng và mềm ở vòm miệng

Cơn đau và sự khó chịu do các triệu chứng này có thể gây khó khăn cho việc ăn uống.

Bệnh zona nội tạng

Bệnh zona cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng. Tuy không hình thành phát ban, nhưng các vấn đề khác có thể phát sinh.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về bệnh zona trong hệ tiêu hóa, có thể dẫn đến rối loạn chức năng đường tiêu hóa và nếu xảy ra trong động mạch não, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ.

Các triệu chứng khác

Cũng có thể có các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Cảm giác khó chịu ở dạ dày

Sự tiến triển của các triệu chứng

Các triệu chứng thường tiến triển như sau:

  • Đau, châm chích, tê và ngứa bắt đầu ảnh hưởng đến một phần cụ thể của da.
  • Sau khoảng 2 tuần, bắt đầu xuất hiện phát ban.
  • Các vết tấy đỏ và mụn nước ngứa, chứa đầy dịch phát triển và tiếp tục như vậy trong 3-5 ngày.
  • Các mụn nước có thể hợp lại, tạo thành một dải màu đỏ đặc, trông giống như vết bỏng nặng. Và có thể bị đau dù va chạm nhẹ nhàng.
  • Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến mô mềm dưới và xung quanh ban.
  • Sau 7–10 ngày, các mụn nước khô dần và đóng vảy. Khi mụn nước biến mất, chúng có thể để lại sẹo nhỏ.

Bệnh zona thường kéo dài khoảng 2-4 tuần. Nó dễ lây cho đến khi các mụn nước khô lại và đóng vảy.

Hầu hết mọi người sẽ chỉ bị zona một lần, nhưng nó có thể tái phát ở một số người.

Các biến chứng

Tuy rất hiếm nhưng các biến chứng có thể phát sinh - đặc biệt là ở những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh zona bao gồm:

  • Đau dây thần kinh hậu zona (PHN)
  • Viêm não hoặc tủy sống, làm tăng nguy cơ đột quỵ, viêm não và viêm màng não
  • Các vấn đề về mắt và thị lực
  • Mệt mỏi
  • Vấn đề về thăng bằng và thính giác
  • Tổn thương mạch máu, có thể dẫn đến đột quỵ
  • Viêm phổi

Theo CDC, khoảng 10–18% những người bị bệnh zona sẽ phát triển thành PHN, một biến chứng lâu dài trong đó cơn đau do phát ban gây ra bởi zona kéo dài cả sau khi phát ban đã biến mất.

Nó có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu một người mắc bệnh zona sau 40 tuổi và nguy cơ tiếp tục tăng theo tuổi tác.

Ở những người có hệ thống miễn dịch yếu

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu sẽ có nguy cơ phát triển bệnh zona cao hơn và gặp các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Điều này bao gồm những người:

  • Bị ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.
  • Bị nhiễm HIV.
  • Đã trải qua một cuộc cấy ghép nội tạng.
  • Đang dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch, bao gồm cả thuốc hóa trị liệu.

Những người này nên đi khám càng sớm càng tốt nếu họ lo lắng về các triệu chứng liên quan đến bệnh zona.

Bệnh zona có lây không?

Không thể trực tiếp truyền bệnh zona cho người khác. Tuy nhiên, một người chưa từng mắc bệnh thủy đậu có thể bị nhiễm VZV khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết trong mụn nước của người hiện đang bị bệnh zona.

Nếu điều này xảy ra và người đó chưa được chủng ngừa bệnh thủy đậu, họ sẽ phát bệnh thủy đậu trước, không phải bệnh zona.

Bệnh zona không lây lan qua ho hoặc hắt hơi. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước thì mới có thể lây lan vi-rút. Do đó, việc che các mụn nước giúp giảm nguy cơ lây lan.

Điều quan trọng cần lưu ý là vi-rút chỉ hoạt động từ khi mụn nước mới xuất hiện cho đến khi chúng khô lại và đóng vảy. Không thể lây truyền trước khi mụn nước phát triển và sau khi hình thành lớp vảy. Nếu một người không phát triển mụn nước, vi rút không thể lây lan theo nghĩa truyền thống.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút:

  • Che các vết ban.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh chạm hoặc gãi vào vùng phát ban.

Điều quan trọng là tránh tiếp xúc với:

  • Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.
  • Phụ nữ mang thai chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm vắc xin.
  • Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi-rút để ngăn ngừa sự sinh sôi của vi-rút.

Điều trị kháng vi-rút

Điều trị kháng vi-rút có thể giúp:

  • Giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian tồn tại của các triệu chứng
  • Ngăn ngừa các biến chứng từ lúc khởi phát
  • Giảm nguy cơ phát ban trở lại

Quản lý các triệu chứng

Mẹo để kiểm soát các triệu chứng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau
  • Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt
  • Ăn uống điều độ, cung cấp dinh dưỡng
  • Tập thể dục nhẹ nhàng
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái

Để giảm ngứa, các chuyên gia khuyến nghị:

  • Bôi kem dưỡng calamine
  • Tắm nước yến mạch ấm
  • Đặt một chiếc khăn ẩm, mát lên vết phồng rộp

Kem dưỡng calamine có thể mua trực tuyến.

Hầu hết mọi người sẽ hồi phục khi điều trị tại nhà, nhưng nếu các triệu chứng khác xuất hiện nên tìm kiếm trợ giúp y tế, chẳng hạn như sốt. Khoảng 1–4% số người sẽ cần phải nhập viện do các biến chứng.

Vắc-xin

Tiêm phòng vắc-xin có thể bảo vệ khỏi bệnh thủy đậu và bệnh zona.

Đối với trẻ em: Vắc-xin thủy đậu

Các chuyên gia khuyên bạn nên chủng ngừa định kỳ với vắc-xin varicella (vắc-xin thủy đậu) trong quãng thời gian thơ ấu.

Với hai liều vắc-xin, có ít nhất 90% cơ hội ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Phòng ngừa bệnh thủy đậu cũng sẽ phòng ngừa được bệnh zona.

Trẻ em nên tiêm liều đầu tiên khi được 12–15 tháng. Liều thứ hai là 4–6 tuổi.

Các thử nghiệm đã cho thấy vắc-xin an toàn, mặc dù một số trẻ có thể gặp phải:

  • Đau ở chỗ tiêm
  • Sốt và phát ban nhẹ
  • Đau và cứng khớp tạm thời

Kể từ khi tiêm chủng bắt đầu ở trẻ em, số ca bệnh zona đã giảm xuống.

Đối với người lớn tuổi: vắc-xin zona

Một loại vắc-xin khác, vắc-xin herpes zoster, có sẵn cho những người từ 50 tuổi trở lên đã bị thủy đậu và do đó có sự hiện diện của VZV. Các chuyên gia cũng khuyên dùng loại vắc-xin này cho những người chưa mắc bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona.

Ở Mỹ, 99,5% những người sinh trước năm 1980 đều đã nhiễm virus này. Thuốc chủng ngừa herpes zoster có thể giúp ngăn ngừa bệnh zona ở những người đã mắc bệnh này.

Các vắc-xin có sẵn là Zostavax và một loại vắc-xin mới hơn có tên là Shingrix.

Sau hai liều Shingrix, người được tiêm chủng sẽ có hơn 90% khả năng bảo vệ khỏi bệnh zona, giảm xuống chỉ còn trên 85% sau 4 năm, theo CDC.

tiêm vắc-xin zona

 

Ai không nên chủng ngừa?

 

Khi chưa có sự thống nhất với bác sĩ, những người sau đây không nên chủng ngừa bệnh zona bao gồm:

  • Bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc chủng ngừa bệnh zona
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Đang hoặc có thể mang thai

Nguyên nhân

Bệnh zona là kết quả của VZV, cùng một loại vi-rút gây bệnh thủy đậu. Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, vi-rút vẫn còn trong cơ thể. Nó nằm im trong hạch rễ lưng của hệ thần kinh ngoại vi.

VZV thuộc về một nhóm vi-rút được gọi là vi-rút herpes. Đây là lý do tại sao bệnh zona còn có tên là “herpes zoster”.

Tất cả các vi-rút herpes có thể ẩn náu trong hệ thần kinh, nơi chúng có thể tồn tại vô thời hạn ở trạng thái tiềm ẩn.

Trong các điều kiện thích hợp, vi-rút herpes zoster có thể “tái hoạt động”, tương tự như khi thức dậy sau giấc ngủ đông và di chuyển xuống các sợi thần kinh để gây ra một đợt nhiễm trùng hoạt động mới.

Điều gì gây ra việc này thường không rõ ràng, nhưng nó có thể xảy ra khi một cái gì đó làm suy yếu hệ thống miễn dịch, thúc đẩy vi-rút hoạt động trở lại.

Yếu tố nguy cơ và yếu tố kích hoạt

Các yếu tố nguy cơ và yếu tố kích hoạt có thể có bao gồm:

  • Lớn tuổi
  • Một số bệnh ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư
  • HIV
  • Phương pháp điều trị ức chế hệ thống miễn dịch
  • Căng thẳng hoặc chấn thương

Tổng kết

Bất kỳ ai đã từng bị thủy đậu đều có thể bị bệnh zona.

Hầu hết mọi người khỏi bệnh zona hoàn toàn trong vòng 3-5 tuần, nhưng một số lại gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Những người có nguy cơ cao nhất là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Tiêm phòng thủy đậu trong thời thơ ấu có thể ngăn ngừa cả bệnh thủy đậu và bệnh zona. Đối với những người không được chủng ngừa trong thời thơ ấu, có thể thực hiện các phương pháp tiêm chủng khác.

Những người từ 50 tuổi trở lên nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm chủng.

Câu hỏi: Có thể nhiễm vi-rút mà không có các triệu chứng của bệnh thủy đậu?

Trả lời: Vi-rút gây bệnh thủy đậu và bệnh zona lây lan được là do tiếp xúc với chất dịch bị nhiễm bệnh trong các mụn nước đang phát triển như một triệu chứng của những tình trạng này.

Những người được tiêm vắc-xin thủy đậu sống sẽ được tiêm một dạng vi-rút yếu hơn. Điều này sẽ khiến cơ thể tạo ra các kháng thể có thể chống lại vi-rút. Do đó, 90% những người đã tiêm phòng sẽ không bị thủy đậu.

Nếu một người tiếp xúc với dịch tiết phồng rộp từ người bị bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona, và nếu họ đã được chủng ngừa và đã hình thành miễn dịch chống lại vi-rút, họ sẽ không phát triển các triệu chứng thủy đậu. Họ cũng không bị mắc bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà có thể lây lan cho người khác, ngay cả khi họ tiếp xúc với vi-rút khi ai đó ở gần họ bị bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona.

Xem thêm: Zona - Chẩn đoán và điều trị

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top