Khi nhà có 2-3 đứa trẻ, cha mẹ thường mong đợi trẻ lớn phải ngoan, phải biết làm gương cho em. Thực ra, đây không phải là nhiệm vụ của trẻ, mà chính là của cha mẹ.
CÔNG BẰNG LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ NUÔI DẠY NHỮNG ĐỨA TRẺ BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU.
Trẻ được sinh ra sớm hơn không có nghĩa là trẻ phải làm hình mẫu cho ai, mà bản thân trẻ cũng đang phải nhìn vào hình mẫu khác. Đó chính là cha mẹ. Thực vậy, nghiên cứu dài hơn 80 năm tại ĐH Harvard cho thấy " Cha mẹ chính là người có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với trẻ trong việc xây dựng và bắt chước hành vi".
Điều này có nghĩa rằng khi cha mẹ đối xử với tất cả các con một cách công bằng thì mỗi đứa trẻ sẽ học cách xây dựng tình yêu trên sự công bằng.
Vậy, đứa trẻ nhỏ có bị ảnh hưởng bởi anh chị của chúng không? Báo cáo của TS. Rogers, ĐH Texas, Mỹ cho thấy anh chị lớn có thể ảnh hưởng đến em của mình trong cách đưa ra quyết định ở độ tuổi teen. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi mối quan hệ của những đứa trẻ được xây dựng trong yêu thương, công bằng ở độ tuổi nhỏ.
LÀM SAO DẠY CÁC CON BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU, DẪN DẮT NHAU PHÁT TRIỂN?
1. Tránh các lời nói gây chia rẻ trong những hoạt động hằng ngay, kiểu như:
+ Ăn:
Những dạng nói tương tự như: "Tin ăn ngoan không, chả khóc gì! Chị Na ăn hư quá"
Cách sửa lại: đừng so sánh bất kì tính chất nào giữa các con vì mỗi đứa là một sự tuyệt vời của tạo hóa.
+ Ngủ
"Ngủ đi con, lăn lộn hoài để em ngủ nữa chứ"
Người mẹ vô tình lấy đứa em làm lí do để bắt đứa lớn hơn ngủ. Vô tình đưa lợi ích của đứa này làm điều kiện cho bất lợi của đứa khác.
Cách sửa lại: dù biết cũng cần cho bé lớn hiểu rằng em nhỏ sẽ cần chăm sóc nhiều hơn, nhưng nó không phải cách để cho trẻ biết kiểu dạng "ưu tiên", thay vào đó bạn chỉ cần nói rõ cho bé hiểu tại sao trẻ lại phải làm điều đó: VD: "Vì em còn nhỏ, dễ thức khi có tiếng động. Con giúp mẹ đừng làm ồn nhé! Được không!"
+ Chơi
Người bà vỗ về đứa nhỏ "Ngoan ngoan nào!" và quát đứa lớn "Na đưa con gấu cho em!" dù đó là đến lượt chơi của chị Na.
Cách sửa lại: nhường là từ không có trong tự điển của trẻ vì vậy bắt trẻ phải nhường là 1 điều khó, thay vào đó hãy tuân thủ trò chơi đến lượt.
+ Yêu thương
Những câu nói đùa tưởng chừng vô hại, nhưng lại làm chia rẻ lớn tình yêu thương.
Ví dụ, "Ngoan ngoan mẹ thương! Mẹ thương hơn chị Na luôn nhé!"
Hoặc người bà thường hay nói đùa "Mẹ mày đâu? Thế nó bỏ rơi mày rồi à, lại đây với bà bà thương!".
Cách sửa lại: nói khích hay nói đùa là cái mà cha mẹ nên tránh khi trò chuyện với trẻ. Tâm hồn non nớt các con lúc này đều tin là đúng vì trẻ chưa phân biệt được đâu là lời nói đùa hay thật trước 8 tuổi.
2. Dạy trẻ hợp tác vui chơi cùng nhau.
TS. Feinberg, ĐH Bang Penn, Mỹ từng nói rằng: cách làm giảm các xung đột xảy ra giữa các bé là hãy dạy chúng hợp tác cùng nhau trong vui chơi, giải quyết vấn đề, quan trọng là giải quyết xung đột xảy ra phải công bằng và lắng nghe trẻ, cho chúng nhận xét lỗi sai-đúng của bé còn lại.
Khi hợp tác vui chơi cùng nhau hoặc vì 1 kết quả chung, những con hổ nhỏ sẽ tự biến mất, nhường chỗ cho tinh thần hợp tác và đối mặt thử thách. VD. 2 bé có thể cùng chơi 1 trò chơi quy định luật chơi, phạt - thưởng công bằng dù ai lớn ai nhỏ.
Xếp hình puzzle cùng nhau là hoạt động có thể khuyến khích cho các bé 3-6 tuổi. Trẻ cần thống nhất để đưa ra vị trí đặt vào. Để dạy chúng thống nhất, hãy để chúng tự tranh luận vị trí và không có can thiệp của bạn. Nếu không thống nhất, hãy để mỗi đứa xếp vào theo ý để nhận ra sai lầm. Khi đứa nào nhận ra sai, thì hãy tự gỡ ra và đưa đứa khác.
3. Làm gương cho trẻ trong cách đối xử công bằng, quan tâm và giúp đỡ nhau khi đáp ứng với các bé, hoặc những người khác trong gia đình. Khi đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình có cha mẹ và các cô chú dì yêu thương nhau thì chúng cũng sẽ lớn lên biết yêu thương nhau.
4. Ghi nhận, đánh giá cao những gì con đã cố gắng làm được
Trueblood nói, một trong những hành động quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm là thực sự ghi nhận, thể hiện niềm tự hào và đánh giá cao khi con biết quan tâm, đối xử tốt với em. Bà cũng nói thêm, thay vì chỉ ra những gì bạn không thích, hãy thử tập trung nhiều nhất có thể vào những gì con làm mà bạn thấy là tích cực. Và bạn có thể để con nghe được những lời khen ngợi ấy khi nói chuyện với người khác hoặc trao đổi trực tiếp với con.
Bạn có thể nói cho con biết mình đã cảm thấy vui mừng, hạnh phúc ra sao khi bạn nhìn thấy con giúp em làm bài tập về nhà, động viên em khi thấy em buồn hay chia sẻ cho em mình ăn món mà em yêu thích.
Điều quan trọng là mình đừng đặt áp lực lên những đứa trẻ là cần phải làm mẫu cho em và cũng sẽ hoàn toàn bình thường nếu đứa con lớn không muốn trở thành một mẫu hình tích cực cho em như bố mẹ đang mong đợi. Vì điều quan trọng hơn hết là các em bé ấy lớn lên mạnh khỏe, hạnh phúc thay vì lo lắng xem liệu mình có đang làm đúng hay sai, phải vậy không?