Sử dụng ấm Tử Sa uống trà thêm nồng vị

Nội dung

CÁCH CHỌN ẤM TỬ SA

Người pha trà phải biết chọn kích thước và hình dáng của ấm trà, loại chất liệu và nhiệt độ nung sao cho phù hợp với loại trà và số lượng người được dùng. Và bởi vì ấm trà là thứ được sử dụng hàng ngày thì nó phải là loại dễ dàng sử dụng, bền và đẹp mắt.

Những người say mê Công Phu trà một cách nghiêm túc thường dành hàng giờ đồng hồ tranh luận về những ưu điểm của các ấm trà, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý với bốn quan điểm sau:

• Bất cứ loại trà nào cũng sẽ có hương vị tuyệt vời nếu pha trong ấm trà bằng đất nung và những chiếc ấm trà tốt nhất luôn là những chiếc ấm làm từ Tử Sa, một loại đất thuộc vùng Nghi Hưng của Trung Quốc.

• Tử Sa có độ xốp hoàn hảo và có khả năng xử lý nhiệt tốt giúp cải thiện hương vị của trà ngon hơn rất nhiều lần so với trà pha trong các ấm bằng thủy tinh, sứ hoặc gốm tráng men.

• Mỗi ấm trà Nghi Hưng chỉ nên được dùng với một loại trà nhất định.

• Những chiếc ấm được nung ở nhiệt độ cao sẽ có bề mặt mịn và mỏng, hoàn hảo để pha với bất cứ loại trà nào và đặc biệt là đối với trà xanh, bạch trà và trà Ô Long. Còn đối với các loại ấm được nung ở nhiệt độ thấp với bề mặt ít mịn và dày thì phù hợp với Hồng trà (hay còn gọi là “ Trà đỏ” ở Trung Quốc) và trà Phổ Nhĩ.

Ấm trà bằng Tử Sa của Trung Quốc không áp dụng kĩ thuật tráng men, khi làm thành ấm trà vẫn giữ nguyên vẹn tính chất xốp của nó với các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt và khi pha trà, dầu trà sẽ thấm vào đó và tích tụ bên trong ấm theo thời gian, làm mịn vị của trà và thậm chí còn cải thiện chất lượng của trà bằng cách thêm vào đó “hương vị” độc đáo được tạo nên từ những khoán chất có trong trà đã tích tụ lâu bên trong ấm.

Có ý kiến cho rằng không nên dùng cùng một ấm trà để pha nhiều loại trà khác nhau trừ khi chúng cùng thuộc một dòng trà, tuy nhiên điều này cũng không được nhiều người đồng ý vì có nhiều loại trà cùng thuộc một dòng trà như nhau nhưng trong đó sẽ có vài loại trà mang hương vị đậm đà hơn và một thời gian sau hương vị của chúng có thể sẽ ảnh hưởng đến hương thơm và vị của loại trà khác.

Chiếc ấm trà sẽ trở thành người bạn đồng hành của bạn qua nhiều năm nên hãy chắc chắn rằng không có bất cứ vết trầy xước hay nứt nào trên ấm. Chiếc ấm nên có trọng lượng phù hợp và khiến bạn cảm thấy thoải mái khi cầm trên tay. Tay cầm và nắp ấm phải vừa với ngón tay của bạn và nắp ấm phải vừa vặn chính xác với miệng ấm, đồng thời kích cỡ miệng ấm cũng phải phù hợp với kích thước lá trà bạn sử dụng. Miệng ấm với kích cỡ nhỏ thường sẽ giữ hương thơm của trà trong ấm trong khi kích cỡ miệng ấm lớn sẽ khiến hương trà dễ dàng thoát ra ngoài. Vậy nên loại trà lá nhỏ hoặc lá cuộn với mùi thơm nhẹ sẽ thích hợp với ấm có miệng ấm nhỏ (Trà xanh, bạch trà, Ôlong). Ấm với kích thước miệng ấm lớn hơn sẽ phù hợp với các loại trà có lá to và mùi thơm ngát (Hồng trà, Phổ Nhĩ)

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “KHAI ẤM” TỬ SA?

Những ấm trà mới thường được phủ một lớp sáp bóng lên bề mặt để bảo vệ lớp đất và làm chúng trông sáng bóng đẹp đẽ hơn (đồng thời cũng để giúp chúng trông như những chiếc ấm trà cổ đắt tiền). Lớp phủ này cần phải được loại bỏ trước khi chúng ta dùng ấm để pha trà. Dưới đây là các bước để loại bỏ lớp sáp phủ và cách “khai ấm”:

1. Chuẩn bị nước nóng để rửa bên trong và bên ngoài ấm. Mục đích để rửa sạch bụi bẩn trong quá trình vận chuyển, trưng bày, cầm nắm…

Lưu ý: Không dùng những loại giấy giáp hay cọ xoong để rửa và các loại hóa chất tẩy rửa để rửa ấm.

2. Cho đầy nước vào một nồi lớn sau đó lót một miếng vải vào bên trong. Nồi phải đủ lớn để ấm trà có thể ngập hoàn toàn bên trong.

3. Bọc nắp ấm bằng một miếng vải riêng và đặt vào nồi cùng với ấm trà. Miếng vải sẽ ngăn không để nắp và ấm va vào nhau làm nứt hay vỡ trong quá trình đun.

4. Đun nước sôi, đậy nắp và đợi trong 30 phút.

5. Sau 30 phút, tắt lửa và để nguội.

6. Lấy nắp và ấm ra khỏi miếng vải rồi rửa lại với nước ấm.

7. Nếu bạn muốn “khai ấm” như một dân chuyên nghiệp, bạn hãy cho nước vào nồi và đun sôi sau đó cho thêm từ 2 – 3 muỗng của loại trà mà bạn dự định sẽ dùng ấm đó để pha. Tắt lửa, đậy kín nắp nồi và ngâm trong vòng 30 phút. Sau đó lọc bỏ sạch sẽ lá trà ra khỏi nồi, tiếp theo đó bạn hãy lặp lại từ bước 2 đến bước 6 nhưng sẽ dùng nước trà này để nấu thay vì dùng nước lọc.

8. Ấm trà của bạn đã sẵn sàng để dùng.

Bạn hãy nhớ rằng, luôn phải rót lượng trà còn dư lên toàn bộ ấm vì điều này sẽ giúp chất trà thấm vào ấm, tạo nên hương vị độc đáo cùng màu sắc riêng của ấm. Nếu bạn muốn sử dụng cùng một chiếc ấm để pha loại trà khác, bạn chỉ cần khai lại ấm trà theo những bước trên.

return to top