Tôn trọng nỗi buồn của người khác

Có một dạo tôi bị trầm cảm, và khi nói chuyện với chị tôi, chị ấy bảo, "Chắc phải có vấn đề gì đó thì em mới như vậy, hoặc là do em yếu hơn chị chứ chị còn trải qua nhiều chuyện hơn em nhưng giờ chị vẫn ổn. Em hãy nghĩ tích cực lên đi."

"Nghĩ tích cực đi", "Mới vấp ngã có chút mà đã vật vã như thế, sau này gặp chuyện lớn hơn thì làm thế nào?", "Sao em yếu đuối thế, có chút chuyện như vậy mà cũng không vượt qua được", "Chị còn trải qua nhiều chuyện tồi tệ hơn em nhưng chị vẫn vượt qua được đấy thôi. Đấy là do em, em phải mạnh mẽ hơn", "Sống sung sướng từ nhỏ quen rồi, giờ chịu có chút khổ cũng không chịu được". Đây là những câu tôi thường hay nghe được, không chỉ từ người thân mình mà còn từ những người xung quanh và đây cũng là những câu nói dễ gặp nhất ở phần comment dưới những câu chuyện chia sẻ nỗi buồn mà chúng ta thường hay thấy ở trên mạng.

Dù rằng những câu nói trên có xuất phát từ ý tốt muốn động viên, muốn khích lệ, hay muốn người nghe cảm thấy chuyện của họ không tệ đến mức đó thì trên thực tế những lời khuyên này lại mang hơi hướm đổ lỗi và khiến cho người nghe cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi. Nếu người ta có thể chọn lựa vui lên thì chẳng ai buồn ngay từ ban đầu!

Mỗi người có một sức bật, độ dẻo dai tinh thần lẫn độ nhạy cảm hay khả năng chịu đựng tổn thương khác nhau dựa trên trải nghiệm, hoàn cảnh môi trường, bẩm sinh và cả di truyền. Đương nhiên tất cả các yếu tố này đều không thể lựa chọn hay nằm trong quyền điều khiển của một người. Thế nên việc kêu một người nghĩ tích cực đi hay đừng nhạy cảm quá, nó rất là vô nghĩa.

Trong 5 yếu tố tính cách thì yếu tố rối loạn thần kinh (neuroticism) cái bao gồm cả sự nhạy cảm có đến 40% là từ di truyền, cộng thêm sinh ra đã như vậy, rồi sau đó mới đến sức ảnh hưởng từ môi trường. Mà có một vài nghiên cứu còn cho rằng sức ảnh hưởng từ di truyền còn cao hơn sức ảnh hưởng từ môi trường đối với yếu tố rối loạn thần kinh (1). Không phải cứ muốn thấp là thấp, hoặc muốn không nhạy cảm là không nhạy cảm. Những người có chỉ số rối loạn thần kinh cao dễ mắc các dạng rối loạn cảm xúc như rối loạn trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực.

Giả sử như tâm lý bạn là sợi dây thun và độ căng của nó là mức độ bạn chịu được stress và bạn không được chọn lựa chất liệu cho sợi dây thun đó. Nếu bạn may, có được sợi dây thun với chất liệu tốt (gene, môi trường, gia đình...) thì độ căng và độ đàn hồi của bạn sẽ tốt và dẻo dai. Nếu bạn không may có phải sợi dây thun tệ thì dù có bao nhiêu chất đổ vào củng cố thì độ căng của nó cũng chỉ có thể cải thiện thêm dc 1,2 cm trước khi nó đứt. Và nếu căng nhiều quá thì độ đàn hồi sẽ từ từ giảm đi, nghĩa là mức độ phục hồi sau stress sẽ càng yếu. Và có khi chỉ hơi căng một xíu thôi, vấn đề gây stress nhỏ thôi, cũng có thể khiến sợi dây thun đó bị đứt vì nó không còn độ đàn hồi nữa.

Bạn tôi từng kể tôi nghe rằng khi cô ấy đi tư vấn tâm lý thì được chuyên viên tư vấn bảo rằng. “Sao anh chị em của em cũng trải qua những sự kiện như vậy mà họ vẫn bình thường còn em thì lại mắc rối loạn tâm lý? Em có nghĩ đến điều đó chưa?” Đây là một câu hỏi rất vô tâm và hoàn toàn đi ngược lại với những quy tắc khi điều trị hay tư vấn tâm lý. Và điều đáng sợ ở đây là bởi vì nó nghe sơ qua thì có vẻ không sai thế nên chẳng ai buồn suy nghĩ sâu xa hay là chấp nhận sự khác biệt của một người.

Mỗi người đều có những trải nghiệm riêng, vấp ngã riêng và học được những bài học riêng cho mình. Không phải ai cũng có những trải nghiệm giống nhau hay học được những bài học giống nhau. Chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình nhưng đừng áp đặt hay bắt buộc những người khác phải giống mình hoặc thất vọng khi họ không làm được, hay coi thường những trải nghiệm của họ. Bởi vì khi đó chúng ta đã ngầm so sánh mình với họ. Bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng, và dẫn đến kết quả một bên hơn, một bên kém. Và đồng thời sự so sánh cũng dẫn đến phán xét rồi đổ lỗi, hạn chế cách nhìn cũng như cách tiếp nhận thông tin.

 

Và nếu bạn không có lời gì tốt đẹp để nói hay chia sẻ thì hãy im lặng, hoặc thay vì nói những câu như ở đầu bài, bạn có thể nói: "Mình không biết phải nói gì, nhưng mình luôn ở đây lắng nghe cậu", "Có thể mình chưa hiểu được vấn đề của cậu, nhưng mà mình luôn sẵn sàng nghe cậu chia sẻ", "Cậu còn có mình ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua rắc rối này", "Có thể cậu không tin nhưng những gì cậu đang cảm nhận chỉ là tạm thời mà thôi. Mọi chuyện rồi sẽ ổn", "Mình có thể làm gì để cậu bớt buồn đây?". Dù không thể giải quyết được vấn đề của họ nhưng những câu có thể khiến cho người nghe cảm dễ chịu hơn,

Hãy tôn trọng sự khác biệt của một người, tôn trọng sự trầm cảm của người khác, tôn trọng nỗi buồn của họ. Điều này có thể chẳng ngăn được họ không bị bệnh hay không buồn nhưng nó sẽ khiến cho trải nghiệm của họ trở nên dễ chịu đựng hơn.

 

Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Tham khảo:
http://bjp.rcpsych.org/content/97/408/441

return to top