✴️ Những điều bạn cần biết về sự phù nề

Nội dung

Vậy phù nề là gì?

Phù nề được xem là hiện tượng sưng bọng ở các vùng khác nhau trên cơ thể thường xuất hiện nhất ở da, đặc biệt là trên bàn tay, tay, mắt cá chân, chân và bàn chân. Tuy nhiên, phù nề cũng có thể ảnh hưởng đến cơ, ruột, phổi, mắt và não.

Các triệu chứng

Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, nhưng biểu hiện phổ biến là sưng tấy, cảm giác bị bó chặt và đau. Một người bị phù nề có thể nhận thấy:

  • Da sưng tấy, bị kéo căng và trở nên bóng;
  • Da vẫn còn lõm như đồng tiền sau khi được ấn trong vài giây và thả ra;
  • Sưng bọng ở mắt cá chân, mặt hoặc mắt
  • Đau nhức cơ thể và cứng khớp;
  • Tăng hoặc sụt cân;
  • Các tĩnh mạch ở tay và cổ nổi gồ lên;
  • Tần số mạch và huyết áp cao hơn;
  • Đau đầu;
  • Đau bụng;
  • Thay đổi thói quen đi tiêu;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Lờ đờ, ngủ lịm;
  • Bất thường thị giác.

Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, loại và vị trí phù.

 

Điều trị

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra phù nề. Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa bằng cách tăng tốc độ hình thành nước tiểu của thận. Các loại phù nề khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau.

Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cụ thể cho phù hoàng điểm, phù phổi và các loại phù khác.

Các biện pháp thay thế

Một số kỹ thuật tự chăm sóc có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm sự phù nề.

Chúng bao gồm:

  • Giảm lượng muối ăn hằng ngày;
  • Duy trì cân nặng phù hợp;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Nâng cao chân khi có thể để cải thiện sự lưu thông máu;
  • Mang vớ y khoa;
  • Không ngồi hoặc đứng yên quá lâu;
  • Đi lại thường xuyên;
  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, chẳng hạn như khi tắm bồn, tắm với vòi hoa sen hoặc tiếp xúc với nước nóng;
  • Mặc ấm trong thời tiết lạnh.

Chuyên gia về xoa bóp hoặc vật lý trị liệu có thể giúp đưa dịch viêm bằng cách vuốt một cách chắc chắn về hướng tim.

Liệu pháp oxy có thể được sử dụng để điều trị một số loại phù nề. Một người bị phù phổi do tim có thể cần cung cấp oxy nếu họ gặp khó khăn trong việc lấy oxy thông qua tự hít thở.

Liệu pháp oxy thông qua mũi có thể giúp cải thiện thị lực gây ra bởi phù hoàng điểm do bệnh đái tháo đường.

Liệu pháp oxy cao áp (HBOT) đã được phát hiện làm tăng nguy cơ phù phổi.

Phân loại

Có nhiều loại phù. Mỗi loại có thể chỉ ra một loạt các tình trạng sức khỏe khác nhau. Sau đây là một số loại phù.

Phù ngoại vi: điều này ảnh hưởng đến mắt cá chân, chân, bàn tay và cánh tay. Các dấu hiệu bao gồm sưng, căng bọng và khó cử động một phần cơ thể.

Phù phổi: dịch tích tụ lại trong phổi gây ra khó thở. Nguyên nhân có thể là do suy tim sung huyết hoặc tổn thương phổi cấp tính. Đây là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Phù não: Có thể xảy ra vì nhiều lý do, trong đó có nhiều nguyên nhân có thể đe dọa tính mạng. Các triệu chứng bao gồm nhức đầu, đau hoặc cứng cổ, mất thị lực toàn bộ hoặc một phần, thay đổi ý thức hoặc trạng thái tâm thần, buồn nôn, nôn và chóng mặt.

Phù hoàng điểm: Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý võng mạc do đái tháo đường. Sự sưng tấy xảy ra ở điểm vàng, phần mắt đóng vai trò trung tâm của tầm nhìn, cho phép nhìn chi tiết. Người đó có thể nhận thấy những thay đổi đối với thị giác trung tâm và cách họ nhìn thấy màu sắc.

Phù có thể xảy ra ở các vị trí khác, nhưng những vị trí nêu trên là phổ biến nhất. Nó có thể gợi ý đến một trong số nhiều vấn đề sức khỏe đáng lưu ý. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để được kiểm tra nếu bạn lo lắng về bất kỳ loại sưng tấy nào.

Nguyên nhân

Phù có thể là kết quả do các vấn đề về tuần hoàn, nhiễm trùng, hoại tử mô, suy dinh dưỡng, bệnh thận, quá tải chất lỏng trong cơ thể và các vấn đề về điện giải.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra phù, bao gồm:

Suy tim

Nếu một hoặc cả hai buồng dưới của tim không thể bơm máu đúng cách, máu có thể tích tụ ở các chi, gây phù nề.

Bệnh lý thận hoặc tổn thương thận

Một người bị rối loạn chức năng thận có thể không đào thải đủ lượng nước và natri ra khỏi máu. Điều này tạo áp lực lên các mạch máu khiến một lượng dịch bị thoát ra ngoài. Sưng tấy có thể xảy ra xung quanh vùng chân và mắt.

Sự tổn thương tại các cầu thận, các mao mạch trong thận- dùng để lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu, có thể dẫn đến hội chứng thận hư. Một triệu chứng của điều này là lượng protein albumin trong máu thấp. Điều này có thể dẫn đến phù nề.

Bệnh lý gan

Xơ gan ảnh hưởng đến chức năng gan. Nó có thể dẫn đến những thay đổi trong việc bài tiết hormone và các chất hóa học điều tiết dịch và giảm sản xuất protein. Điều này làm cho dịch thoát ra khỏi lòng mạch máu đi vào các mô xung quanh.

Xơ gan cũng làm tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa- tĩnh mạch lớn dẫn máu từ ruột, lá lách và tuyến tụy vào gan. Phù có thể xảy ra ở chân và khoang bụng.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ như:

  • Thuốc giãn mạch hoặc thuốc làm nở các mạch máu;
  • Thuốc chẹn kênh canxi;
  • Thuốc kháng viêm không steroid (nsaids);
  • Thuốc nội tiết tố estrogen;
  • Một số loại thuốc hóa trị;
  • Một số loại thuốc đái tháo đường, chẳng hạn như thiazolidinediones (tzds).

Thai kỳ

Khi mang thai, cơ thể tiết ra các hormone giữ nước, và cơ thể thai phụ thường giữ lại nhiều natri và nước hơn bình thường. Mặt, bàn tay, chi dưới và bàn chân có thể sưng lên.

Khi người phụ nữ nghỉ ngơi với tư thế nằm ngửa trong thời kì mang thai, tử cung to có thể đè lên một tĩnh mạch được gọi là tĩnh mạch chủ dưới. Điều này có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch đùi, dẫn đến phù nề.

Khi mang thai, dễ dàng hình thành cục máu đông hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), một nguyên nhân khác gây phù nề.

Sản giật, là hậu quả của tăng huyết áp khi mang thai, hoặc huyết áp cao, cũng có thể gây ra phù nề.

Về chế độ ăn uống

Một số yếu tố chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ phù nề, chẳng hạn như:

  • Ăn quá nhiều muối ở những người có cơ địa dễ bị phù nề;
  • Suy dinh dưỡng gây ra phù do lượng protein trong máu thấp;
  • Chế độ ăn thiếu hụt vitamin B1, B6 và B5.

Bệnh đái tháo đường

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm:

  • Bệnh lý tim mạch;
  • Tổn thương thận cấp tính;
  • Tổn thương gan cấp tính;
  • Bệnh mất protein qua đường ruột.

Những biến chứng này và một số loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến phù nề.

Phù hoàng điểm do đái tháo đường là tình trạng sưng võng mạc ở bệnh đái tháo đường.

Các trường hợp ảnh hưởng đến não

Một số nguyên nhân gây phù não bao gồm:

Chấn thương đầu: Một cú đánh vào đầu có thể dẫn đến tích tụ dịch trong não.

Đột quỵ: Đột quỵ não lớn có thể dẫn đến phù não.

Khối u não: Một khối u ở não sẽ tích lũy nước xung quanh, đặc biệt là khi nó đang tăng sinh các mạch máu mới.

Dị ứng

Một số loại thực phẩm và vết cắn của côn trùng có thể gây phù mặt hoặc da ở những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với chúng. Sưng tấy mức độ nặng có thể là dấu hiệu của sốc phản vệ. Sưng tấy ở cổ họng có thể làm tắc nghẽn đường thở và khiến họ không thể thở được. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế.

Các vấn đề ở chi

Huyết khối: Bất kỳ sự tắc nghẽn nào, chẳng hạn như sự hiện diện cục máu đông trong tĩnh mạch, có thể ngăn dòng chảy của máu. Khi áp lực trong tĩnh mạch tăng lên, dịch bắt đầu thoát vào mô xung quanh, gây ra phù nề.

Giãn tĩnh mạch: Thường xảy ra do van tĩnh mạch suy giảm chức năng. Áp lực tăng lên trong các tĩnh mạch, và khiến chúng bắt đầu phình ra. Áp lực cũng làm tăng nguy cơ thẩm thấu dịch vào các mô xung quanh.

U nang, khối tăng sinh hoặc khối u: Bất kỳ khối bướu nào cũng có thể gây phù nề nếu nó đè lên ống bạch huyết hoặc tĩnh mạch. Khi áp lực tăng lên, chất lỏng có thể rò rỉ vào mô xung quanh.

Phù bạch huyết: Hệ thống bạch huyết giúp loại bỏ dịch dư thừa khỏi các mô. Bất kỳ tổn thương nào đối với hệ thống này, chẳng hạn như phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc khối u, có thể dẫn đến phù nề.

Các nguyên nhân khác

Bất động lâu: những người bất động trong thời gian dài có thể bị phù nề trên da. Điều này có thể là do chất lỏng tích tụ trong các khu vực phụ thuộc vào trọng lực và sự giải phóng hormone chống bài niệu từ tuyến yên.

Độ cao so với mực nước biển: điều này càng làm tăng độ nguy cơ khi kết hợp với sự gắng sức. Say núi hay say độ cao cấp tính có thể dẫn đến phù phổi liên quan đến độ cao hoặc phù não liên quan đến độ cao.

Bỏng và cháy nắng: da phản ứng lại với vết bỏng bằng cách giữ lại chất lỏng. Chính điều này gây ra sưng tấy cục bộ.

Nhiễm trùng hoặc viêm: bất kỳ mô nào bị nhiễm trùng hoặc viêm đều có thể bị sưng tấy. Điều này thường dễ nhận thấy nhất ở da.

Kinh nguyệt và tiền kinh nguyệt: nồng độ hormone dao động quanh chu kỳ kinh nguyệt. Trong những ngày trước khi hành kinh, nồng độ progesterone thấp hơn và điều này có thể gây ra tình trạng giữ nước.

Thuốc tránh thai: bất kỳ loại thuốc nào có chứa estrogen đều có thể gây giữ nước. Không ít phụ nữ tăng cân khi mới bắt đầu sử dụng thuốc.

Thời kỳ mãn kinh: xung quanh thời kỳ mãn kinh, sự dao động hormone có thể gây ra tình trạng giữ nước. Liệu pháp thay thế hormone (HRT) cũng có thể là nguyên nhân gây phù.

Bệnh lý tuyến giáp: sự mất cân bằng nội tiết tố liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến phù nề.

Các biến chứng

Phù nề không được điều trị có thể dẫn đến:

  • Sưng đau, và cơn đau trở nên trầm trọng hơn;
  • Cứng khớp và đi lại khó khăn;
  • Da bị kéo căng và ngứa;
  • Nhiễm trùng ở khu vực sưng tấy;
  • Sẹo giữa các lớp mô;
  • Lưu thông máu kém;
  • Mất tính đàn hồi trong động mạch, tĩnh mạch và khớp;
  • Vết loét trên da.

Bất kỳ bệnh lý hoặc tình trạng tiềm ẩn nào cũng cần được điều trị, tránh để tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top