✴️ Phân loại nhóm máu

Nhóm máu là cách phân loại máu dựa trên các kháng nguyên ở hồng cầu. Kháng nguyên là các thụ thể có thể kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch. Nhóm máu được chia thành 8 nhóm phổ biến nhưng loài người có tổng cộng 36 nhóm máu.

Truyền máu là một thủ thuật giúp phục hồi lượng máu trong cơ thể. Điều quan trọng của thủ thuật này là người nhận phải được truyền đúng nhóm máu chính xác, nếu không hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, gây ra các vấn đề sức khỏe và biến chứng sau đó.

1. Định nghĩa:

Chúng ta có thể phân loại nhóm máu dựa trên hệ thống ABO hoặc Rhesus (Rh). Hai hệ thống nhóm máu này phân loại nhóm máu dựa theo các kháng nguyên có trên tế bào hồng cầu.

Hệ thống ABO chia thành các nhóm máu:

  • Nhóm máu A có kháng nguyên A trên hồng cầu.
  • Nhóm máu B có B kháng nguyên.
  • Nhóm máu O không có kháng nguyên A và B.
  • Nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B.

Hệ thống Rh: các tế bào hồng cầu có thể có một kháng nguyên khác gọi là kháng nguyên Rh trên bề mặt của chúng, nếu có thì nhóm máu Rh dương tính, nhưng nếu không có thì nhóm máu Rh âm tính.

Dựa trên đặc điểm của hai hệ thống nhóm máu trên, nhóm máu loài người chia làm 8 nhóm phổ biến:

  • O - dương
  • O – âm
  • A - dương
  • A  – âm
  • B - dương
  • B – âm
  • AB - dương
  • AB  – âm

Các gen của con người được thừa hưởng từ cha mẹ, chúng nhận diện các kháng nguyên và protein trong máu của họ. Vì yếu tố di truyền này, khi một người cần truyền máu, đặc biệt là những người có nhóm máu hiếm, cách tốt nhất là lấy máu từ những người cùng chủng tộc hoặc sắc tộc với người đó.

Đối với các đặc điểm di truyền, chẳng hạn như nhóm máu, có xu hướng theo mỗi nhóm sắc tộc. Để tăng khả năng có nhóm máu phù hợp với người cần máu, các chuyên gia đề nghị nên kết hợp đánh giá sắc tộc giữa người nhận và người hiến máu, đặc biệt đối với các nhóm máu hiếm. Vì lý do này, một số cơ sở hiến máu thu thập thông tin sắc tộc của những người hiến máu.

Đối với một số bệnh, chẳng hạn như bệnh thalassemia và bệnh hồng cầu hình liềm, sự phù hợp này thậm chí còn quan trọng hơn vì những bệnh lý này phổ biến hơn trong một số nhóm dân tộc nhất định và họ có thể cần truyền máu thường xuyên.

Ví dụ: chỉ có 2% người hiến tặng có nhóm máu hiếm mà các bác sĩ thường sử dụng để điều trị bệnh hồng cầu hình liềm, nhưng nhu cầu về loại máu này đang tăng 10-15% mỗi năm. Sự hiếm hoi và nhu cầu về loại máu này nhấn mạnh tầm quan trọng của những người hiến máu.

Định nghĩa

 

2. Nhóm máu phổ biến theo sắc tộc

Tại Mỹ, 38% dân số có nhóm máu O – Rh dương và nó cũng là nhóm máu phổ biến nhất. Theo thống kê của Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ cho biết:

  • Người Mỹ gốc Phi: 47% nhóm máu O dương, 24% nhóm máu A dương, 18% nhóm máu B dương
  • Người Mỹ Latin: 53% nhóm máu O dương, 29% nhóm máu A dương, 9% nhóm máu B dương
  • Người châu Á: 39% nhóm máu O dương, 27% nhóm máu A dương, 25% nhóm máu B dương
  • Người da trắng: 37% nhóm máu O dương, 33% nhóm máu A dương, 9% nhóm máu B dương

 

3. Nhóm máu hiếm theo sắc tộc

Nhóm máu ít phổ biển nhất tại Mỹ là nhóm máu AB, chiếm dưới 1% dân số. Theo thống kê của Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ cho biết các nhóm máu hiếm nhất:

  • Người Mỹ gốc Phi: 0.3% nhóm máu AB âm, 1% nhóm máu B âm, 2% nhóm máu A âm
  • Người Mỹ Latin: 0.2% nhóm máu AB âm, 1% nhóm máu B âm, 2% nhóm máu A âm và AB dương
  • Người châu Á: 0.1% nhóm máu AB âm, 0.4% nhóm máu B âm, 0.5% nhóm máu A âm
  • Người da trắng: 1% nhóm máu AB âm, 2% nhóm máu B âm, 3% nhóm máu AB dương

Các kháng nguyên A và B chỉ đại diện cho hai trong số khoảng 600 loại kháng nguyên khác đã biết có thể phân biệt các nhóm máu. Điều quan trọng là phải phân biệt giữa loại máu hiếm nhất trong tám nhóm máu phổ biến nhất và loại máu cực kỳ hiếm gặp.

Việc có một kháng nguyên mà hầu hết mọi người không có hoặc thiếu một kháng nguyên mà hầu hết mọi người đều có, có nghĩa là cá nhân đó có nhóm máu hiếm. Theo Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nếu chỉ có 1 người trong số 500 người bị thiếu kháng nguyên thì họ có nhóm máu hiếm. Nếu chỉ có 1 trong 1000 người thiếu nó thì nhóm máu của cá nhân này là rất hiếm.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã xác định được 36 hệ thống nhóm máu khác nhau, một số trong đó có thể gây ra các vấn đề khi truyền máu.

Một số nhóm máu hiếm và hệ thống nhóm máu này đặc biệt phổ biến hơn ở một số nhóm sắc tộc nhất định. Theo dữ liệu của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho biết các nhóm máu hiếm và nhóm sắc tộc mà nó phổ biến nhất:

  • Người Mỹ gốc Phi: Nhóm máu U âm tính và Duffy âm tính
  • Người Mỹ bản địa và Alaska bản địa: RzRz, còn được gọi là Rhnull hoặc "máu vàng"
  • Người đảo Thái Bình Dương và Châu Á: Nhóm máu JKnull
  • Tây Ban Nha: Diego nhóm máu B âm tính
  • Đông Âu và Nga: Nhóm máu Drori A âm tính
  • Da trắng: Kell B âm tính và Vel âm tính

Một số nhóm máu này cực kỳ hiếm. Ví dụ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng chỉ 1 trong 6 triệu người có nhóm máu RzRz.

 

4. Tổng kết

Nhóm máu được phân loại dựa trên các kháng nguyên và protein khác nhau có trên các tế bào hồng cầu. Để đảm bảo việc truyền máu cải thiện sức khỏe thay vì gây hại cho người bệnh, phải có sự tương thích giữa nhóm máu của người cho và nhóm máu của người nhận.

Vì đặc điểm di truyền của một cá nhân ảnh hưởng đến nhóm máu của họ nên việc xem xét nhóm máu phổ biến nhất theo chủng tộc hoặc sắc tộc có thể giúp nhân viên y tế tìm kiếm và sử dụng hiệu quả máu và các chế phẩm máu phù hợp nhất với nhu cầu truyền máu của người bệnh.

Xem thêm: Xét nghiệm định nhóm máu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top