✴️ Giảm tiểu cầu và hướng điều trị

Nội dung

Giảm tiểu cầu là tình trạng gì?

Tiểu cầu (platelets hay thrombocytes) là một loại tế bào máu có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại khi mạch bị thương. Giảm tiểu cầu là thuật ngữ y học để mô tả số lượng tiểu cầu thấp được định nghĩa là số lượng tiểu cầu dưới 150.000 tế bào/mL, không phân biệt tuổi tác.

Triệu chứng

Tiểu cầu rất quan trọng trong việc cầm máu vì vậy các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu khi giảm tiểu cầu có liên quan đến việc tăng nguy cơ chảy máu. Nếu giảm tiểu cầu nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số triệu chứng chảy máu thường gặp như:

  • Chảy máu cam
  • Chảy máu từ nướu răng
  • Máu trong nước tiểu hoặc phân
  • Mụn nước trong miệng gọi là ban xuất huyết
  • Dễ bầm tím
  • Đốm xuất huyết

​     tình trạng giảm tiểu cầu

Nguyên nhân nào gây ra giảm tiểu cầu?

Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu. Một số nguyên nhân thoáng qua và có thể điều trị và hồi phục nhanh chóng, một số các nguyên nhân khác cần có sự chăm sóc y tế và điều trị suốt đời.

  • Virus: Trong quá trình nhiễm virus, tủy xương có thể tạm thời tạo ra ít tiểu cầu hơn điều này được gọi là ức chế virus. Một khi virus không còn trong cơ thể, tủy xương có thể tiếp tục sản xuất bình thường.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể ức chế khả năng tạo tiểu cầu của cơ thể hoặc tạo kháng thể phá hủy tiểu cầu.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch: Đây là tình trạng hệ thống miễn dịch bị rối loạn và phá hủy tiểu cầu khi cơ thể hoàn toàn không có tình trạng xuất huyết.
  • Bệnh ác tính: Một số bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu có thể làm giảm số lượng tiểu cầu. Điều này thường do tế bào ung thư chiếm không gian trong tủy xương ngăn chặn việc sản xuất tiểu cầu mới.
  • Hóa trị: Hầu hết hóa trị có cơ chế hoạt động bằng cách tấn công các tế bào phân chia nhanh như tế bào ung thư. Thật không may, các tế bào máu được sản xuất từ các tế bào phân chia nhanh trong tủy xương và khi chúng bị tổn thương bởi hóa trị khiến chúng không thể tạo ra các tế bào máu mới tạm thời. Tất cả ba dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu)  đều có thể bị ảnh hưởng.
  • Thiếu máu bất sản: Thiếu máu bất sản là tình trạng tủy xương không thể tạo ra các tế bào máu bình thường có thể dẫn đến giảm tiểu cầu.
  • Gen di truyền giảm tiểu cầu: Có những tình trạng di truyền như các bệnh liên quan đến Bernard Soulier và MYH9 dẫn đến giảm tiểu cầu thứ phát do đột biến gen.
  • Lách to: Một phần tiểu cầu được lưu trữ trong lá lách-một cơ quan trong hệ thống miễn dịch. Nếu lá lách trở nên to hơn, nhiều tiểu cầu bị mắc kẹt trong lá lách dẫn đến giảm tiểu cầu trong máu. Lách to có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân bao gồm tăng huyết áp tĩnh mạch cửa chủ hoặc bệnh spherocytosis di truyền.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối: Tình trạng này chủ yếu được tìm thấy ở phụ nữ trưởng thành khiến các cục máu nhỏ hình thành trong các mạch máu phá hủy tiểu cầu và hồng cầu.
  • Mang thai: Giảm tiểu cầu có thể xảy ra hơn 5% thai kỳ bình thường hoặc là kết quả của tiền sản giật.

Chẩn đoán

Đầu tiên, bác sĩ khám tổng trạng để tìm các dấu vết bầm tím hoặc ban xuất huyết, một trong các triệu chứng tiểu cầu thấp. Bác sĩ có thể hỏi về bệnh sử gia đình và tình trạng sức khỏe, cũng như các loại thuốc đang sử dụng.

Xét nghiệm công thức máu đầy đủ để biết số lượng tế bào máu tổng thể, cùng với số lượng tiểu cầu. Một số xét nghiệm đông máu để xác định thời gian máu đông và các yếu tố ảnh hưởng cũng có thể cần được thực hiện.

Siêu âm bụng có thể được sử dụng giúp bác sĩ kiểm tra lách có bị to không.

Trường hợp nghi ngờ do các vấn đề của hệ thông tủy xương, sinh thiết tủy xương và hút tủy có thể được thực hiện.

     Xét nghiệm tiểu cầu

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chảy máu và nguyên nhân gây giảm tiểu cầu. Tất cả bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nên tránh dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen vì những thuốc này làm giảm chức năng tiểu cầu và khả năng hình thành cục máu đông.

  • Trường hợp không cần điều trị: Nếu tình trạng giảm tiểu cầu nhẹ hoặc nếu không có tình trạng chảy máu. Nếu giảm tiểu cầu thứ phát sau nhiễm virus, số lượng tiểu cầu của bạn có thể được kiểm tra nhiều lần sau đó để đảm bảo nó trở lại bình thường.
  • Truyền tiểu cầu: Giảm tiểu cầu thoáng qua thường thấy trong các phương pháp điều trị hóa trị, có thể được điều trị bằng truyền tiểu cầu. Truyền tiểu cầu cũng được sử dụng thường xuyên nếu có tình trạng chảy máu lượng lớn kết hợp với giảm tiểu cầu.
  • Ngừng thuốc: Nếu giảm tiểu cầu do thuốc, hãy tham khảo bác sĩ về việc có nên tiếp tục sử sụng loại thuốc này hay không.
  • Sử dụng thuốc điều trị: Nếu giảm tiểu cầu là kết quả của giảm tiểu cầu miễn dịch có thể được điều trị bằng các thuốc như steroid, globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch hoặc globulin miễn dịch anti D.
  • Cắt lách: Trong nhiều loại giảm tiểu cầu, lách là vị trí chính của tiêu hủy tiểu cầu hoặc bắt giữ tiểu cầu. Cắt lách hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần lá lách có thể cải thiện số lượng tiểu cầu.
  • Tách huyết tương: Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP) được điều trị bằng tách huyết tương. Trong kỹ thuật này, huyết tương (phần lỏng của máu) được lấy ra thông qua được tĩnh mạch và được thay thế bằng huyết tương tươi đông lạnh.

Có thể bạn quan tâm: Các vết bầm tím không rõ lý do – Điều đáng quan tâm

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top