✴️ Tại sao răng bị lung lay và nên làm gì khi răng lung lay

Nội dung

Tình trạng răng lung lay ở trẻ nhỏ thường báo hiệu cho một giai đoạn chuyển tiếp khỏe mạnh. Tuy nhiên ở người trưởng thành, răng lung lay không còn là một tình trạng bình thường nữa.

Khi nhận thấy răng lung lay có thể là tình trạng đáng báo động.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng răng lung lay ở người lớn không gây hại. Một số khác thì cần điều trị nha khoa để giữ lại răng, nhổ bỏ hay thay thế bằng răng cấy ghép hoặc cầu răng.

Bài viết này đưa ra các lựa chọn điều trị cho răng lung lay cũng như các thông tin về các nguyên nhân có thể gặp và cách ngăn ngừa răng lung lay.

Các phương pháp điều trị răng lung lay

Lựa chọn điều trị tốt nhất sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây lung lay răng.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng: Đây là một thủ thuật làm sạch sâu có thể điều trị bệnh nha chu.
  • Thuốc và nước súc miệng: có thể giúp nướu viêm lành thương và chống lại vi khuẩn trong miệng.
  • Phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ mô nướu bị viêm và xương bị tổn thương do bệnh nha chu.
  • Ghép xương: có thể giúp tái tạo lại phần xương bị tiêu do bệnh nha chu.
  • Ghép mô mềm: Hay còn gọi là ghép nướu, có thể ngăn ngừa tình trạng tụt nướu hoặc mất răng ở những người bị bệnh nha chu.
  • Khí cụ nha khoa, như máng nhai: Những khí cụ này có thể giúp giảm thiểu tổn thương do nghiến răng và có thể giúp miệng lành thương sau phẫu thuật nha khoa.
  • Điều trị đái tháo đường: Điều trị thích hợp rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng.

Nếu răng lung lay bị nhổ bỏ, nha sĩ có thể tư vấn cho bạn làm cầu răng hoặc răng implant thay thế.

Cầu răng là một dạng mão răng bọc lấy các răng ở hai đầu răng bị mất. Nói cách khác, ta có một cây cầu giữa hai răng khỏe mạnh, được nối bởi một răng giả thay thế cho phần răng đã mất.

Răng implant bao gồm phần thân răng và chân răng giả, trong đó phần chân răng được cấy vào xương hàm.

Mặc dù những lựa chọn này có hiệu quả nhưng tốt hơn hết là điều trị nguyên nhân gây lung lay răng và thực hiện các bước cần thiết để ngăn ngừa thêm tổn thương.

Các nguyên nhân khiến răng lung lay ở người trưởng thành

Những yếu tố sau đây thường gây lung lay ở một hoặc nhiều răng.

 

Bệnh nha chu

Hay còn gọi là viêm nha chu, bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu răng. Nó có thể xảy ra do thói quen vệ sinh răng miệng kém.

Khoảng 40% mọi người mắc bệnh nha chu và khoảng 70% trong số đó có răng lung lay do tình trạng này.

Khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa không loại bỏ được mảng bám, bệnh nha chu sẽ tiến triển. Mảng bám có chứa vi khuẩn. Chúng bám trên bề mặt răng và cứng dần theo thời gian đến khi chỉ có bác sĩ nha khoa mới có thể loại bỏ chúng.

Mảng bám vôi hóa, hay vôi răng, làm cho nướu bị tụt, tạo ra khoảng trống không được bảo vệ, từ đó dễ viêm nhiễm hơn.

Dần dần, quá trình này có thể phá hủy xương và mô nâng đỡ răng, khiến cho răng bị lung lay.

Các triệu chứng khác của bệnh nha chu bao gồm:

  • Nướu mềm, đỏ, đau hoặc sưng;
  • Chảy máu nướu khi chải răng;
  • Tụt nướu;
  • Răng bị xô lệch.

Điều cần làm

Bất cứ ai gặp phải các triệu chứng của bệnh nha chu nên khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp ngăn ngừa răng lung lay.

 

Thai kỳ

Nồng độ estrogen và progesterone tăng trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến xương và mô trong miệng.

Việc tiết nhiều các hormone này hơn có thể làm thay đổi mô nha chu, bao gồm xương và dây chằng nâng đỡ răng và giữ răng ở đúng vị trí. Khi mô nha chu bị ảnh hưởng, một hoặc nhiều răng có thể bị lung lay.

Điều cần làm

Những thay đổi nội tiết này thường biến mất sau thai kỳ và chúng không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, bất cứ ai bị đau hay bị lung lay răng khi mang thai nên khám bác sĩ để loại trừ bệnh nha chu và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.

Phụ nữ mang thai có thể kiểm tra, vệ sinh răng miệng và chụp Xquang răng, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ.

Trên thực tế, vì có thể có mối liên hệ giữa bệnh nha chu và sinh non nên phụ nữ mang thai nên khám răng định kỳ.

 

Chấn thương răng

Răng khỏe mạnh thường cứng chắc nhưng một tác động từ cú đánh mạnh vào mặt hoặc tai nạn xe chẳng hạn có thể làm tổn thương răng và mô xung quanh, khiến răng bị mẻ hoặc lung lay.

Tương tự, nghiến răng khi căng thẳng hoặc khi ngủ đêm có thể làm yếu các mô và khiến răng lung lay.

Nhiều người không nhận thức được thói quen nghiến răng của mình cho đén khi bị đau mỏi hàm. Bác sĩ có thể phát hiện ra vấn đề trước khi răng bị tổn thương vĩnh viễn.

Điều cần làm

Nếu bạn nghi ngờ một chấn thương gây tổn hại đến răng của mình thì bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Chấn thương thể thao, tai nạn đều có thể gây ảnh hưởng đến răng miệng.

 

Loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương bị yếu đi và trở nên xốp hơn. Do đó, ngay cả những va chạm và tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến gãy xương.

Mặc dù loãng xương thường ảnh hưởng đến cột sống, hông và cổ tay nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến vùng xương ở hàm giúp nâng đỡ răng.

Nếu xương hàm trở nên xốp hơn, răng có thể lung lay và rụng mất. Viện Sức khỏe Hoa Kỳ cũng báo mối liên hệ giữa mất xương và tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu.

Một số thuốc điều trị loãng xương có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng dù không phổ biến. Ở những ca hiếm gặp, thuốc bisphosphonate – giúp điều trị loãng xương -  có thể khiến răng lung lay, gây ra tình trạng gọi là hoại tử xương hàm.

Chấn thương và phẫu thuật, như nhổ răng, cũng có thể gây hoại tử xương hàm.

Điều cần làm

Bạn nên xin ý kiến bác sĩ về thuốc chống loãng xương và các tác dụng phụ của nó, cũng như tư vấn định kỳ với nha sĩ về các nhu cầu chăm sóc răng miệng.

Nha sĩ có thể không khuyến cáo phẫu thuật xâm lấn. Tuy nhiên, các thủ thuật nha khoa nhỏ có thể hữu ích.

Phòng ngừa

Bạn có thể thực hiện các điều sau nhằm giảm nguy cơ răng lung lay:

  • Đánh răng kĩ mỗi ngày hai lần;
  • Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày 1 lần;
  • Hạn chế hút thuốc lá;
  • Đi khám và làm sạch răng thường xuyên theo khuyến nghị;
  • Đeo dụng cụ bảo vệ răng miệng khi chơi thể thao;
  • Đeo máng nhai khi nghiến răng vào ban đêm;
  • Xin ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa loãng xương;
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường, vì tình trạng này là một yếu tố nguy cơ của bệnh nha chu;
  • Nhận thức được các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến răng.

Tiên lượng

Đối với người trưởng thành, răng lung lay là một dấu hiệu đáng báo động. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có thể giữ lại răng, đặc biệt là khi vấn đề được phát hiện sớm.

Nếu một răng bị mất hoặc cần phải nhổ bỏ thì có nhiều phương pháp phục hồi có thể giữ được hình dáng tự nhiên của răng.

Tổng kết

Răng lung lay ở người trưởng thành có thể đáng báo động. Nó là kết quả do chấn thương răng hay có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh nha chu hoặc hoại tử xương. Răng cũng có thể bị lung lay do thai kỳ.

Điều trị răng lung lay tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Bạn nên đảm bảo việc vệ sinh răng miệng có hiệu quả và thường xuyên đến nha sĩ để kiểm tra định kỳ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top