✴️ Đau đầu mạn tính là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Nội dung

1. Đau đầu mạn tính là bệnh gì, biểu hiện ra sao?

Đau đầu mạn tính là loại đau đầu kéo dài trên 15 ngày/tháng hoặc liên tục trong ít nhất ba tháng không liên quan đến các tình trạng khác. Loại đau đầu này còn có tên gọi khác là đau đầu kinh niên, đau đầu kéo dài. Đây là căn bệnh gây nhiều khó chịu nhất vì cảm giác đau dai dẳng và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt của người bệnh.  

Dựa vào thời gian diễn cơn đau, có thể chia đau đầu kinh niên thành 2 dạng: dài hạn (trên 4 tiếng) và ngắn hạn (dưới 4 tiếng). 

Dựa vào vị trí và nguyên nhân gây đau đầu, các nhà nghiên cứu chia đau đầu kinh niên thành 4 dạng: đau nửa đầu mạn tính, đau nửa đầu liên tục, cơn đau liên tục và đau đầu – căng thẳng mạn tính.

Đau đầu mạn tính là tình trạng đau đầu kéo dài liên tục, gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

 

2. Các triệu chứng của đau đầu kinh niên

Các triệu chứng của bệnh đau đầu kinh niên biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mỗi dạng đau đầu. Cụ thể:

 

2.1 Đau nửa đầu mạn tính

Đau nửa đầu mạn tính thường xuất hiện ở những người có tiền sử đau nửa đầu. Các cơn đau xảy ra trên 8 ngày/tháng và kéo dài trong ít nhất 3 tháng với các đặc điểm sau:

– Đau 1 hoặc cả 2 bên đầu

– Cảm giác đầu phập phồng, dao động

– Đau tăng lên nếu hoạt động thể chất thường xuyên

– Nhạy cảm với các tác động như ánh sáng, âm thanh

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

 

2.2 Đau đầu căng thẳng mạn tính

Cơn đau này thường xảy ra ở cả hai bên đầu, mức độ từ nhẹ đến vừa. Bệnh nhân có cảm giác thắt chặt và đè ép vùng đầu. Một số người có thể thấy đau ở hộp sọ. Tình trạng đau không nặng hơn khi hoạt động thể chất thường xuyên.

 

2.3 Cơn đau liên tục 

Cơn đau này thường đến đột ngột và thường gặp ở những người không có tiền sử đau đầu. Tình trạng đau diễn ra mỗi ngày, tái phát liên tục trong vòng 3 ngày sau cơn đau đầu tiên. Đặc biệt cơn đau có ít nhất hai trong số những đặc điểm sau đây:

– Ảnh hưởng đến cả hai bên đầu

– Cơn đau thắt chặt và gây cảm giác đè ép đầu

– Đau từ nhẹ đến vừa

– Đau không trở nặng khi hoạt động thể chất thường xuyên không làm tình trạng này trở nặng

 

2.4 Đau nửa đầu liên tục

Cơn đau nửa đầu liên tục thường khiến bệnh nhân đau đớn hàng ngày nhưng chỉ gây ảnh hưởng đến một bên đầu. Mức độ vừa cho đến nặng và đôi khi có thể trở nên nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng đau nửa đầu. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo ít nhất một trong các tình trạng sau: rách hoặc đỏ mắt tương ứng với bên đầu bị ảnh hưởng; nghẹt mũi, chảy nước mũi; rủ mí mắt, hẹp đồng tử; bồn chồn…

 

3. Nguyên nhân gây đau đầu mạn tính

Hiện nay các nguyên nhân nguyên phát gây ra bệnh đau đầu kinh niên vẫn chưa rõ ràng. Các chuyên cho biết các nguyên nhân gây đau đầu thứ phát có thể bao gồm:

– Viêm, tổn thương mạch máu trong và xung quanh não

– Các nhiễm trùng, điển hình là viêm màng não

– Áp lực nội sọ bất thường, quá cao hoặc quá thấp

– U não

– Chấn thương sọ não

– Thuốc

Trong đó, việc sử dụng tùy tiện và làm dụng các loại thuốc giảm đau để chữa đau đầu không những không giúp bệnh cải thiện mà còn khiến tình trạng đau đầu trầm trọng và dai dẳng hơn. Các chuyên gia cho biết, nếu bạn đang dùng thuốc giảm đau, thậm chí là thuốc giảm đau không kê đơn, hơn 2 ngày/tuần hoặc 9 ngày/tháng thì chứng đau đầu có nguy cơ tái phát.

Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu kéo dài.

 

4. Bệnh đau đầu mạn tính có nguy hiểm không? Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Bệnh đau đầu mạn tính nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ngày càng nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt nếu cơn đau đầu có nguyên nhân liên quan đến đột quỵ hoặc chấn thương sọ não thì có thể là mối nguy là rất lớn đối với sức khỏe. 

Bạn nên đi khám sớm tại chuyên khoa Nội thần kinh nếu có các dấu hiệu sau đây:

– Có từ 2 cơn đau đầu trở lên trong 1 tuần

– Phải uống thuốc giảm đau gần như mỗi ngày

– Cần uống nhiều thuốc hơn khuyến cáo mới có thể làm dịu cơn đau đầu

– Tính chất cơn đau đầu thay đổi hoặc trở nên nghiêm trọng hơn

Nếu cơn đau đầu xảy ra đột ngột và nghiêm trọng đi kèm với sốt, cứng cổ, lú lẫn, co giật, chứng song thị, yếu, tê hoặc khó nói; đau do chấn thương đầu, cơn đau trở nặng mặc dù đã nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau… thì bạn nên tới gặp ngay bác sĩ Nội thần kinh vì đây là có thể là những tín hiệu cảnh báo khẩn cấp mà nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. 

 

5. Những ai thường bị bệnh đau đầu kinh niên?

Đau đầu kéo dài có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi đối tượng nhưng thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Lo lắng, phiền muộn, tình trạng rối loạn giấc ngủ, béo phì; ngáy, thường xuyên sử dụng caffeine, thuốc đau đầu, các bệnh lý mạn tính khác,… là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau đầu kinh niên.

 

6. Chẩn đoán và điều trị bệnh đau đầu mạn tính

6.1 Chẩn đoán bệnh đau đầu mạn tính

Đau đầu kinh niên thường không gây nguy hiểm ngay nhưng có thể gây nhiều khó chịu và cảnh báo nhiều nguy cơ nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, khi thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên gặp các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được khám và điều trị sớm. 

Thông thường trong quá trình thăm khám, bạn sẽ được hỏi về các triệu chứng, tình trạng nhiễm trùng, các vấn đề về thần kinh, tiền sử đau đầu…

Để khẳng định hoặc loại trừ các nguyên nhân, các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…

 

6.2 Điều trị bệnh đau đầu mạn tính

Nếu chẩn đoán tìm ra các nguyên nhân gây đau đầu, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng nhức đầu thường xuyên. Nếu không thể phát hiện được nguyên nhân thì việc điều trị sẽ tập trung vào việc giảm và các cơn đau tái phát.

 

Dùng thuốc

Sử dụng các loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng đau nhức, điều trị rối loạn lo âu và các bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, động kinh,…

Các loại thuốc thường dùng để điều trị  gồm:

– Thuốc chống trầm cảm

– Thuốc chẹn beta

– Thuốc chống động kinh

– Thuốc kháng viêm

Tuy nhiên tùy thuộc vào loại đau đầu, mức độ đau và việc có hay không ảnh hưởng của thuốc đối với tình trạng đau đầu mà các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp với bạn. Hãy tuân thủ đơn thuốc và thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ để chứng đau đầu có thể được cải thiện nhanh chóng. 

 

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp hạn chế diễn tiến xấu của bệnh đau đầu. Các chuyên gia khuyến cáo cách kiểm soát bệnh này bằng các biện pháp như:

– Châm cứu: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp giảm tần suất và cường độ các cơn đau đầu kinh niên.

– Massage: Giúp giảm căng thẳng, giảm đau và giúp thư giãn, đặc biệt với những người bị cứng cơ sau đầu, cổ và vai.

– Thảo dược, vitamin và khoáng chất: Một số loại thảo dược có thể ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu. Vitamin B2, magie cũng có thể giúp làm giảm tần suất đau đầu ở một số người. 

– Vật lý trị liệu: Các nghiên cứu cho thấy việc kích thích điện tại các dây thần kinh chẩm cũng có thể có tác dụng giảm đau.

Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết những phương pháp điều trị nào phù hợp với mình.

Trên đây là những thông tin tham khảo về bệnh đau đầu mạn tính, hi vọng đã giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích. Các thông tin này không thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ, bạn không nên tự ý đoán bệnh và điều trị mà cần đi khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng hướng. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top