✴️ Các vấn đề thường gặp ở lưỡi

Nội dung

Các vấn đề thường gặp ở lưỡi bao gồm nhiều triệu chứng, từ đau đến thay đổi màu sắc và kết cấu, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Lưỡi thường được xem là "cơ khỏe nhất trong cơ thể", được tạo thành từ một nhóm cơ cho phép chúng ta nếm thức ăn, nuốt và nói chuyện. Lưỡi khỏe mạnh có màu hồng và được bao phủ bởi các nốt nhỏ gọi là nhú lưỡi.

Vì lúc nào chúng ta cũng sử dụng lưỡi nên các vấn đề về lưỡi có thể khiến bạn khó chịu, đặc biệt là khi ăn uống.

Triệu chứng

Bạn có thể có các triệu chứng khác nhau ở lưỡi tuỳ theo nguyên nhân:

  • Đau đớn
  • Cảm giác bỏng rát
  • Sưng
  • Loét
  • Đổi màu, từ trắng đến đen
  • Thay đổi kết cấu

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng thường gặp ở lưỡi. Phần lớn các vấn đề về lưỡi không nghiêm trọng và hầu hết có thể được khắc phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lưỡi đổi màu hoặc đau có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn như thiếu vitamin, bệnh AIDS hoặc ung thư miệng. Vì vậy, hãy tìm đến chuyên gia y tế nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì đang xảy ra với lưỡi của mình.

Nguyên nhân gây đau lưỡi hoặc sưng lưỡi

Có nhiều nguyên nhân có thể làm cho lưỡi của bạn bị đau hoặc sưng, bao gồm:

  • Chấn thương: Việc vô tình cắn vào lưỡi hoặc chạm vào vật gì đó nóng có thể khiến bạn bị đau lưỡi cho đến khi tổn thương lành lại. Nghiến răng cũng có thể gây kích ứng hai bên lưỡi làm nó bị đau.
  • Hút thuốc: Hút thuốc quá nhiều có thể gây kích ứng và khiến lưỡi bị đau.
  • Nhiệt miệng: Các vết loét có thể xuất hiện ở lưỡi, chúng có thể tồi tệ hơn trong giai đoạn căng thẳng cao độ.
  • Hội chứng bỏng rát lưỡi: Một số phụ nữ mãn kinh xuất hiện hội chứng này, khiến cho lưỡi có cảm giác như bị bỏng.
  • Nhú phì đại: Nếu một hoặc nhiều nhú lưỡi bị viêm hoặc bị kích thích, chúng có thể sưng lên và làm lưỡi sưng đau.
  • Các bệnh lý khác: Bệnh đái tháo đường hay thiếu máu có thể xuất hiện triệu chứng đau lưỡi.
  • Ung thư khoang miệng: Mặc dù hầu hết các trường hợp đau lưỡi không có gì đáng lo ngại, nhưng bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn có một khối u hoặc vết loét trên lưỡi không biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Nhiều bệnh nhân ung thư khoang miệng không đau trong giai đoạn đầu, vì vậy đừng cho rằng không có cảm giác đau tức là không có gì bất thường.

Nguyên nhân gây lưỡi trắng

Một số nguyên nhân có thể làm lưỡi xuất hiện một lớp phủ màu trắng hoặc các đốm trắng, bao gồm:

  • Bạch sản: Tình trạng này khiến các tế bào trong miệng phát triển quá mức dẫn đến việc hình thành các mảng trắng bên trong miệng. Mặc dù không nguy hiểm nhưng bạch sản có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh ung thư. Vì vậy, điều quan trọng là bác sĩ phải xác định nguyên nhân gây ra các mảng trắng trên lưỡi của bạn. Bạch sản có thể phát triển khi lưỡi bị kích thích và thường được thấy ở những người hút thuốc lá.
  • Nấm miệng: Còn được gọi là bệnh nấm Candida, đây là một bệnh do nấm men phát triển bên trong miệng, dẫn đến các mảng trắng giống như pho mai, nhất quán trên bề mặt miệng và lưỡi. Nấm miệng thường thấy ở trẻ sơ sinh và người già, đặc biệt là những người đeo răng giả, hoặc ở những người có hệ miễn dịch suy yếu. Những người bị bệnh tiểu đường và những người sử dụng steroid dạng hít để điều trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi khác cũng có thể bị nấm miệng. Nấm miệng dễ xảy ra hơn sau khi sử dụng thuốc kháng sinh vì nó cũng diệt các vi khuẩn "tốt" trong miệng. Ăn sữa chua nguyên chất có các vi khuẩn sống và đang hoạt động có thể giúp khôi phục hệ vi sinh vật trong miệng. Ngoài ra, thuốc kháng nấm có thể dùng để điều trị.
  • Lichen phẳng vùng miệng: Một mạng lưới các đường trắng nổi lên trên lưỡi với hình dạng giống như ren có thể là dấu hiệu của bệnh lý này. Các bác sĩ thường không thể xác định chính xác nguyên nhân, nhưng bệnh này thường tự khỏi. Một số việc làm có thể giúp ích như vệ sinh răng miệng đúng cách, không hút thuốc lá và cắt giảm các loại thực phẩm gây kích ứng miệng.

Nguyên nhân gây lưỡi đỏ hoặc lưỡi dâu tây

Có nhiều nguyên nhân khiến lưỡi từ màu hồng bình thường chuyển sang đỏ. Trong một số trường hợp, lưỡi thậm chí có thể có hình dạng như một quả dâu tây với các nụ vị giác to và đỏ rải rác trên bề mặt. Nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Thiếu hụt vitamin: Sự thiếu hụt axit folic và vitamin B-12 có thể khiến lưỡi hơi đỏ.
  • Lưỡi bản đồ: Còn được gọi là viêm lưỡi di chuyển lành tính, lưỡi bản đồ được đặt tên như vậy vì các đốm màu đỏ phát triển trên bề mặt của lưỡi giống như bản đồ. Đôi khi, những mảng này có viền trắng xung quanh và vị trí của chúng trên lưỡi có thể thay đổi theo thời gian. Mặc dù thường vô hại, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu các mảng đỏ tồn tại lâu hơn 2 tuần. Một khi bác sĩ đã xác định rằng nguyên nhân do lưỡi bản đồ thì không cần điều trị thêm. Nếu tình trạng này khiến lưỡi của bạn đau hoặc khó chịu, bạn có thể được kê đơn thuốc bôi để giảm bớt sự khó chịu.
  • Sốt tinh hồng nhiệt: Những người bị bệnh nhiễm trùng này có thể xuất hiện lưỡi dâu tây. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị sốt cao và lưỡi đỏ. Bệnh này cần được điều trị kháng sinh.
  • Hội chứng Kawasaki: Bệnh này thường thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi, ảnh hưởng đến các mạch máu trong cơ thể và có thể gây ra lưỡi dâu tây. Trong giai đoạn bệnh nặng, trẻ thường sốt cao và có thể bị sưng đỏ ở bàn tay và bàn chân.

Nguyên nhân lưỡi có lông đen

Mặc dù có vẻ ngoài đáng lo ngại, nhưng một chiếc lưỡi đen và có lông thường không có gì nghiêm trọng. Nó xuất phát từ sự phát triển quá mức của vi khuẩn, tế bào chết và các mảnh vụn khác bị mắc kẹt trên lưỡi. Một số nguyên nhân có thể gây ra là:

  • Nhú phát triển quá mức: Các nốt nhỏ trên bề mặt lưỡi được gọi là nhú, chúng phát triển trong suốt cuộc đời của bạn. Ở một số người, các nhú gai trở nên dài quá mức thay vì bị mài mòn bởi các hoạt động hàng ngày, khiến chúng có khả năng chứa nhiều vi khuẩn hơn. Khi những vi khuẩn này phát triển, chúng có thể trông sẫm màu và các nhú mọc quá mức trông giống như lông.
  • Điều trị y tế: Những người đang điều trị thuốc kháng sinh hoặc hóa trị có thể bị chứng lưỡi lông đen.
  • Chăm sóc răng miệng kém: Tình trạng này không phổ biến, xảy ra ở những người không vệ sinh răng miệng tốt.

Chẩn đoán

Bác sĩ cần thăm khám lâm sàng, trường hợp cần thiết có thể thực hiện một số xét nghiệm nhằm kiểm tra các bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng ở lưỡi như đái tháo đường hoặc thiếu vitamin.

Nếu có một khối u ở miệng, bạn có thể cần làm sinh thiết để kiểm tra ung thư.

Điều trị

Phương pháp điều trị các vấn đề về lưỡi tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số triệu chứng sẽ tự biến mất. Nếu có bệnh lý nền, điều trị bệnh nền có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc súc miệng và thuốc kháng nấm nếu người bệnh bị nấm miệng.

Nếu bị loét hoặc các vấn đề khác gây đau, người bệnh nên tránh ăn thức ăn cay hoặc chua.

Điều trị ung thư bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị hoặc điều trị bằng thuốc.

Vì một số vấn đề về lưỡi có thể liên quan đến sức khỏe răng miệng kém nên điều quan trọng là phải chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, sử dụng dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và các chất bẩn khác. Nếu bạn hút thuốc, hãy nghĩ đến việc bỏ thuốc lá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top