Tư thế cho con bú và các biện pháp hỗ trợ hiệu quả nuôi con bằng sữa mẹ

Việc lựa chọn tư thế đúng khi cho con bú không chỉ giúp người mẹ cảm thấy thoải mái mà còn hỗ trợ trẻ ngậm bắt vú đúng cách, từ đó tối ưu hóa hiệu quả bú mẹ. Tư thế cần được điều chỉnh phù hợp theo từng cữ bú, tùy vào thể trạng mẹ và tình trạng của trẻ. Dưới đây là một số tư thế thường được khuyến nghị và các lưu ý kèm theo.

1. Các tư thế cho con bú phổ biến

1.1. Tư thế bế ru thuận tay

  • Là tư thế phổ biến nhất, dễ áp dụng với cả mẹ và trẻ sơ sinh.
  • Mẹ sử dụng cánh tay cùng phía với bầu vú cho bú để đỡ toàn bộ thân thể bé (bao gồm đầu, cổ và thân), sao cho mặt bé quay về phía bầu vú, bụng bé áp vào bụng mẹ.
  • Bé được đặt sao cho đầu, cổ và thân trên cùng một đường thẳng, miệng ngậm kín núm vú.

1.2. Tư thế bế ru ngược tay

  • Phù hợp với trẻ sinh non, trẻ có phản xạ bú yếu hoặc cần hỗ trợ kiểm soát đầu bé tốt hơn.
  • Mẹ sử dụng cánh tay đối bên với bầu vú cho bú để đỡ người và đầu bé. Ví dụ: bé bú vú trái, mẹ dùng tay phải ôm đỡ bé.

1.3. Tư thế ôm trái banh (football hold)

  • Phù hợp cho sản phụ sau mổ lấy thai, phụ nữ có vú lớn, núm vú dẹt hoặc tụt vào trong.
  • Bé được đặt nằm dọc dưới cánh tay mẹ, đầu hướng về phía vú, chân bé duỗi ra sau lưng mẹ, giúp tránh chèn ép vùng mổ và dễ kiểm soát phản xạ xuống sữa mạnh.

1.4. Tư thế nằm nghiêng

  • Thường được áp dụng khi mẹ cần nghỉ ngơi hoặc trong thời kỳ hậu sản sau sinh mổ.
  • Mẹ và bé nằm nghiêng đối diện nhau, đầu bé gần ngang vú mẹ, thuận tiện cho bú đêm.

 

2. Các lưu ý để hỗ trợ quá trình bú mẹ hiệu quả

2.1. Nhận biết tín hiệu đói của trẻ

  • Các dấu hiệu gồm: mút tay, quay đầu tìm vú khi bị chạm nhẹ vào má (phản xạ tìm kiếm).
  • Nên cho trẻ bú khi xuất hiện dấu hiệu đói sớm, tránh để đến lúc trẻ khóc vì sẽ khó ngậm bắt vú hơn.

2.2. Đáp ứng nhu cầu bú theo chỉ dẫn của trẻ

  • Một số trẻ cần bú cả hai bên vú trong một cữ, trong khi trẻ khác bú một bên đã đủ.
  • Nên cho trẻ bú cạn một bên vú để nhận được sữa cuối – giàu chất béo và năng lượng, trước khi chuyển sang bên còn lại.

2.3. Duy trì tiếp xúc gần giữa mẹ và bé

  • Tiếp xúc "da kề da" giúp điều hòa thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở của trẻ, đồng thời thúc đẩy mối liên kết mẹ – con.

2.4. Hạn chế sử dụng núm vú giả trong những tuần đầu

  • Tránh cho trẻ sử dụng núm vú giả hoặc bình bú sớm nhằm giảm nguy cơ rối loạn ngậm bắt vú, ngoại trừ trường hợp có chỉ định y tế rõ ràng.

2.5. Đánh thức trẻ khi cần thiết

  • Trong giai đoạn đầu, nếu quá 4 giờ chưa bú lại, nên chủ động đánh thức trẻ bằng cách thay tã, mát-xa nhẹ, cho tiếp xúc da – da.
  • Nếu trẻ thường xuyên ngủ trong lúc bú, cần theo dõi sát cân nặng và kỹ thuật ngậm bắt vú để đảm bảo đủ lượng sữa bú vào.

 

3. Kết luận

Việc áp dụng tư thế cho con bú phù hợp, cùng với các biện pháp hỗ trợ như nhận biết tín hiệu đói, duy trì tiếp xúc gần, cho bú theo nhu cầu, sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì hiệu quả nuôi con bằng sữa mẹ. Các bà mẹ cần được tư vấn và hỗ trợ thường xuyên từ cán bộ y tế để vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu nuôi con và kéo dài thời gian cho con bú đến ít nhất 6 tháng đầu đời theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top