Phụ nữ mang thai mắc cúm nên sử dụng thuốc kháng virus sớm

Phụ nữ có thai là nhóm đối tượng có nguy cơ rất cao bị mắc các bệnh nguy hiểm và gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh cúm. Theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases, những phụ nữ mang thai phải nhập viện vì mắc cúm nếu được điều trị sớm bằng thuốc kháng virus oseltamivir có thể rút ngắn được thời gian điều trị, nhất là trong những ca bệnh nặng. Đồng thời, nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccin phòng cúm trong nhóm đối tượng này.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, bác sỹ Sandra S. Chaves thuộc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc điều trị sớm cho phụ nữ có thai bằng thuốc kháng virus có thể mang lại những lợi ích nhất định như giảm thời gian nằm viện. CDC cũng khuyến cáo các trường hợp nghi nhiễm cúm ở phụ nữ có thai nên được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt mà không cần đợi có kết quả xác nhận nhiễm virus cúm.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh liệu pháp điều trị cúm bằng thuốc kháng virus là an toàn và có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai. Nghiên cứu hiện tại, dựa trên số liệu từ hệ thống theo dõi các ca mắc cúm trên toàn nước Mỹ, bao gồm 14 bang, tập trung vào đối tượng phụ nữ có thai phải nhập viện vì mắc cúm từ năm 2010 đến 2014. Trong thời gian tiến hành nghiên cứu, 865 phụ nữ được xác nhận nhập viện vì cúm, trong đó 63 bệnh nhân (khoảng 7%) bị nhiễm cúm nặng.

Sau khi điều chỉnh các yếu tố về điều kiện y tế, tình trạng tiêm vaccin, thời gian mang thai, các nhà khoa học nhận thấy rằng việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus oseltamivir giúp rút ngắn thời gian nhập viện ở những đối tượng nghiên cứu so với nhóm chứng. Trong số những phụ nữ mang thai bị mắc cúm nặng nhưng được điều trị sớm – trong vòng 2 ngày sau khi khởi phát triệu chứng – thời gian trung bình nằm viện của những đối tượng này ngắn hơn tới 5 ngày sơ với những người nhiễm cúm nặng nhưng được can thiệp điều trị muộn hơn (2.2 ngày vs. 7.8 ngày). Những phụ nữ mắc bệnh ở mức độ trung bình được can thiệp bằng thuốc sớm cũng có thời gian lưu lại viện ngắn hơn so với những người điều trị muộn, tuy nhiên sự khác nhau này là không đáng kể.

Theo nghiên cứu, trong số những phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm nặng chỉ có khoảng 14% là được tiêm phòng so với tỷ lệ được tiêm phòng ở những đối tượng chỉ mắc bệnh mức độ nhẹ là 26%. CDC khuyến cáo rằng những đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm phòng cúm hàng năm, bao gồm cả những phụ nữ mang thai trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Các nghiên cứu trước kia đã chứng minh việc tiêm phòng cúm trong thai kỳ không chỉ giúp phòng mắc cúm ở người mẹ mà còn có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi cúm trong vòng 6 tháng đầu đời.

Theo một bài xã luận có liên quan của Tiến sỹ, bác sỹ William W. Andrew thuộc Đại học Alabama ở Birmingham (Anh): “Xem xét những lợi ích to lớn cho bà mẹ và thai nhi cũng như tính an toàn, việc tiêm vaccin phòng cúm cho đối tượng phụ nữ mang thai và sau khi sinh là việc làm cần thiết và nên được khuyến cáo trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, việc điều trị sớm và kịp thời bằng thuốc kháng virus nếu đã bị nhiễm bệnh, tốt nhất là trong vòng 2 ngày khi mới nghi ngờ hoặc đã xác nhận mắc cúm, là nên được khuyến khích.”

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top