Cơ chế gây bệnh vữa xơ động mạch
Cơ chế gây nên các biến chứng cấp tính của bệnh vữa xơ động mạch, đặc biệt là hội chứng mạch vành cấp (bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim) và nhồi máu não đã được biết rất rõ.
Đó là do sự nứt hoặc đứt gãy của mảng vữa xơ động mạch, tạo điều kiện cho dòng máu tiếp xúc trực tiếp với các chất gây đông máu chứa trong mảng vữa xơ, làm cho tiểu cầu bị kết vón lại tại vị trí đó, sau đó hình thành nên cục máu đông gây cản trở lưu thông dòng máu ở các cấp độ khác nhau
Chính vì vậy, vai trò của các thuốc chống kết vón tiểu cầu gần như đóng vai trò then chốt trong điều trị các biến chứng cấp tính, cũng như dự phòng tái phát biến chứng này của bệnh vữa xơ động mạch.
Vai trò của các thuốc nhóm này có thể hiểu một cách đơn giản là nhằm ngăn cản các tiểu cầu không cho kết tập lại để hình thành cục máu trắng, khởi đầu của quá trình đông máu và cả quá trình sinh huyết khối – nghẽn mạch.
Các loại thuốc điều trị vữa xơ động mạch
Aspirin
Aspirin được chỉ định rộng rãi trong bệnh huyết khối – nghẽn mạch như: nhồi máu cơ tim; đau thắt ngực không ổn định: aspirin là thuốc cần thiết, được chỉ định dùng phối hợp với các thuốc khác như nitrat, ức chế cảm thụ β, ức chế calci…; tai biến thiếu máu não.
Các chỉ định này không những áp dụng trong điều trị giai đoạn cấp tính mà còn có tác dụng dự phòng tái phát cũng như dự phòng các tai biến huyết khối – nghẽn mạch ở những vị trí khác.
Ngoài ra, aspirin cũng được chỉ định rất rộng rãi trong dự phòng tiên phát các tai biến huyết khối – nghẽn mạch ở những bệnh nhân tim mạch có nguy cơ cao như: loạn nhịp tim (đặc biệt rung nhĩ), suy tim…
Cách dùng: Liều lượng khi dùng để điều trị và duy trì phải theo sự chỉ định của bác sĩ trên từng bệnh nhân. Thuốc phải luôn được uống sau bữa ăn để giảm bớt tác dụng gây kích ứng dạ dày (trừ các trường hợp cấp cứu).
Có một dạng aspirin được bào chế chỉ hấp thu trong ruột (aspirin pH8) tránh được tổn thương dạ dày sau khi uống và thích hợp cho bệnh nhân có bệnh ở dạ dày tá tràng, tuy nhiên phải luôn nhớ là dạng này chỉ có tác dụng giảm kích ứng dạ dày tại chỗ, chứ không giảm được tác dụng phụ trên dạ dày qua cơ chế tác động toàn thân.
Clopidogrel
Là dẫn chất thienopyridin, cũng có tác dụng chống kết tập tiểu cầu. Hiện nay, đây là thuốc được sử dụng rộng rãi nhất, nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc có tác dụng làm giảm tới 50% các biến chứng tim mạch chính (nhồi máu cơ tim, đột tử) ở những bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp.
Tác dụng phụ: Biến chứng đáng sợ nhất của clopidogrel cũng như các thuốc chống viêm non steroid là chảy máu đường tiêu hoá.
Tuy nhiên, nếu tôn trọng chống chỉ định chặt chẽ và cách sử dụng thuốc thì tỷ lệ này cũng rất thấp. Cụ thể: chảy máu đường tiêu hóa mức độ nặng (0,49%), tỷ lệ này ít hơn aspirin (0,71%).
Các tác dụng phụ khác có thể kể đến là: rối loạn tiêu hoá (buồn nôn, nôn, ỉa chảy, viêm dạ dày…); nổi mẩn da; có thể gặp giảm tiểu cầu (rất hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/200.000 bệnh nhân).
Chỉ định: Thuốc được chỉ định trong các trường hợp nhằm dự phòng huyết khối gây tắc động mạch như:
– Nhồi máu cơ tim cấp (trong vòng 35 ngày); tai biến thiếu máu não (trong vòng 6 tháng) và bệnh viêm tắc động mạch.
– Hội chứng mạch vành cấp không có đoạn ST chênh lên.
Chống chỉ định: Tăng mẫn cảm với thuốc hoặc các chế phẩm của thuốc; người suy gan nặng; đang có chảy máu chưa cầm được như chảy máu đường tiêu hoá, chảy máu nội sọ; không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
Cách dùng: Thuốc được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Nên uống thuốc sau khi ăn no, duy nhất 1 lần/ngày. Thời gian dùng tuỳ theo chỉ định của từng trường hợp cụ thể. Có thể từ 1 tháng cho tới trên 1 năm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh