✴️ Những điều cần biết về rối loạn cương dương?

Hiện nay, tỉ lệ các trường hợp rối loạn cương dương có thể điều trị được đã tăng lên với việc sử dụng một số loại thuốc như sildenafil, viagra... đồng thời có sự kết hợp của nhiều phương pháp điều trị khác nhau.

 

Nguyên nhân nào gây rối loạn cương dương

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, rối loạn cương dương có thể ảnh hưởng đến 20 triệu người. Tỷ lệ phổ biến của tình trạng này là hơn 50% ở những người trên 50 tuổi và tăng lên theo số tuổi.

Chức năng cương dương bình thường có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về lưu lượng máu, hệ thần kinh và nồng độ hormone. Một số yếu tố khác cũng có thể gây ảnh hưởng, chẳng hạn như tâm lý hay lo lắng về hoạt động tình dục.

Nguyên nhân vật lý

Hầu hết các trường hợp rối loạn cương dương là thứ phát, tức là một người vẫn có thể quan hệ tình dục trước đó một cách bình thường, và tình trạng rối loạn cương dương mới xuất hiện gần đây. Nguyên nhân thường do một tình trạng sức khỏe hay vấn đề thể chất xuất hiện.

Trong một số trường hợp mắc rối loạn cương dương nguyên phát. Đây là trường hợp mà một người chưa bao giờ đạt được sự cương cứng. Nguyên nhân của rối loạn cương dương nguyên phát có thể do tâm lý hoặc hậu quả của một vấn đề sức khỏe kéo dài.

Một số nguyên nhân vật lý phổ biến nhất của rối loạn cương dương bao gồm:

  • Bệnh tim và xơ vữa động mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Béo phì và hội chứng chuyển hóa
  • Bệnh parkinson
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Rối loạn nội tiết tố, bao gồm các tình trạng tuyến giáp và suy giảm testosterone
  • Rối loạn cấu trúc hoặc giải phẫu của dương vật, chẳng hạn như bệnh peyronie (dương vật cong)
  • Người hút thuốc, rối loạn sử dụng rượu và lạm dụng chất kích thích.
  • Điều trị các bệnh tuyến tiền liệt
  • Biến chứng do phẫu thuật ở vùng chậu
  • Chấn thương ở vùng chậu hoặc tủy sống
  • Xạ trị vùng xương chậu

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về lưu lượng máu, gây ra tình trạng chít hẹp hoặc tắc nghẽn các động mạch ở dương vật, ngăn cản lưu lượng máu cần thiết để tạo ra sự cương cứng.

Nhiều loại thuốc kê đơn cũng có thể gây rối loạn cương dương. Vì vậy, người dùng thuốc theo toa nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi ngừng hoặc thay đổi thuốc. Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thuốc kiểm soát huyết áp cao
  • Thuốc tim mạch
  • Thuốc chống trầm cảm, bao gồm chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc giảm đau opioid.
  • Một số loại thuốc điều trị ung thư, bao gồm cả các tác nhân hóa trị liệu
  • Thuốc kháng cholinergic
  • Thuốc kích thích tố

Nguyên nhân thực thể chiếm 90% các trường hợp rối loạn cương dương.

Nguyên nhân tâm lý

Các yếu tố tâm lý có thể gây ra hoặc góp phần gây nên tình trạng rối loạn cương dương, với các yếu tố khác nhau, từ các bệnh sức khỏe tâm thần có thể điều trị được đến các trạng thái cảm xúc hàng ngày mà hầu hết mọi người đều trải qua vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, các nguyên nhân này thường ít gặp.

Các yếu tố tâm lý có thể bao gồm:

  • Sợ sự thân mật
  • Phiền muộn
  • Lo lắng

Một người cũng có thể không thể cương cứng hoàn toàn do lo lắng về hoạt động tình dục cụ thể, một yếu tố tâm lý phổ biến ở những người bị rối loạn cương dương. Theo một đánh giá, việc lo lắng về khả năng tình dục ảnh hưởng đến 9-25% nam giới.

 

Đi xe đạp có gây rối loạn cương dương không?

Vẫn còn nhiều câu hỏi về ảnh hưởng của việc đi xe đạp đối với sức khỏe của nam giới.

  • Một số nghiên cứu đã làm dấy lên lo ngại rằng những người đàn ông thường xuyên đạp xe trong nhiều giờ có thể có nguy cơ mắc rối loạn cương dương cao hơn, ngoài các vấn đề sức khỏe khác của nam giới như vô sinh và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Một nghiên cứu năm 2014 không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc đi xe đạp và rối loạn cương dương, nhưng cho thấy mối liên hệ giữa thời gian đạp xe và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
  • Tuy nhiên, một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2020 không tìm thấy mối tương quan giữa đạp xe và rối loạn cương dương hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Do đó, mối liên quan giữa đi xe đạp và ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn gây tranh cãi, vì vậy sẽ cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra công bố cuối cùng.

 

Bệnh tuyến tiền liệt và rối loạn cương dương

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu không gây ra rối loạn cương dương, mà tình trạng này chỉ xuất hiện khi ung thư tuyến tiền liệt tiến triển ở các giai đoạn muộn hơn.

Phẫu thuật tuyến tiền liệt để loại bỏ khối u và xạ trị để điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể gây ra rối loạn cương dương.

Một số loại thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến rối loạn cương dương. Ví dụ: các liệu pháp hormone có thể làm giảm ham muốn tình dục của một người và hệ quả dẫn đến rối loạn cương dương. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc Finasteride có thể gây rối loạn chức năng tình dục ở nam giới.

Điều trị

Điều đáng mừng là có nhiều phương pháp điều trị rối loạn cương dương và hầu hết mọi người sẽ tìm ra giải pháp phù hợp.

Thuốc điều trị

Người  bị rối loạn cương dương có thể dùng một nhóm thuốc được gọi là chất ức chế PDE-5 (phosphodiesterase-5).

Hầu hết những viên thuốc này được uống trước khi quan hệ từ 30 đến 60 phút, được biết đến nhiều nhất là viên sildenafil (Viagra) màu xanh lam. Các tùy chọn điều trị khác là:

  • Vardenafil (Levitra)
  • Tadalafil (uống theo yêu cầu, hoặc dưới dạng viên uống một lần mỗi ngày có tên là Cialis)
  • Avanafil (Stendra)

Thuốc ức chế PDE-5 chỉ nên được sử dụng theo đơn. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng về tim mạch và tìm hiểu về các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang sử dụng trước khi kê đơn loại thuốc này.

Các tác dụng phụ liên quan đến chất ức chế PDE-5 bao gồm:

  • Đỏ bừng mặt
  • Thay đổi về thị giác
  • Mất thính lực
  • Khó tiêu
  • Đau đầu

Một số loại thuốc khác bao gồm prostaglandin E1, được sử dụng tại chỗ bằng cách tiêm vào dương vật hoặc đưa xuống lỗ niệu đạo.

Thiết bị chân không

Thiết bị giúp cương cứng chân không là một cách cơ học để tạo ra sự cương cứng cho những người không muốn sử dụng phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc nhận thấy thuốc không mang lại hiệu quả.

Bằng cách sử dụng một máy hút chân không để giữ lượng lớn máu tại dương vật, sau đó, sử dụng một dải băng nhằm ngăn lượng máu này thoát ra khỏi dương vật có thể giúp dương vật cương cứng trong thời gian quan hệ.

Tuy nhiên, các thiết bị chân không cũng có thể dễ bị lỗi cơ học ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng.

Phương pháp điều trị phẫu thuật

Có một số lựa chọn điều trị phẫu thuật mà bệnh nhân có thể lựa chọn, bao gồm cả cấy ghép dương vật. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ chèn một thiết bị có thể uốn dẻo hoặc bơm hơi vào dương vật. Phẫu thuật này có thể giúp bệnh nhân tiếp cận và duy trì cương cứng nếu các phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

Trong một số rất hiếm trường hợp, bệnh nhân có thể trải qua phẫu thuật mạch máu để điều trị rối loạn cương dương.

Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ đề nghị phẫu thuật chỉ sau khi các phương pháp điều trị khác tỏ ra không hiệu quả.

 

Thực phẩm chức năng và các phương pháp điều trị thay thế có hiệu quả không?

Hiện không có hướng dẫn nào được các chuyên gia y tế chấp thuận, cũng như chưa có bất kỳ nguồn bằng chứng xác thực nào cho thấy việc sử dụng các chất bổ sung mang lại hiệu quả. Thậm chí, một số chất bổ sung và phương pháp điều trị thay thế có thể có hại cho một số trường hợp.

Triệu chứng

Nếu như không đạt đủ sự cương cứng xảy ra với tần suất thấp thì điều này không phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu liên tục xảy ra tình trạng này, thì người đó có thể bị rối loạn cương dương.

Hiện chưa có khoảng thời gian xác định để đánh giá một người mắc chứng rối loạn cương dương. Vì vậy, một số chuyên gia thường cho cột mốc là 6 tháng để chấn đoán tình trạng này.

Rối loạn cương dương không chỉ đề cập đến việc hoàn toàn không có khả năng đạt được dương vật cương cứng mà còn dùng diễn tả các diễn tiến về thể chất, tinh thần để duy trì sự cương cứng đủ lâu để hoàn thành giao hợp hoặc không thể xuất tinh. Một người thường có các triệu chứng về cảm xúc, chẳng hạn như bối rối, xấu hổ, lo lắng và giảm hứng thú với quan hệ tình dục cũng được liệt kê vào các triệu chứng của rối loạn cương dương.

Các bài tập

Nghiên cứu cho thấy rằng tăng cường sức mạnh các nhóm cơ sàn chậu thông qua tập thể dục có thể là một phương pháp điều trị có lợi cho những người bị rối loạn cương dương.

Tập thể dục nhịp điệu, chẳng hạn như chạy bộ hoặc thậm chí đi bộ nhanh, cũng có thể giúp máu lưu thông tốt hơn và có thể giúp cải thiện rối loạn cương dương ở nam giới có vấn đề về tuần hoàn.

Kiểm tra

Bác sĩ có thể hỏi thăm về các triệu chứng lâm sàng, đồng thời tiến hành một số xét nghiệm.

Các xét nghiệm như vậy có thể kiểm tra các vấn đề về tim, tiểu đường và nồng độ testosterone thấp và các chỉ số khác. Ngoài ra, việc thăm khám lâm sàng hay tìm hiểu các vấn đề tâm lý cũng là điều cần thiết.

 

Tóm tắt

Rối loạn cương dương là tình trạng khi một người thường xuyên không thể đạt được trạng thái cương cứng hoàn toàn. Rối loạn cương dương có thể gây ra do các yếu tố thể chất như mức cholesterol cao hoặc do các lý do tâm lý như lo lắng về khả năng tình dục.

Bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp điều trị rối loạn cương dương bao gồm sử dụng thuốc theo toa. Một số ít trường hợp sẽ cần can thiệp phẫu thuật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top