BS Hải Yến
Cách nhìn nhận sự khác biệt !
Trước hết, cần hiểu rõ không thể bắt, ép buộc người khác phải thay đổi quan điểm hoặc suy nghĩ của họ. Việc duy nhất mà ta có thể làm là thay đổi bản thân. Ta có thể thay đổi quan điểm của mình, nếu thấy vấn đề hợp lý, logic với cách suy nghĩ, hợp với cách nhìn nhận của ta. Bằng không, ta hoàn toàn có thể giữ quan điểm của mình, chấp nhận và tôn trọng quan điểm của người khác. Như vậy, ta vừa giữ được thái độ ôn hòa vừa cảm thấy thoải mái với mọi tình huống.
Giữ được tâm thái ôn hòa khi gặp những trở ngại liên quan đến giao tiếp, giống như giữ được bình tĩnh khi phải lái con tàu lúc trời sóng to, gió cả. Bạn có đủ bình tĩnh để thông cảm, chia sẻ với những lo âu, rối trí của các hành khách trên tàu hay không? Hay bạn cũng bị cuốn vào dòng xoáy của nỗi lo sợ và để cho sự việc quăng đâp mình? Bạn đủ sáng suốt để nhận thấy những mối hiểm nguy, những xoáy nước tránh cho tàu va vào đá ngầm? Hay bạn cũng lo lắng, bất an và chẳng còn phân biệt được gì giữa cơn cuồng nộ của biển khơi?
Môi trường y tế?
Là một môi trường đầy sóng gió, với các rủi ro giao tiếp luôn luôn chực chờ, không chỉ trong phiên trực phải xử lý cấp cứu, không chỉ trong phòng phẫu thuật, mà ở bất cứ nơi đâu, từ cổng bảo vệ cho đến phòng tài vụ, từ bãi gửi xe đến phòng kế hoạch tổng hợp. Bởi”cực chẳng đã” người ta mới phải vào bệnh viện, đi kèm bệnh tật là những lo âu, bất ổn về thể chất, gánh nặng tài chính và bất an về tâm trí. Và chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ, nhìn nhận vấn đề khác họ, ta nhìn thấy những cảnh bệnh tật nhiều đến mức trước mặt chỉ còn căn bệnh vô tri vô giác, chứ không phải người bệnh với đầy đủ "hỉ, nộ, ái, ố". Những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, chứng kiến hàng ngàn, hàng chục ngàn lượt bệnh nhân đôi khi làm ta trở nên miễn nhiễm trước các nỗi đau như một người máy vô cảm.
Trong chúng ta thế nào có người cũng đã từng thót tim khi phải tự tay tiêm một mũi cho người thân, quặn thắt ruột khi nhìn thấy máu chảy từ vết thương của người nhà? Nhớ đến cảm giác này bạn sẽ dễ dàng hiểu tâm trạng của bệnh nhân và người nhà họ khi vào bệnh viện. Vì chúng ta không đang đứng ở vị trí của người bệnh, đang không nhìn nhận vấn đề từ góc của họ, nên đôi khi những thái độ, lời nói, cử chỉ của ta vô tình đã chạm vào nỗi đau và làm tổn thương họ sâu sắc. Thế là ta tự châm ngay một mồi lửa để mọi thứ bùng nổ tới mức không cứu vãn được.
Chỉ khi giữ được tâm thái ôn hòa một cách vững chãi, mới có thể dễ dàng tách biệt ra khỏi hoàn cảnh, dễ dàng đứng lùi lại để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và dễ dàng hành xử một cách chân tình, chân thành và đầy thông cảm. Đúng là cả ngày mệt mỏi, gặp phải người bệnh quá lo lắng, hỏi đi hỏi lại một vấn đề, thật sự làm ta nản lòng, dễ nổi cáu. Nhưng nếu nhận ra được lý do họ hỏi là vì sự hoang mang, vô vọng khi đứng trước bệnh tật của mình, khi đó ta sẽ dễ dàng chấp nhận trả lời, giải thích lần nữa và lần nữa cho những câu hỏi lặp lại vì thông cảm cho nỗi lòng của họ.
Đúng là có những bệnh nhân cư xử và nói năng không lịch sự hoặc thô lỗ, có khi mang những mối quen biết ra để dọa và ra oai. Thay vì đáp trả tương tự cho bớt tức, để chứng minh ta cũng không sợ, nếu bình lặng trong lòng ta sẽ đủ tỉnh táo để nhận thấy họ là người đáng thương, đang ở hoàn cảnh khó khăn hơn ta, họ đang rất đau khổ và yếu ớt nên buộc phải dùng những công cụ bên ngoài để át đi nỗi lo sợ bên trong, bởi họ đang sợ ta sẽ không giúp họ nếu họ không có những biểu lộ hoặc hành vi mạnh mẽ đe dọa. Nếu không bị cuốn vào cơn giận dữ do hành vi thiếu kiểm soát của bệnh nhân, ta sẽ dễ cảm thông và có tấm lòng độ lượng hơn. Các lời nói, cử chỉ mang sự cảm thông của nhân viên y tế sẽ như cơn mưa rào, làm dịu mát những cái đầu bốc lửa, và ngay lập tức ta đã giúp con tàu ra khỏi vực xoáy, kiểm soát được hướng đi theo một dòng chảy an toàn hơn.
Chắc chắn sẽ có bạn nói, có nhiều sự việc, bệnh nhân bực tức khó chịu ở nơi khác và trút hết lên đầu mình. Đúng vậy, điều này cũng như bão đến bất ngờ, và một lần nữa tùy thuộc bản lĩnh của chúng ta, vì dù lý do từ đâu nếu không khéo léo xử trí, người lĩnh hậu quả không ai khác là chính chúng ta. Và như các cụ nói “được vạ thì má đã sưng”, cho nên nếu có thể hãy tự giúp mình khi mọi việc còn trong tầm kiểm soát.
Điều chỉnh cách nhìn nhận hay đè nén cảm xúc?
Khi gặp các tình huống căng thẳng, chúng ta không xử lý bằng cách chịu đựng, nhịn nhục hoặc đè nén cảm xúc cho qua, cách này chỉ khiến bạn tích lũy, chất chứa các cảm xúc tiêu cực, bất mãn, bực tức, uất ức trong lòng, để rồi dễ bộc lộ một cách vô thức các lời nói hoặc hành động thiếu thân thiện. Chỉ cần một sự việc nhỏ cũng khiến bạn mất bình tĩnh, và xung đột với các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân và thân nhân chỉ là vấn đề thời gian. Vào những lúc như vậy, chúng ta cần lùi ra xa hơn, bước lên cao một vài nấc để có góc nhìn rộng hơn, bao quát hơn, thấu hiểu hoàn cảnh một cách toàn diện và sẽ có giải pháp ứng đối phù hợp và cảm thông hơn cho những chủ thể có hoàn cảnh đang bế tắc hơn ta. Đây là cách giúp hóa giải và trung hòa tình huống khó khăn.
Có thể áp dụng ngay lập tức một cách hiệu quả?
Rất tiếc khi phải nói rằng không, bạn không thể chỉ đọc tài liệu, nghe thuyết trình, tham gia các buổi tập huấn là ngay lập tức bạn có thể áp dụng và thực hành. Đây là một dạng kỹ năng, các hoạt động nêu trên rất hữu ích, giúp bạn hiểu rõ bản chất sự việc và có được các hướng dẫn để tham khảo. Nhưng yếu tố thành công nằm ở chính bạn, ở việc bạn hiểu và chấp nhận sự thật khách quan đến đâu và mong muốn áp dụng đến như thế nào. Các bài tập thực hành nho nhỏ, sẽ giúp bạn ngày một tiến bộ, tự vỡ ra nhiều điều từ trải nghiệm thực tế và chiêm nghiệm các sự việc xung quanh và của bản thân.
Ví dụ, khi gặp một bệnh nhân sẵng giọng, nói trống không và có thái độ gay gắt. Lần đầu bạn có thể nghĩ tếu tếu rằng chắc sáng nay anh ta vừa bị vợ la trước khi ra khỏi nhà. Ý nghĩ hài hước như vậy giúp bạn cảm thấy tình huống trở nên đơn giản và dễ tha thứ cho anh bệnh nhân khó tính đã “giận cá chém thớt” hơn. Lần thứ 2, gặp tình huống tương tự, bạn có thể nghĩ rằng chắc chị này tháng này nhận lương trễ nên những việc chi tiêu của chị đang gặp khó khăn lại còn thêm bệnh tật, tốn kém và mất thời gian… Tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà bạn có thể hình dung ra vô vàn các sự cố mà người đối diện đang gặp khó khăn để cảm thông cho họ và trung hòa cái bản năng muốn đáp trả ngang cơ trong mình. Dần dà, bạn sẽ dễ dàng vượt những chuyện khó chịu đó, tiếp theo bạn sẽ thấy mình dễ bỏ qua và rộng lượng hơn, không còn quá vướng bận vào những việc vụn vặt. Sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống rất khó khiến bạn muốn nổ tung. Nhưng chỉ cần bạn dừng lại trong 1 đến 3 giây, thì cơn sóng cảm xúc khổng lồ sẽ không dổ ụp lên đầu bạn. Những lúc như vậy, một cách hữu hiệu là cố gắng dừng lại, thoát ra khỏi không gian đó càng nhanh càng tốt. Đơn giản là bạn lấy một lý do nào đó xin lỗi bệnh nhân để ra ngoài khoảng 5 phút (đi lấy hồ sơ, hoặc kiểm tra kết quả trong hồ sơ…) khi ra ngoài thì nhờ người khác giải quyết giúp. Người thứ 3, thường sẽ khách quan và sự tiếp xúc mới đa phần sẽ phần nào làm dịu cảm xúc nóng giận của bệnh nhân, và hầu hết dẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn.
Chỉ cần bạn hiểu thấu 2 điều: a/Góc nhìn của bạn và bệnh nhân khác nhau, nên hai bên sẽ diễn giải sự việc khác nhau; b/ Bạn chỉ có thể điều chỉnh bản thân, chứ bạn không thể điều chỉnh người khác. Khi hiểu rõ hai điều trên, bạn sẽ có nhiều cách để giải quyết các tình huống vô cùng phong phú phát sinh hàng ngày.