✴️ Nguyên nhân bệnh viêm gan B và cách phòng tránh tốt nhất

1. Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra bởi virus viêm gan B – HBV. Virus này ảnh hưởng lớn đến tế bào gan, tấn công và tàn phá gan trong âm thầm. Bệnh có thể gây nhiễm trùng gan, biến chứng xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Hiện nay, HBV được các chuyên gia y tế đánh giá là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số người mắc viêm gan B mạn tính mỗi năm là khoảng 400 triệu người. Trong khi đó, khoảng 20% dân số Việt Nam nhiễm virus viêm gan B.

Bất kỳ đối tượng nào, ở mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc viêm gan B. Việc xác định nguyên nhân mắc bệnh là rất cần thiết để có giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

Viêm gan B có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính

 

2. Nguyên nhân lây truyền bệnh viêm gan B là gì?

Virus viêm gan B dễ dàng lây từ người sang người qua nhiều cơ chế. Người lành có thể nhiễm bệnh qua 3 con đường phổ biến dưới đây:

 

2.1. Nguyên nhân bệnh viêm gan B – Lây từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ cao lây truyền sang cho con. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm còn bị chi phối bởi tình trạng, thời gian và mức độ mắc viêm gan B trong thai kỳ của phụ nữ.

Lúc này, trẻ sơ sinh cần được tiêm vaccine phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Ngoài ra, trong vòng 2 giờ sau sinh, trẻ còn cần được tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B để dự phòng lây nhiễm.

 

2.2. Lây qua đường máu

Máu của người bệnh chứa lượng lớn HBV, khi tiếp xúc với vết thương hở của người lành có thể làm lây truyền bệnh. Những người tái sử dụng bơm kim tiêm, xăm hình, xỏ khuyên, thực hiện thủ thuật y tế tại cơ sở không uy tín, không đảm bảo khử khuẩn dụng cụ sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Thêm vào đó, thói quen sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, bấm móng tay,… với người bệnh và gây xây xước trong quá trình sử dụng cũng khiến bạn cố nguy cơ mắc viêm gan B.

 

2.3. Nguyên nhân bệnh viêm gan B – Lây qua quan hệ tình dục

Ngoài máu, virus viêm gan B còn tồn tại trong tinh dịch và các dịch tiết khác của cơ thể người bệnh. Người lành có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu quan hệ tình dục với người bệnh mà không sử dụng biện pháp phòng tránh. Viêm gan B lây truyền khi quan hệ tình dục mạnh bạo ở cả những người khác giới và đồng giới.

Quan hệ tình dục không an toàn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

 

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B được chia thành 2 loại gồm cấp tính và mạn tính. Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh rất khó tự nhận biết vì các triệu chứng rất mờ nhạt, không đặc hiệu. Chỉ khi phát triển thành mạn tính, gây biến chứng thì bệnh mới bộc lộ các dấu hiệu cụ thể.

Cần lưu ý răng, HBV có thể gây hại cho gan ngay cả khi không có triệu chứng bất thường. Lý do là bởi gan là cơ quan có khả năng tái tạo và phục hồi rất tốt. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh, hãy cảnh giác để phát hiện sớm:

– Thường xuyên mệt mỏi, không có cảm giác ngon miệng khi ăn uống.

– Một dấu hiệu khác của bệnh là đau nhức xương khớp.

– Thường xuyên có cảm giác buồn nôn và nôn ói, da xanh xao.

– Vàng da, vàng mắt (phần lòng trắng); nước tiểu có màu vàng sẫm.

– Đau bụng vùng gan – vùng hạ sườn phải, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thường xuyên.

– Xuất hiện mề đay trên da, chảy máu dưới da.

Mọi đối tượng đều được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B

 

4. Cần làm gì để phòng tránh bệnh viêm gan B?

Sau khi nắm được nguyên nhân bệnh viêm gan B, hãy thực hiện các biện pháp sau đây để phòng tránh hiệu quả bệnh lý nguy hiểm này:

– Tiêm vaccine phòng viêm gan B: Đây được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. WHO khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng viêm gan B cần được thực hiện với mọi đối tượng, tuân theo phác đồ tiêm chủng.

– Quan hệ tình dục an toàn, thủy chung một vợ một chồng, sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khác.

– Các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để sàng lọc bệnh viêm gan B. Từ đó có biện pháp dự phòng, tránh lây nhiễm chéo và tránh lây truyền từ mẹ sang con.

– Phụ nữ có thai cần thăm khám định kỳ, đảm bảo an toàn cho quá trình mang thai.

– Băng kín các vết thương hở; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh. Đồng thời không sử dụng chung bơm kim tiêm và các đồ sinh hoạt – vệ sinh cá nhân.

– LỰa chọn địa chỉ uy tín để làm răng, xăm hình, xỏ khuyên…, đảm bảo dụng cụ vô trùng.

– Thăm khám sức khỏe gan mật định kỳ từ 1 đến 2 lần mỗi năm để phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý nếu có.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top