✴️ Mắt bị glôcôm (cườm nước) có nguy hiểm không?

Nội dung

Nhìn chung, glôcôm là một bệnh lý về mắt nguy hiểm. Bệnh gây tổn thương dây thần kinh thị giác và thường liên quan đến tình trạng áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng quá mức chịu đựng của mắt. Giai đoạn đầu, bệnh thường phát triển âm thầm, lặng lẽ và có xu hướng diễn tiến nặng dần theo thời gian. Trên thực tế, hơn một nửa số bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh và chỉ phát hiện khi bệnh đã diễn tiến nặng. Vì vậy, người ta gọi glôcôm (cườm nước) là “Kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng”.

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, áp lực bên trong mắt sẽ ngày một tăng cao. Tình trạng này lâu dần gây tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến giảm thị lực và thu hẹp tầm nhìn. Lúc này, bệnh nhân sẽ có cảm giác như nhìn qua ống nhòm. Cuối cùng, nếu không được điều trị, bệnh sẽ dẫn tới mù lòa. Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể (cườm khô).

Điều nguy hiểm là những tổn thương chức năng thị giác do bệnh glôcôm gây ra là không thể hồi phục. Tức là, dù cho đã điều trị, bạn cũng không thể lấy lại được phần thị lực đã mất mà chỉ có thể bảo tồn được phần thị lực hiện có. Có thể thấy, nếu không điều trị sớm, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ mất thị lực và mù lòa rất cao.

Không những làm tăng nguy cơ dẫn đến mù lòa, glôcôm (cườm nước) và những triệu chứng của bệnh còn gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống như:

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể: Tình trạng tăng nhãn áp có thể gây đau nhức mắt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…Các triệu chứng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và suy nhược.
  • Ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt: Tình trạng suy giảm thị lực do bệnh glôcôm (cườm nước) có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh như lái xe, đọc sách, đi lại…
  • Ảnh hưởng đến tinh thần: Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến thị lực và thể chất mà còn tác động không nhỏ đến tinh thần của người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, việc được chẩn đoán mắc bệnh glôcôm sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng, hoang mang và tệ hơn là bị trầm cảm

Bệnh glôcôm (cườm nước) có chữa được không?

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị glôcôm mắt khác nhau, bao gồm dùng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.

Dùng thuốc

Thuốc nhỏ mắt thường là lựa chọn đầu tiên và chủ yếu được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh glôcôm mắt. Các thuốc này sẽ giúp hạ nhãn áp bằng cách tăng dẫn lưu thủy dịch ra khỏi mắt hoặc giảm lượng thủy dịch mắt tiết ra.

Nếu thuốc nhỏ mắt đơn độc không mang lại tác dụng hạ nhãn áp như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định thêm cho bạn thuốc uống.

Vì đây là một bệnh lý mạn tính nên bệnh nhân có thể phải sử dụng thuốc lâu dài, đôi khi là suốt đời. Do dó, dù là thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống, bạn cũng cần dùng thuốc đúng thời gian và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.

Laser và phẫu thuật

Bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện phương pháp laser hoặc phẫu thuật glôcôm nếu tình trạng của bạn không được cải thiện dù đã dùng thuốc nhỏ mắt hoặc vì một số lý do khác. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các phương pháp này, bệnh nhân vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi nhãn áp. Trong trường hợp nhãn áp tăng cao thì bác sĩ có thể phải chỉ định thêm thuốc hạ áp hoặc phẫu thuật bổ sung.

Ngoài các phương pháp điều trị glôcôm mắt (cườm nước) kể trên, người bệnh cũng nên thay đổi lối sống để giúp quá trình kiểm soát nhãn áp được hiệu quả hơn. Theo đó, bạn nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Đảm bảo an toàn khi luyện tập thể dục thể thao
  • Hạn chế tiêu thụ caffeine và uống nước với lượng vừa phải
  • Nâng cao đầu khi ngủ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top