Chắc là âm thanh, và những người làm ra những âm thanh đó không biết rằng tiếng dội của nó lại vang xa đến vậy, những mấy chục năm vẫn bền dai.
Nhất là ông già đã rón rén hết sức để đứa cháu gái không thức giấc, cái cửa vẫn kêu khi ông lách mình qua đi ra sông đổ đó. Mái dầm chách bủm đều từng nhát, tiếng những bẹ lá dừa nước cọ vào be xuồng dần xa. Trong bếp nước đã kêu ấm. Chắc là củi còn ướt nên trên đầu còn lại của thanh củi réo còn sôi. Bà già châm trà xong, múc gạo nấu nồi cháo trắng. Một con chuột nào chạy ngang vách bếp, bà già chỉ suỵt đuổi không rượt theo tới ổ vì sợ gây ồn. Gần sáng luôn là quãng thời gian con nít ngủ ngon.
Những âm thanh đầu ngày khẽ khàng như một người tịnh không dám thở, sau này đứa cháu gái chẳng hiểu sao chúng lại náo động mỗi khi nhớ về. Tiếng dép bà già lép xép tới đâu, bóng tối tan ra tới đó. Và tụi chim sẻ chim sâu tụ tập trước sân chờ nắm gạo xòe hoa từ tay bà, bầy gà vỗ cánh bay từ những cành cây xuống đất, bản lề cửa sổ cọt kẹt kêu hít không khí đẫm sương vào nhà. Bà già không cất tiếng kêu “dậy đi, con gái con đứa mà ngủ nướng” thì cô cháu cũng biết đã sáng trắng rồi. Đám con nít bên xóm bắt đầu chạy giỡn ngoài cây rơm.
Chỉ bảy trăm ngày trong đời thức dậy cùng với mặt trời ở xóm Chẹt, nhưng cái cảm giác miên viễn bất chấp ông bà già đã qua đời. Sẽ có những ông bà già khác dậy sớm châm trà, đuổi kiến, cố không gây ra tiếng động để giữ giấc ngủ của bọn trẻ con. Từng ấy âm thanh ngày mới ẩn nhẩn bền dai đi qua súng nổ pháo gầm của mấy cuộc chiến tranh. Những tiếng động của sự sống. Đứa cháu sinh ra trong yên tĩnh, may ra chỉ có tiếng gà gáy sáng mới khiến nó giật mình.
Nó phổng phao từng ngày với tôm cá ông già đặt đó dưới sông. Cùng với khí trời, nó hít thở cả tiếng làng quê xao động. Gàu nước xối lên đôi chân trần. Bà già cằn nhằn ông già để khăn tắm không đúng chỗ đúng nơi. Lửa reo dưới nồi bí hầm dừa sôi sục. Chó giỡn hớt bầy gà làm táo tác vách ngoài. Trao trảo kêu ngoài liếp, nháo nhác báo với bầy có buồng chuối chín cây. Tu hú ở cuối vườn rải từng tiếng một.
Bữa cơm sáng đúng lúc bên sông vẳng qua tuồng Kiếp nào có yêu nhau. Ngồi ở nhà đủ xa để không phải nghe băng chạy xè xè, loa rè. Cả tiếng đờn cũng rụng mất, đến bờ bên này chỉ còn những giọng ca như rơi rớt từ trời. Hôm nào ư ử xuống mùi theo Lệ Thủy cũng bị rầy “con gái con đứa gì vừa ăn vừa hát, coi không được”. Cháu ngoại thuộc làu cả tuồng, thuộc đến câu cô quận chúa Quế Minh nói lúc ôm xác người tình, bảo rằng em sẽ đưa anh về với cát vàng sa mạc, ở đó không còn ai giành giật anh của em. Lệ Thủy ca diễn thì khỏi chê, mê chết bỏ. Mê cái kiểu đàn - bà - trẻ - con nói liến thoắng giòn tan, đắm đuối khi yêu, thất tình thì nức nở thảm sầu. Cách cô nuốt nước mắt nước mũi thành tiếng hướt đó ít người có được. Mỹ Châu kiêu kỳ quá đau tình cũng không giống lắm, Phượng Liên hiền từ ung dung quá, giọng Út Bạch Lan thì sầu não đến yếu nhược, chẳng hợp với con nít.
Lâu lâu nghe lại những tiếng động nhà quê qua một màng ký ức, đứa cháu gái vẫn nghe trong vắt, như không bị đẩy ra xa bởi tuổi tác chất chồng. Như không phải dưới đáy của lớp lớp sóng âm khác mà nó nghe được suốt quãng thời gian đã sống, từ đứa trẻ trở thành bà già. Chúng tách biệt, không lẫn lộn với vùng nhớ khác. Xua không đi, bứt không rời. Lá khô va vào nhau theo nhịp chổi ráng quét sân. Vú sữa rớt sau cú đập cánh của chim đêm, có những trái còn xanh phải đứt cuống lìa cành, chúng lại sớm rã thành phân bón lại cho cây. Tàu cau rụng. Gà kêu ổ lúc xế trưa. Con mèo mướp trườn qua mảnh ngói vỡ. Nước chảy qua họng đìa buổi đỉnh triều cao. Gió qua đám lá làm thành âm thanh của một cơn mưa rào. Ở đó hình như cũng có mấy vụ cãi nhau, nhưng từ ngữ không chang chói gây đau. Và những khuya ông Bảy Xỉn đi qua nói oang oang nhà này của già Hai nè, chả có đứa con gái đẹp lắm nè, nhưng cổ lấy chồng rồi, nói tới đó Bảy Xỉn hát váng lên não nuột: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao, mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời”.
Tiếng chim bìm bịp thì nổi tiếng từ đời thuở nào rồi, từ một người đàn bà cất tiếng hò, “Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi, buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”. Nhưng tàu chuối khô bay tán loạn trong gió cũng làm bải hoải những ai phải rời bỏ nó.
Và ông già tợp hớp trà nguội khà ra một cái khoái trá đã đời cơn khát, giọng điệu càm ràm của bà già “con gái con đứa gì…”, đứa cháu khi ấy đâu có biết mấy chục năm sau tiếng dội vẫn còn vang.
Tản văn - Nguyễn Ngọc Tư