– Sỏi mật: 90 – 95% các trường hợp bị viêm túi mật là do sỏi. Sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật. Khi đó các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm.
– Tổn thương: Phẫu thuật hoặc những chấn thương vùng bụng nghiêm trọng có thể làm tổn thương túi mật dẫn đến viêm.
– Nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm kí sinh trùng đường mật có thể dẫn đến viêm túi mật.
– Khối u: Một khối u có thể gây chèn ép hệ thống đường dẫn mật, ngăn cản dòng chảy của dịch mật, khiến mật bị ứ lại trong túi mật và có thể dẫn đến viêm túi mật.
Trong viêm túi mật cấp nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, đúng cách, bệnh có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như: hoại tử túi mật, thủng túi mật.
Thủng túi mật là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm vì sẽ gây nên viêm phúc mạc, gây viêm dính các tạng khác có trong ổ bụng (dạ dày – tá tràng, tụy tạng, đại tràng, mạc nối lớn), áp-xe khu trú trong ổ bụng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng làm cho túi mật căng phồng, thành túi mật giãn nở, yếu và gây thấm mật vào ổ bụng gây viêm phúc mạc (viêm phúc mạc mật).
Viêm túi mật cũng có thể gây nên áp-xe đường dẫn mật, viêm mủ đường dẫn mật. Một số trường hợp, viêm túi mật do nhiễm khuẩn cũng có thể gây bệnh nhiễm khuẩn huyết là một bệnh rất nguy hiểm cho người bệnh.
Người bệnh có thể nhận biết viêm túi mật khi gặp một số triệu chứng như sau:
Các triệu chứng bao gồm:
– Đau: Cơn đau quặn gan tăng dần. Ở một số người, đau lan tới vai phải. Thường xuất hiện sau khi ăn.
– Sốt: 39 – 40oC, có thể kèm theo ớn lạnh.
– Vàng da niêm mạc nhẹ và nước tiểu vàng: khi có tổn thương ống mật chủ phối hợp.
– Buồn nôn hoặc nôn: gặp ở hầu hết các trường hợp.
Để chẩn đoán viêm túi mật, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín có đầy đủ trang thiết bị y tế, có thể xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng (có thể tăng từ 10.000 – 20.000), sắc tố mật tăng, nhất là loại bilirubin trực tiếp và các loại men gan, phosphatase kiềm đều tăng cao (SGOT và SGPT có thể tăng gấp đôi). Men amylase thông thường không thay đổi, nếu tăng cao có thể là viêm tuỵ.
Có thể làm xét nghiệm vi sinh như cấy máu, nuôi cấy dịch mật tìm vi khuẩn. Bên cạnh đó cho chụp X-quang bụng không chuẩn bị xem có sỏi mật hay không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh