✴️ Phù bạch huyết là gì?

Phù bạch huyết là gì?

Hệ thống bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch và rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch. Bạch huyết lưu thông trong hệ thống bạch huyết, khi dòng chảy này bị tắc nghẽn sẽ gây ra tình trạng phù bạch huyết.
Phù bạch huyết thường ảnh hưởng đến một bên cánh tay hoặc chân. Trong một số trường hợp, cả hai cánh tay hoặc cả hai chân có thể bị ảnh hưởng. Một số bệnh nhân có thể bị sưng phù ở đầu, bộ phận sinh dục hoặc ngực.
Không có phương pháp điều trị dứt điểm phù bạch nhưng có thể kiểm soát tình trạng này bằng một số biện pháp.

Điều trị phù bạch huyết

Bệnh phù bạch huyết không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, điều trị có thể giúp giảm sưng và đau.

Liệu pháp lưu thông phức hợp (CDT):

Thường bắt đầu với giai đoạn trị liệu chuyên sâu, trong đó bệnh nhân được điều trị và tập luyện hàng ngày. Tiếp theo là giai đoạn duy trì khi bệnh nhân được khuyến khích tự chăm sóc bằng các kỹ thuật đã được hướng dẫn. Bốn thành phần của liệu pháp lưu thông phức hợp là:

Bài tập khắc phục: Là những bài tập nhẹ nhằm kích thích sự di chuyển của dịch bạch huyết ra khỏi chi.

Chăm sóc da: Chăm sóc da tốt làm giảm nguy cơ nhiễm trùng da.

Mát-xa dẫn lưu hệ bạch huyết (MLD): Sử dụng các kỹ thuật xoa bóp đặc biệt để di chuyển chất lỏng vào các hạch bạch huyết đang hoạt động.

Băng bó phù bạch huyết (MLLB): Được quấn trên các cơ xung quanh các mạch bạch huyết và các hạch để giúp chất lỏng di chuyển qua hệ thống bạch huyết.

Phẫu thuật trước đây thường không có kết quả khả quan so với các liệu pháp không phẫu thuật cho bệnh phù bạch huyết. Tuy nhiên, một kỹ thuật phẫu thuật mới sử dụng phương pháp hút mỡ đã tỏ ra hiệu quả hơn giúp loại bỏ bớt lượng mỡ ở giúp giảm tình trạng sưng phù ở chi bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân nào gây phù bạch huyết

Phù bạch huyết nguyên phát có thể do đột biến ở một số gen liên quan đến sự phát triển của hệ bạch huyết gây cản trở sự phát triển của hệ bạch huyết và làm suy yếu khả năng thoát dịch đúng cách. Phù bạch huyết thứ phát có một số nguyên nhân có thể xảy ra bao gồm:

Phẫu thuật ung thư: Ung thư có thể lây lan trong cơ thể qua hệ thống bạch huyết. Vì vậy, đôi khi bác sĩ phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết để ngăn chặn sự lây lan gây ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết có thể và dẫn đến phù bạch huyết.

Xạ trị: Việc sử dụng bức xạ để phá hủy mô ung thư đôi khi có thể làm tổn thương mô lân cận trong đó có hệ thống bạch huyết dẫn đến phù bạch huyết.

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng gây viêm mô tế bào nghiêm trọng có thể làm tổn thương mô xung quanh các hạch bạch huyết hoặc mạch bạch huyết dẫn đến sẹo, làm tăng nguy cơ phù bạch huyết. Một số bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng cũng có thể làm tăng nguy cơ phù bạch huyết.

Tình trạng viêm: Các tình trạng khiến mô bị viêm có thể làm tổn thương vĩnh viễn hệ bạch huyết, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh chàm.

Các bệnh tim mạch: Đây là những bệnh ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Một số bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nguy cơ cao bị phù bạch huyết, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), ứ máu tĩnh mạch chân và giãn tĩnh mạch.

Chấn thương: Hiếm khi bỏng da nghiêm trọng hoặc bất cứ điều gì dẫn đến sẹo quá mức có thể gây phù bạch huyết.

Các triệu chứng của phù bạch huyết

Phù bạch huyết ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống bạch huyết bao gồm:

Thoát chất lỏng dư thừa trong mô: Giúp cân bằng chất lỏng trong máu và chất lỏng trong các mô.

Chống nhiễm trùng: Cung cấp khả năng miễn dịch bằng cách hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các vật thể lạ.

Hấp thụ chất béo: Hấp thụ các chất dinh dưỡng lipid từ ruột và vận chuyển đến máu.

Phân loại phù bạch huyết

Có hai loại phù bạch huyết chính:

Phù bạch huyết nguyên phát: thường được gọi là phù bạch huyết bẩm sinh biểu hiện rõ khi mới sinh hoặc ngay sau tuổi dậy thì. Loại phù bạch huyết này rất hiếm, ảnh hưởng đến khoảng 1 trong mỗi 6.000 người.

Phù bạch huyết thứ phát: xảy ra do một nguyên nhân nào đó khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, chấn thương, hoặc ung thư ảnh hưởng đến hệ bạch huyết.

Phù bạch huyết có thể là một tác dụng phụ của điều trị ung thư như xạ trị hoặc cắt bỏ một số hạch bạch huyết, có thể làm tổn thương hệ thống bạch huyết. Loại phù bạch huyết này phổ biến hơn. Các triệu chứng phù bạch huyết bao gồm:

  • Sưng phù một phần hoặc toàn bộ chân hoặc cánh tay, bao gồm cả ngón tay hoặc ngón chân;
  • Khó khăn trong việc đeo đồ trang sức hoặc đồng hồ hoặc mặc quần áo hoặc giày dép;
  • Sưng phù ở đầu hoặc cổ;
  • Cảm giác nặng nề hoặc căng tức ở tay hoặc chân;
  • Phạm vi chuyển động của chi bị hạn chế;
  • Khó chịu hoặc đau nhức ở chi bị ảnh hưởng;
  • Cảm giác ngứa ran, châm chích ở chi bị ảnh hưởng;
  • Nhiễm trùng da tái phát;
  • Dày và cứng da;
  • Mụn nước hoặc mụn cóc mọc trên da;
  • Mệt mỏi trầm trọng.

Kiểm tra và chẩn đoán phù bạch huyết

Bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây phù như huyết khối hoặc nhiễm trùng không liên quan đến các hạch bạch huyết. Ví dụ, nếu bệnh nhân có nguy cơ bị phù bạch huyết nếu gần đây đã phẫu thuật hoặc điều trị ung thư có liên quan đến các hạch bạch huyết.

Nếu không có nguyên nhân rõ ràng gây ra phù bạch huyết, một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định để giúp có cái nhìn tổng thể hơn về hệ thống bạch huyết:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Siêu âm Doppler.
  • Kỹ thuật hạt nhân phóng xạ hình ảnh của hệ bạch huyết (Lymphoscintigraphy) cũng có thể được sử dụng để xác định các bất thường của hệ bạch huyết.

Bài tập dành cho người bị phù bạch huyết

Những người bị phù bạch huyết được khuyến khích thực hiện một lối sống lành mạnh, bao gồm di chuyển và tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia để việc tập thể dục an toàn và hiệu quả.

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ có nguy cơ bị phù bạch huyết sau khi phẫu thuật ung thư vú sẽ không có nhiều nguy cơ bị phù bạch huyết ở cánh tay nếu họ thực hiện các bài tập nâng tạ nhẹ nhàng. Các loại bài tập có thể có lợi là:

  • Bài tập tăng cường tính linh hoạt;
  • Tập kéo giãn;
  • Xây dựng sức mạnh cơ bắp.

Một số phương pháp cũng được khuyến khích là tập thể dục nhịp điệu tập trung vào phần trên cơ thể, giảm cân và khuyến khích hít thở sâu.

Nếu có bất kỳ thay đổi về cảm giác, hình dạng, kết cấu ở chi nên được theo dõi. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy mức độ tập thể dục hiện tại quá nhiều.

Các chuyên gia cho rằng các cơ hoạt động như một máy bơm trong quá trình tập thể dục giúp bơm bạch huyết đến những khu vực cần thiết. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng về chức năng này một cách rõ ràng. Phụ nữ đã trải qua phẫu thuật ung thư vú nên liên hệ các chuyên gia để có hướng dẫn thực hiện các bài tập một cách chính xác.

bài tập cho người bị phù bạch huyết

Các biến chứng

Các đợt tái phát hoặc phù bạch huyết không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng khác như:

Nhiễm trùng da: Các đợt viêm mô tế bào lặp đi lặp lại thường gặp kèm theo phù bạch huyết. Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở các lớp da sâu hơn và các lớp mỡ và mô mềm dưới da.

Viêm hạch bạch huyết: Tình trạng viêm các mạch bạch huyết có thể phát triển và khi bị nhiễm trùng, bệnh này thường do nhiễm vi khuẩn Streptococcus. Nếu không được điều trị, nó có thể lây lan sang da và các mô mềm lân cận, gây viêm mô tế bào hoặc vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.

Ảnh hưởng tâm lý: Phù bạch huyết có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, tác động đến tâm lý, đặc biệt là ở những người đã và đang sống chung với bệnh ung thư. Phù bạch huyết làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.

Phòng ngừa phù hạch bạch huyết

Chi bị ảnh hưởng dễ bị nhiễm trùng da hơn vì nguồn cung cấp tế bào lympho giúp chống nhiễm trùng bị giảm. Một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa tình trạng này bao gồm:

  • Sau khi điều trị ung thư, tránh hoạt động nặng với chi bị tổn thương, nghỉ ngơi trong thời gian phục hồi;
  • Tránh tắm nắng, phòng xông hơi ướt và phòng xông hơi khô;
  • Không tắm nước quá nóng hoặc tắm vòi hoa sen;
  • Không mặc quần áo bó sát;
  • Không đeo trang sức quá sát;
  • Tránh đi chân đất, mang dép đúng cỡ;
  • Theo dõi những thay đổi hoặc vết rạn trên da;
  • Dưỡng ẩm cho da hằng ngày;
  • Sử dụng bột chống nấm da chân;
  • Sử dụng găng tay khi làm vườn;
  • Giữ móng tay ngắn;
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng;
  • Sử dụng kem chống nắng có hệ số chống nắng cao;
  • Khi bị đứt tay cần điều trị ngay bằng kem sát trùng và giữ cho khu vực sạch sẽ.
  • Nâng chi bị ảnh hưởng lên trên mức của tim bất cứ khi nào có thể.
  • Tránh kiểm tra huyết áp, lấy máu hoặc tiêm vào chi bị ảnh hưởng;
  • Chế độ ăn uống điều độ, kiểm soát trọng lượng cơ thể và tình trạng béo phì.

Bệnh nhân càng nặng thì sức căng ở các vùng sưng tấy càng cao. Chế độ ăn uống lành mạnh và trọng lượng cơ thể lý tưởng, có thể giúp giảm bớt các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh phù bạch huyết.

Tổng kết

Phù bạch huyết là tình trạng tiến triển và không có cách chữa trị. Tiên lượng sẽ phụ thuộc tương đối vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Thực hiện một lối sống lành mạnh, bao gồm một chế độ ăn uống cân bằng và vận động hoặc tập thể dục có thể giúp giảm sự tích tụ dịch và kích thích dòng chảy của bạch huyết. Tham khảo bác sĩ để có những lời khuyên đúng đắn nhất.

Xem thêm: Những điều bạn cần biết về sự phù nề

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top