✴️ Hội chứng sau nhiễm COVID – 19

Nội dung

Mở đầu

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy tác động bán cấp và lâu dài của COVID – 19 có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể. Nhiều báo cáo giai đoạn đầu đã cho thấy một số tác động còn sót lại hậu nhiễm SARS – CoV – 2 như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp và giảm chất lượng cuộc sống. Đây có thể là hậu quả do SARS – CoV – 2 gây tổn thương tế bào, sản sinh cytokine gây viêm và gây ra trạng thái tiền đông máu. Những nghiên cứu về di chứng hậu COVID – 19 là cần thiết để tìm ra cách tiếp cận những bệnh nhân mắc hội chứng hậu covid dựa trên bằng chứng [1] .

Định nghĩa hội chứng hậu COVID – 19

Hội chứng hậu COVID – 19 được xem là những triệu chứng dai dẳng và/hoặc biến chứng xuất hiện muộn hoặc kéo dài sau 4 tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng nhiễm SARS – CoV – 2 cấp. Hình 1 thể hiện tóm tắt các cột mốc thời gian cho hội chứng hậu COVID – 19. Dựa trên dữ liệu hiện có, có thể chia hội chứng hậu COVID – 19 thành 2 nhóm:

  • Triệu chứng COVID – 19 bán cấp hoặc tiếp diễn (bao gồm triệu chứng và những bất thường kéo dài từ 4 – 12 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng COVID – 19 cấp)
  • Triệu chứng mạn tính hoặc hội chứng hậu COVID – 19 (bao gồm triệu chứng và những bất thường dai dẳng hoặc kéo dài hơn 12 tuần sau khi khởi phát các triệu chứng COVID – 19 cấp nhưng không gợi ý các chẩn đoán khác) [1]

Hướng dẫn của Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (National Institute of Health and Care Excellence – NICE) phân chia mốc thời gian đối với COVID -1 9 như sau:

  • COVID – 19 cấp: biểu hiện triệu chứng COVID – 19 trong vòng 4 tuần
  • Triệu chứng COVID – 19 tiếp diễn: biểu hiện triệu chứng COVID – 19 từ 4 – 12 tuần
  • Hội chứng hậu COVID – 19: biểu hiện triệu chứng COVID – 19 trong hoặc sau khi xác định mắc COVID – 19  tiếp túc kéo dài hơn 12 tuần và không phù hợp với chẩn đoán nào khác [2].

NICE định nghĩa COVID – 19 kéo dài (long COVID – 19) bao gồm cả COVID – 19 có triệu chứng tiếp diễn (từ 4 – 12 tuần) và hội chứng hậu COVID – 19 (nhiều hơn 12 tuần) [2].

Dịch tễ

Một nghiên cứu quan sát từ 38 bệnh viện ở bang Michigan, Hoa Kỳ tiến hành đánh giá kết cục của 1250 bệnh nhân mắc COVID – 19 xuất viện tại thời điểm 60 ngày cho thấy có 6.7% bệnh nhân tử vong và 15.1% bệnh nhân cần tái nhập viện. Trong số 488 bệnh nhân hoàn thành khảo sát qua điện thoại, có 32.6% bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài dai dẳng, trong số đó có 18.9% bệnh nhân có triệu chứng mới xuất hiện hoặc có triệu chứng trở nặng. Khó thở khi bước lên cầu thang là triệu chứng phổ biến nhất ở các bệnh nhân này (22.9%), tiếp theo đó là ho (15.4%) và mất vị giác/khứu giác (13.1%) [3].

Một nghiên cứu quan sát khác được thực hiện ở Italy cho thấy có 87.4% bệnh nhân nhiễm COVID – 19 có các triệu chứng kéo dài dai dẳng trong thời gian theo dõi trung vị 60 ngày kể từ khi bắt đầu khởi phát triệu chứng. Những triệu chứng thường gặp ở các bệnh nhân này là mệt mỏi (53.1%), khó thở (43.4%), đau khớp (27.3%) và đau ngực (21,7%). Có tới 55% bệnh nhân biểu hiện nhiều hơn 3 triệu chứng [4].

Nghiên cứu của nhóm tác giả Halpin và công sự [5] đã gợi ý mối liên hệ giữa các bệnh hô hấp mà bệnh nhân mắc trước đó, chỉ số khối cơ thể cao hơn, tuổi cao hơn và chủng tộ (người da màu) với các hội chứng hậu COVID – 19. Nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID – 19 ở Trung Quốc gợi ý mối liên hệ giữa giới tính với các hội chứng hậu COVID – 19, cụ thể phụ nữ có xu hướng mắc các triệu chứng mệt mỏi và lo âu/trầm cảm tại thời điểm 6 tháng theo dõi [6].

Sinh lý bệnh

Cơ chế gợi ý cho sinh lý bệnh của hội chứng hậu COVID – 19 bao gồm:

  • Sinh lý bệnh đặc trưng của virus thay đổi
  • Sai sót miễn dịch và tổn thương gây viêm khi đáp ứng với nhiễm viurs cấp
  • Di chứng đự đoán sau khi mắc bệnh nặng

Hơn nữa, sau khi mắc COVID – 19, có khoảng 25 – 30% bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ phát. Bệnh nhân sống sót sau khi mắc COVID – 19 có nguy cơ cao hơn bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, những bệnh lý nhiễm trùng thứ phát này không phải là giải thích cho những di chứng kéo dài trên bệnh nhân hậu COVID – 19 [1].

Di chứng của COVID – 19 trên các cơ quan

Di chứng trên phổi

Di chứng trên phổi ở bệnh nhân hậu COVID – 19 có thể biểu hiện với mức độ nghiêm trọng khác nhau, biến động từ khó thở cho đến tổn thương phổi và phụ thuộc vào máy thở.

Một số triệu chứng kéo dài dai dẳng thường gặp nhất ở bệnh nhân hậu COVID – 19 bao gồm khó thở, giảm khả năng vận động và giảm oxy máu. Các triệu chứng như giảm khả năng khuếch tán, hạn chế phổi sinh lý (restrictive pulmonary physiology), tổn thương dạng kính mờ và thay đổi trên chẩn đoán hình ảnh cũng xuất hiện ở bệnh nhân hậu COVID – 19 [1].

Chăm sóc bệnh nhân COVID – 19 sau khi xuất viện đã trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và các hướng dẫn về việc kiểm soát những bệnh nhân này vẫn đang được phát triển. Thiết bị đo oxy máu tại nhà được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận được xem là công cụ hữu ích để theo dõi bệnh nhân có triệu chứng kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, bằng chứng hiện có vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận về việc ứng dụng các thiết bị đo oxy máu tại nhà. Nhiều ý kiến cho rằng nên đánh giá bệnh nhân bị khó thở dai dẳng bằng các test chức năng phổi (pulmonary function test – PFT), test đi bộ 6 phút (6 – min walk test – 6MWT) và chụp cắt lớp vi tinh độ phân giải cao (high-resolution computed tomography) tại thời điểm 6 tháng và 12 tháng [1].

Hướng dẫn của Hiệp hội Lồng ngực Anh (British Throacic Society) cho rằng nên đánh giá bệnh nhân COVID – 19 trong 3 tháng đầu sau khi xuất viện phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng COVID – 19 cấp mà bệnh nhân mắc phải và việc bệnh nhân có phải nhập đơn vị chăm sóc tích cực (intensive care unit – ICU).

Kết quả của nghiên cứu đoàn hệ nhỏ ở Vương quốc Anh trên 19 bệnh nhân bị viêm phổi sau 6 tuần xuất viện gợi ý rằng corticoid có thể có lợi ích bệnh nhân bị viêm phổi hậu COVID – 19. Việc ứng dụng các liệu pháp kháng xơ hóa để phòng ngừa xơ phổi sau COVID – 19 hiện vẫn đang được nghiên cứu [1].

Di chứng huyết học

Biến cố thuyên tắc huyết khối được ghi nhận ở < 5% bệnh nhân hậu COVID – 19 trong các nghiên cứu hồi cứu. Thuốc chống đông và heparin phân tử lượng thấp (low-molecular-weight heparin) là những tác nhân chống đông máu được ưu tiên lựa chọn (hơn thuốc kháng vitamin K) vì những thuốc này không cần phải theo dõi nồng độ thuốc trị liệu thường xuyên cũng như hạn chế được nguy cơ tương tác thuốc. Thời gian điều trị bệnh nhân được chẩn đoán mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch bằng các chẩn đoán hình ảnh bằng các liệu pháp kháng đông được khuyến cáo nên ≥ 3 tháng [1] .

Di chứng tim mạch

Triệu chứng dai dẳng trên tim mạch có thể bao gồm đánh trống ngực, khó thở và đau ngực. Những di chứng lâu dài sau COVID – 19 có thể bao gồm việc tăng chuyển hóa tim mạch, xơ hóa tế bào cơ tim (phát hiện bằng các hình ảnh MRI), loạn nhịp và nhanh nhịp  [1].

Việc thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như điện tâm đồ và siêu âm tim trong thời gian 4 – 12 tuần có thể được cân nhắc ỏ bệnh nhân có các biến chứng trên tim mạch trong thời gian nhiễm COVID – 19 cấp tính hoặc có các biểu hiện các triệu chứng tim mạch dai dẳng. Bằng chứng hiện có không ủng hộ việc áp dụng các chẩn đoán hình ảnh (advanced cardiac imaging) thường quy. Các chẩn đoán này nên được cân nhắc tùy trường hợp [1] .

Các bằng chứng hiện có gợi ý rằng các thuốc ức chế hệ renin – angitensin – aldosteron (renin – angiotensin – aldosteron system – RAAS) có thể an toàn và nên được tiếp tục duy trì ở bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch ổn định. Việc ngưng đột ngột các thuốc ức chế RAAS có thể có hại. Ở bệnh nhân bị tối loạn chức năng thất trái, các liệu pháp điều trị theo phác đồ nội khoa nên được bắt đầu và tối ưu hóa ở bệnh nhân [1].

Di chứng tâm thần

Những bất thường tâm thần kéo dài có thể bao gồm mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, rối loạn thần kinh thực vật và suy giảm nhận thức. Lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và rối loạn căng thẳng sau sang chấn được báo cáo ở 30 – 40% bệnh nhân sống sót sau COVID – 19 [1].

Liệu pháp điều trị tiêu chuẩn nên được khởi đầu ở bệnh nhân có các biến chứng thần kinh như đau đầu. Bệnh nhân cũng nên được đánh giá bằng các chẩn đoán hình ảnh và chuyển đến bác sĩ chuyên khoa nếu bị đau đầu dai dẳng khó trị. Những đánh giá tâm thần kinh nên được cân nhắc ở bệnh nhân bị suy giảm nhận thức [1].

Ngoài những di chứng trên các hệ cơ quan kể trên, ở bệnh nhân hậu COVID – 19 còn biểu hiện di chứng trên một số cơ quan khác như đường tiêu hóa, da, thận…[1]

Bàn luận

Việc phổi hợp liên ngành là mấu chốt để chăm sóc bệnh nhân hậu COVID – 19. Các nghiên cứu lâm sàng trong tương lai cùng với những kinh nghiệm trong thực hành là những nguồn dữ liệu cơ bản để đưa ra bằng chứng trong việc điều trị bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng COVID – 19 kéo dài.


Tài liệu tham khảo

  1. Ani Nalbandian, Kartik Sehgal et al. Post-acute COVID-19 syndrome. Nature medicine. 2021;27:601-615. DOI: 10.1038/s41591-021-01283-z
  2. COVID-19 rapid guideline: managing the long-term effects of COVID-19. NICE Guidance. URL: https://www.nice.org.uk/guidance/ng188. Update: 18 Dec 2020; Accessed date: 20 Oct 2021.
  3. Chopra, V., Flanders, S. A. & O’Malley, M. Sixty-day outcomes among patients hospitalized with COVID-19. Ann. Intern. Med. https://doi.org/ 10.7326/M20-5661 (2020).
  4. Carf, A., Bernabei, R., Landi, F. & Gemelli Against COVID-19 Post-Acute Care Study Group. Persistent symptoms in patients afer acute COVID-19. J. Am. Med. Assoc. 324, 603–605 (2020)
  5. Halpin, S. J. et al. Postdischarge symptoms and rehabilitation needs in survivors of COVID-19 infection: a cross-sectional evaluation. J. Med. Virol. 93, 1013–1022 (2021).
  6. Lee, A. M. et al. Stress and psychological distress among SARS survivors 1 year afer the outbreak. Can. J. Psychiatry 52, 233–240 (2007).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top