✴️ Bệnh chàm sữa: tổng quan và cách xử trí

1. Bệnh chàm sữa là gì, nguyên nhân do đâu

1.1. Thế nào là chàm sữa

Chàm sữa khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng nhiều cha mẹ không biết bệnh chàm sữa là gì nên loay hoay tìm mọi cách chữa trị cho con rồi rơi vào vòng luẩn quẩn vì mãi không khỏi mà bệnh ngày càng nặng. Chàm sữa (Atopic dermatitis) là một dạng viêm da cơ địa thường xuyên tái diễn, kéo dài, mẩn đỏ và ngứa, đôi khi có 4 - 6 tháng tuổi. Đây là bệnh viêm da mãn tính tạo nên bởi sự rối loạn hệ miễn dịch ở trẻ.

1.2. Nguyên nhân gây ra chàm sữa ở trẻ nhỏ

Về cơ bản, đến nay nguyên nhân gây ra bệnh chàm sữa là gì vẫn chưa xác định được nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh này đều ở người có cơ địa dễ dị ứng. Đây là bệnh có liên quan đến sự phối hợp chất gây dị ứng và cơ địa dị ứng. Chất gây dị ứng có thể xuất phát từ bên ngoài như phấn hoa, bụi, nấm mốc, lông động vật,... hoặc có từ sự thay đổi của quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Ngoài ra, những trẻ có cha mẹ có tiền sử với bệnh dị ứng da, hen suyễn, dị ứng thời tiết, nổi mề đay,… thì cũng dễ mắc bệnh. Những rối loạn liên quan đến thức ăn, tiêu hóa, nhiễm trùng cũng là lý do cho chàm sữa xuất hiện.

2. Nhận biết chàm sữa và cách xử lý

2.1. Dấu hiệu bệnh chàm sữa ở trẻ

Biết được dấu hiệu bệnh chàm sữa là gì sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách điều trị và chăm sóc con đúng hướng hơn. Vì thế cha mẹ nên lưu ý những dấu hiệu bệnh sau:

- Giai đoạn đầu

Đây là lúc da bắt đầu tấy đỏ và hơi ngứa, kèm theo đó là các hạt nhỏ màu hơi trắng nổi lên bề mặt da. Sau này chúng sẽ tạo thành mụn nước.

- Giai đoạn thứ 2

Tại vùng da đỏ này lần lượt mọc lên các mụn nước với kích thước nhỏ, chúng có thể tập trung thành đám để liên kết thành mụn nước lớn. Những mụn này rất dễ lan ra vùng da xung quanh. Bên trong mụn nước có dịch trong. Đặc điểm của mụn nước là mọc thành từng đợt.

- Giai đoạn thứ 3

Mụn căng dần rồi vỡ ra gây viêm nhiễm, ngứa ngáy khó chịu nên trẻ thường quấy khóc. 

Nhận biết chàm sữa và cách xử lý

- Giai đoạn thứ 4

Sau khi mụn nước vỡ ra, vùng da này sẽ có các mảng sừng cứng, lâu dần chúng bong vảy để lại lớp da mỏng nhẵn bóng. Đây chính là lúc cha mẹ cần chú ý sử dụng dưỡng ẩm cho trẻ để tránh tình trạng da căng nứt, đau rát và viêm nhiễm.

- Giai đoạn thứ 5

Lớp da mỏng ở giai đoạn trên vừa tái tạo được sẽ nhanh chóng tự rạn nứt và dày lên, tăng sắc tố. 

Về cơ bản, chàm sữa sẽ lần lượt đi qua các giai đoạn: da căng, tấy đỏ, có mụn nước kèm rỉ nước và chàm hóa, khô da, bong tróc. Các triệu chứng của bệnh đều chỉ có tính chất tạm thời và không nguy hiểm. Điều cha mẹ cần lưu ý là trong quá trình chăm sóc trẻ hãy tránh để trẻ dùng tay gãi ngứa và điều trị không đúng cách gây bội nhiễm da hoặc để lại sẹo xấu ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau.

2.2. Cách xử trí khi trẻ bị chàm sữa

Nhiều chuyên gia cho rằng chàm sữa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và nếu biết cách chăm sóc đúng bệnh sẽ dần thuyên giảm sau 1 tuổi vì lúc ấy sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn. Đối với mỗi đợt phát chàm, thời gian tự khỏi thường khoảng 7 - 10 ngày khi được xử lý đúng cách và hệ đề kháng của trẻ tốt. Những trẻ có sức đề kháng kém thì triệu chứng bệnh có thể phức tạp hơn. 

Trước khi điều trị bệnh cho con cha mẹ cần phải biết được nguyên nhân gây bệnh chàm sữa là gì để tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Thêm vào đó, trước 1 tuổi cấu trúc da trẻ còn nhạy cảm và yếu, hệ đề kháng cũng yếu ớt nên dễ mắc bệnh; vì thế cha mẹ không nên nôn nóng tìm mọi cách để trị bệnh chỉ mong nhanh khỏi. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp vì trị bệnh sai cách mà da trẻ bị viêm nhiễm, tổn thương nghiêm trọng hơn.

- Nên làm

+ Vệ sinh tắm rửa cho trẻ

Trẻ bị chàm sữa cần được tắm sạch đều đặn hàng ngày bằng nước ấm hơn thân nhiệt của trẻ 1 - 2 độ C và tắm không quá 10 phút. Nên chọn loại sữa tắm dịu nhẹ và không chứa chất tẩy rửa cho trẻ. Không dùng vật có chất liệu khô, cứng để chà xát mạnh lên da trẻ. Mỗi ngày ít nhất 2 lần cha mẹ nên cấp ẩm cho da trẻ bằng thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da phù hợp và bôi ngay sau khi trẻ tắm xong vài phút.

+ Không gian sống

Trẻ cần được sống trong không gian thoáng đãng, không có lông động vật hay bụi khí bẩn. Vì thế cha mẹ nên dọn phòng và thay ga trải giường, giặt chăn gối thường xuyên.

+ Dùng kem chống nắng

Khi cho trẻ dùng kem chống nắng cha mẹ cần lưu ý chọn loại dành cho da nhạy cảm vì thực tế thị trường có rất nhiều loại kem chứa thành phần độc hại dễ làm bào mòn hay gây kích ứng da.

+ Chế độ dinh dưỡng

Trẻ cần được bú mẹ nhiều để tăng dinh dưỡng và sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh. 

- Không nên

  • Tự ý sử dụng thuốc có thành phần corticoid vì nó dễ làm teo da, sạm da, nhiễm nấm,… khi dùng kéo dài. Ngoài ra sử dụng loại thuốc này không đúng cách còn dễ làm bệnh trở nên nặng hơn.
  • Để trẻ gãi vào vùng da bị bệnh vì dễ gây bội nhiễm.
  • Khi trẻ đã biết ăn nên thận trọng khi cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm lên men... Nếu muốn cho trẻ ăn thì cho ăn ít một và quan sát xem trẻ có bị dị ứng với loại thức ăn nào hay không.

Cùng chuyên mục: Dấu hiệu bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top