✴️ Sốt thấp khớp: Những điều bạn cần biết

Nội dung

Không phải tất cả những ai bị nhiễm liên cầu khuẩn cũng sẽ bị sốt thấp khớp (RF) nhưng nếu mắc sốt thấp khớp, triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 4 tuần sau khi bị nhiễm khuẩn.

Bệnh thường ảnh hưởng đến bé trai và bé gái lứa tuổi 5 đến 15, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn và trẻ lớn hơn. Các biến chứng thần kinh dường như thường gặp hơn ở nữ giới.

Sốt thấp khớp có thể để lại biến chứng về lâu dài, phổ biến nhất là bệnh thấp tim (RHD) chiếm 30-45% những người bị sốt thấp khớp. Trên toàn thế giới, bệnh thấp tim gây ra 230.000-500.000 ca tử vong mỗi năm.

Trước khi kháng sinh được sử dụng rộng rãi, sốt thấp khớp là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mắc phải ở các nước đang phát triển, nhưng hiện nay bệnh tương đối hiếm ở các nước này.

Triệu chứng

Sốt thấp khớp do phản ứng với vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn, do đó việc chẩn đoán và điều trị bệnh này có thể ngăn diễn tiến thành sốt thấp khớp. Những triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn gồm:

  • Đau họng;
  • Đau đầu;
  • Sưng, mềm hạch bạch huyết;
  • Khó nuốt;
  • Buồn nôn và nôn ói;
  • Da phát ban đỏ;
  • Sốt cao;
  • Sưng amidan;
  • Đau bụng.

Các dấu hiệu và triệu chứng sốt thấp khớp thường diễn ra 2-4 tuần sau khi nhiễm liên cầu khuẩn.

Một vài trường hợp sẽ chỉ gặp một hoặc hai trong số các triệu chứng sau, những số khác có thể có hầu hết triệu chứng như:

  • Mệt mỏi;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Giảm khả năng tập thể dục;
  • Đau và sưng khớp;
  • Sốt;
  • Phát ban;
  • Co giật và cử động không kiểm soát.

Viêm khớp, hay sưng đau ở khớp, ảnh hưởng đến 75% bệnh nhân. Bệnh thường khởi phát ở những khớp lớn, như đầu gối, mắt cá chân, cổ tay, khuỷu tay, trước khi ảnh hưởng tới những khớp khác. Tình trạng viêm này thường tự khỏi trong 4-6 tuần, không gây tổn thương vĩnh viễn.

Viêm tim có thể dẫn tới đau ngực, đánh trống ngực, cảm giác tim đập mạnh, thở gấp, khó thở và mệt mỏi.

Trung bình, khoảng 50% bệnh nhân bị viêm tim hay viêm van tim, một loại bệnh có khả năng gây tử vong cũng như gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài. Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ mắc bệnh.

Viêm dây thần kinh có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh co giật Syndenham như:

  • Đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và mắt cá co giật không kiểm soát;
  • Khóc hay cười không tự chủ;
  • Cáu gắt và ủ rũ;
  • Khó kiểm soát chuyển động tay;
  • Gặp vấn đề về cân bằng;

Các triệu chứng thường hết trong vài tháng nhưng có thể kéo dài tới 2 năm.

Các triệu chứng khác bao gồm da đỏ, phát ban, lấm tấm, gặp ở 1/10 trường hợp. Ít phổ biến hơn là chảy máu cam, đau bụng, nổi nốt hay u, và sốt cao trên 38oC.

Tình trạng viêm cũng có thể gây đau đầu, đổ mồ hôi, nôn mửa và sụt cân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây sốt thấp khớp là liên cầu khuẩn nhóm A (GAS), một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng như viêm họng liên cầu khuẩn có hay không có sốt tinh hồng nhiệt và nhiễm trùng da như bệnh chốc, và viêm mô tế bào.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chủng liên cầu khuẩn đều gây ra sốt thấp khớp, và không phải ai bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A cũng đều mắc sốt thấp khớp.

Yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ. Nguy cơ mắc sốt thấp khớp cao hơn nếu có một thành viên khác trong gia đình mắc bệnh.

Mối liên quan giữa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A và sốt thấp khớp vẫn chưa rõ, nhưng các nhà khoa học cho rằng vi khuẩn không phải nguyên nhân gây bệnh, mà là do lỗi phản ứng của hệ thống miễn dịch.

Liên cầu khuẩn có một loại protein tương tự loại được tìm thấy trong một số mô của cơ thể. Các tế bào của hệ thống miễn dịch thường nhắm đến vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công mô của chính cơ thể, như thể chúng là chất độc hoặc tác nhân lây nhiễm.

Khi bị sốt thấp khớp, các mô mà hệ miễn dịch tấn công là tim, khớp, hệ thần kinh trung ương và da. Các mô này phản ứng bằng cách bị viêm.

Nếu bạn bị nhiễm liên cầu khuẩn và được điều trị bằng kháng sinh hoàn toàn, khả năng bị sốt thấp khớp là rất thấp.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố môi trường, như mật độ đông đúc, điều kiện vệ sinh kém và ít được tiếp cận chăm sóc sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc sốt thấp khớp.

Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn hay sốt tinh hồng nhiệt không được điều trị hay điều trị nửa vời do không dùng kháng sinh đầy đủ làm tăng nguy cơ mắc sốt thấp khớp một cách đáng kể.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi những triệu chứng của bạn và tiền sử bệnh gần đây. Bác sĩ sẽ lưu ý đặc biệt đến những bệnh gần đây như:

  • Sưng, đau, và cứng khớp;
  • Cử động không tự chủ;
  • Da phát ban đỏ hay hồng;
  • Khối sưng hay u nhỏ dưới da, đặc biệt ở khuỷu tay, đầu gối, mắc cá chân và đốt ngón tay;
  • Nhịp tim bất thường.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán:

  • Điện tâm đồ: giúp phát hiện nhịp tim bất thường gợi ý sự viêm nhiễm;
  • Siêu âm tim: để tìm dấu hiệu viêm hoặc tổn thương van tim;
  • Xét nghiệm máu.

Các xét nghiệm bổ sung có thể phát hiện nhiễm trùng liên cầu khuẩn.

Biến chứng

Các triệu chứng của sốt thấp khớp, đặc biệt là tình trạng viêm, có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn, gây ra các biến chứng về lâu dài.

Bệnh thấp tim là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất.

Trên thế giới, bệnh thấp tim ảnh hưởng đến hơn 15 triệu người mỗi năm và gây ra hơn 230.000 ca tử vong.

Tình trạng viêm gây tổn thương tim, thường gặp nhất là van hai lá, van giữa các ngăn trên và dưới bên trái của tim. Điều này dẫn đến:

  • Hẹp van động mạch: Van bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu;
  • Hở van tim: dòng máu trong tim đi sai hướng do hở van;
  • Tổn thương cơ tim: Tình trạng viêm làm suy yếu cơ tim khiến tim không thể bơm máu như bình thường.

Các bệnh lý khác có thể xảy ra do sự tổn thương mô tim, van hai lá hay các van tim khác như:

  • Suy tim: Đây là tình trạng nghiêm trọng khi tim không bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến bên trái, bên phải hoặc cả hai bên của tim.
  • Rung nhĩ: Nhịp tim bất thường khi các ngăn trên của tim (tâm nhĩ) không hoạt động đồng bộ với phần dưới của tim (tâm thất). Điều này làm cơ tim co bóp bất thường, nhanh quá mức hoặc khiến tim bơm máu kém hiệu quả. Nhịp tim bất thường cũng có thể dẫn tới đột quỵ.

Hiện nay sốt thấp khớp hiếm gặp ở các nước phát triển, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ ở đâu đó. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm các cách hiêu quả hơn để phòng ngừa sốt thấp khớp và các biến chứng của nó.

Điều trị

Điều trị nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn, giảm các triệu chứng, kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa sự tái phát của sốt thấp khớp.

Thuốc kháng sinh, như penicillin, có thể được dùng để tiêu diệt liên cầu khuẩn còn sót lại trong cơ thể. Các loại thuốc kháng sinh khác cũng có thể được dùng để phòng ngừa. Việc dùng kháng sinh có thể tiếp tục 5-10 năm tùy thuộc vào độ tuổi và tim của bạn có bị ảnh hưởng hay không.

Thuốc kháng sinh phòng ngừa dùng lâu dài hoặc suốt đời để phòng ngừa viêm tim tái phát.

Điều quan trọng là phải loại bỏ tất cả dấu vết của liên cầu khuẩn, vì bất kỳ vi khuẩn nào còn sót cũng có thể gây tái phát sốt thấp khớp và nguy cơ tổn thương tim cao hơn với biến chứng vĩnh viễn.

Thuốc kháng viêm: Naproxen có thể giúp giảm đau, sốt và kháng viêm.

Corticosteroids: Prednisone được dùng cho bệnh nhân không đáp ứng với thuốc kháng viêm đầu tay, hoặc nếu bị viêm tim.

Aspirin: Thuốc này không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 16 tuổi vì nguy cơ mắc hội chứng Reye, có thể gây ổn thương gan và não, thậm chí tử vong.

Thuốc chống co giật: Những thuốc này có thể điều trị triệu chứng múa giật nghiêm trọng. Ví dụ như axit valproic (Depakene hoặc Stavzor), carbamazepine (Carbatrol hoặc Equetro), haloperidol (Haldol) và risperidone (Risperdal).

Bất kỳ ai bị sốt thấp khớp khi còn nhỏ cần tái khám khi lớn lên vì tổn thương tim có thể xuất hiện nhiều năm sau đó.

 

Tổng kết

Ở 8 trên 10 ca, các dấu hiệu và triệu chứng sốt thấp khớp thường hết trong 12 tuần. Khoảng 30-45% người bị sốt thấp khớp sẽ gặp vấn đề ở tim. Tái phát sốt thấp khớp thường xảy ra trong vòng 5 năm.

Trước đây, sốt thấp khớp là 1 trong những nguyên nhân chính gây tử vong, nhưng hiện nay hiếm gặp ở các nước công nghiệp. Tuy nhiên, sốt thấp khớp chiếm 1,5% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Xem thêm: Tổng quan viêm khớp dạng thấp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top