✴️ Khâu củng mạc

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Khâu vết thương giác củng mạc là bước cấp cứu ban đầu quan trọng nhằm đóng kín vết thương, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, xử trí tốt vết thương giác củng mạc tạo điều kiện thuận lợi cho các bước xử trí tiếp theo đồng thời có thể hạn chế được các biến chứng cho mắt chấn thương cũng như mắt lành.

CHỈ ĐỊNH

Chấn thương rách giác mạc, củng mạc hoặc giác củng mạc, hai mép vết thương không kín.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối.

Chống chỉ định tương đối trong các trường hợp:

Mắt mất chức năng hoàn toàn, vỡ nhãn cầu trầm trọng, khâu bảo tồn rất khó khăn, nguy cơ nhiễm trùng, nhãn viêm giao cảm cao.

Tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Phương tiện

Máy hiển vi phẫu thuật.

Bộ dụng cụ vi phẫu thuật.

Chỉ liền kim nilon 10-0 đối với vết thương giác mạc, nilon 9-0 và vicryl 7/0 đối với vết thương củng mạc.

Người bệnh

Khai thác bệnh sử và đánh giá tổn thương.

Giải thích rõ cho người bệnh về tiên lượng, mục đích của phẫu thuật và các biến chứng có thể gặp trong và sau phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định chung của Bộ Y tế.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Vô cảm

Gây tê tại chỗ

Gây mê đối với trẻ em

Kỹ thuật

Nguyên tắc chung

Làm sạch mép vết thương.

Xử trí các tổ chức phòi kẹt.

Đặt lại tổ chức theo đúng bình diện giải phẫu.

Khâu kín vết thương.

Kỹ thuật khâu

Cố định 2 mi bằng đặt chỉ 2 bờ mi hoặc dùng vành mi tự động để bộc lộ nhãn cầu.

Làm sạch mép vết thương: gắp bỏ sạch các chất xuất tiết, dị vật bẩn bám mép vết thương.

Tách dính mống mắt: dùng spatul tách dính giữa mống mắt và bờ vết thương, đặc biệt là bờ sau.

Vết thương củng mạc cần phẫu tích kết mạc, tenon che phủ vết thương:

Bóc tách kết mạc (cả tenon và tổ chức thượng củng mạc) từ trước ra sau, vừa bóc tách vừa bộc lộ vết thương.

Bóc tách kết mạc tới đâu, khâu vết thương tới đó để hạn chế phòi kẹt thêm tổ chức nội nhãn. Xử trí các tổ chức phòi kẹt: cắt lọc hết sức hạn chế

Mống mắt

Người bệnh đến sớm, mống mắt sạch chưa bị hoại tử, có thể đẩy lại mống mắt vào trong tiền phòng.

Người bệnh đến muộn mống mắt đã bị hoại tử, cần cắt bỏ.

Thể mi: cần hết sức bảo tồn. Chỉ cắt bỏ thể mi hết sức tiết kiệm khi thể mi bị hoại tử, hóa mủ.

Thủy tinh thể đục vỡ: lấy phần thủy tinh thể kẹt dính vào mép rách giác mạc. Phần thủy tinh thể còn lại sẽ được xử trí thì 2.

Dịch kính: cắt bỏ phần dịch kính phòi kẹt ra ngoài mép rách giác mạc.

Hạn chế tối đa làm thoát thêm dịch kính.

Võng mạc kẹt nên được bảo tồn tối đa và đẩy qua mép vết thương vào trong nội nhãn.

Khâu giác mạc

Vết rách giác mạc vùng rìa khâu bằng chỉ nilon 9-10, vết rách giác mạc trung tâm khâu bằng chỉ nilon 10-0.

Khâu mũi rời hoặc khâu vắt.

Các mũi khâu đi qua 3/4 chiều dày giác mạc, càng sâu càng tốt. Khoảng cách giữa 2 bờ mép rách đều nhau (trừ trường hợp vết rách đi chéo).

Thứ tự của các mũi khâu:

Vết thương đi qua rìa, mũi khâu đầu tiên sẽ được đặt tại vị trí rìa củng giác mạc. Các mũi tiếp theo sẽ lần lượt theo thứ tự là giác mạc rồi củng mạc.

Vết thương góc cạnh, mũi chỉ đầu tiên phải được đặt tại vị trí gập góc. Các mũi tiếp theo sẽ đi theo thứ tự từ đỉnh góc ra ngoài.

Vết thương đi qua trung tâm, cố gắng không đặt các mũi chỉ đi qua trục thị giác.

Khi mép vết thương phù ít, khâu cách 2 bên mép khoảng l mm. Khi vết thương phù nhiều, các mũi khâu cách mép xa hơn.

Tái tạo tiền phòng bằng hơi hoặc dung dịch ringer lactat. Sau khi được tái tạo, toàn bộ tiền phòng là bóng khí hoặc dung dịch ringer lactat, không bị kẹt dính giữa mống mắt, chất thủy tinh thế đục vỡ hoặc dịch kính với giác mạc rách.

Khâu củng mạc:

Khâu củng mạc mũi rời bằng chỉ 7-0 vicryl, mũi khâu xuyên 80% chiều dày củng mạc.

Nếu vết thương nằm dưới cơ trực, có thể dùng móc lác hoặc 1 mũi chỉ cố định nâng nhẹ cơ trực lên để khâu (có thể phải cắt cơ trực trong 1 số trường hợp cần thiết và khâu lại sau khi đã khâu kín vết thương củng mạc).

Khi vết thương củng mạc đi ra sau xích đạo, khâu đóng củng mạc xa tới mức có thể. Nỗ lực khâu kín vết rách củng mạc mở quá sâu ra phía sau có thể làm tăng nguy cơ phòi tổ chức nội nhãn và xuất huyết tống khứ.

Chú ý không để kẹt, dính mống mắt, chất thủy tinh thể đục vỡ, dịch kính, hắc võng mạc vào mép phẫu thuật.

Khâu phủ kết mạc bằng chỉ vicryl 7-0 hoặc 8-0.

Kết thúc phẫu thuật tiêm kháng sinh dưới kết mạc hoặc cạnh nhãn cầu.

Tra mỡ kháng sinh, mỡ atropin và băng mắt.

 

THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ HẬU PHẪU

Hậu phẫu cần theo dõi các dấu hiệu sau đây:

Mép vết thương: có phù nề, có kín, có kẹt hay dính các tổ chức nội nhãn vào mép khâu giác mạc không.

Tiền phòng: sâu, nông hay xẹp tiền phòng, Tiền phòng xẹp có thể do hở mép phẫu thuật hoặc do thủy tinh thể đục căng phồng hay lệch thủy tinh thể ra trước.

Các dấu hiệu của xuất huyết nội nhãn.

Các dấu hiệu của viêm màng bồ đào và nhiễm trùng.

Hiện tượng tăng sinh dịch kính võng mạc và bong võng mạc.

Điều trị hậu phẫu (xem thêm ở phần hướng dẫn điều trị).

Kháng sinh chống nhiễm trùng: kháng sinh liều cao, phổ rộng. Tra mắt, tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm dưới kết mạc, uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Nếu có viêm nội nhãn, có thể tiêm kháng sinh nội nhãn.

Chống viêm bằng các thuốc kháng viêm nhóm steroid và non - steroid. Đường dùng: tra mắt, tiêm dưới kết mạc, tiêm cạnh nhãn cầu, uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Dãn đồng tử chống dính.

Tăng cường dinh dưỡng giác mạc và nâng cao thể trạng.

Điều trị tiêu máu nếu có xuất huyết nội nhãn.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Xuất huyết:

Do cắt hoặc khâu phải các tổ chức còn sống như mống mắt, thể mi, hắc mạc.

Xử trí:

Bơm adrenalin đã pha loãng tỷ lệ 1/3 vào tiền phòng phối hợp với bơm bóng hơi to vào tiền phòng.

Nếu máu vẫn không cầm, đốt điện đông điểm chảy máu hoặc bơm chất nhày vào tiền phòng để cầm máu.

Không tái tạo được tiền phòng.

Do khâu dính mống mắt vào giác mạc, nếu có cần khâu lại.

Do thể thủy tinh đục vỡ trương lên, cần lấy thủy tinh thể mới tái tạo được tiền phòng.

Xuất huyết tống khứ:

Là biến chứng đáng sợ nhất. Thường xảy ra khi nhãn cầu vỡ rộng, phòi kẹt nhiều tổ chức nội nhãn, cơ địa người bệnh tăng nhãn áp. Nếu người bệnh được phẫu thuật gây mê, nên cố gắng hạ thấp huyết áp người bệnh đến mức tối thiếu. Khâu kín vết thương giác củng mạc càng nhanh càng tốt (có thể không đúng bình diện hoặc có kẹt các tổ chức nội nhãn. Các vấn đề này có thế được xử trí thì sau).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top