Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) diễn biến phức tạp tại thành phố Cần Thơ, nhằm đảm bảo phân tầng quản lý người nhiễm và điều trị người bệnh phù hợp, Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, đồng thời chuyển đổi công năng một số bệnh viện công lập để điều trị người bệnh COVID-19. Sự thành lập nhanh chóng của các bệnh viện thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 thuộc tầng 1, 2 (chiếm hơn 90% tổng số ca mắc) đã thu hút một lượng lớn nhân viên y tế và tình nguyện viên tham gia. Việc quản lý, điều trị và chăm sóc tốt người bệnh ở các bệnh viện tầng 1, 2 sẽ góp phần giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và giảm tải nhu cầu điều trị chuyên sâu ở bệnh viện tầng 3.
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ngôi trường thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ trọng điểm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đã nhiệt tâm góp sức vào công tác phòng chống dịch tại địa phương bằng nhiều hoạt động tình nguyện, đặc biệt là hoạt động tại bệnh viện dã chiến. Các tình nguyện viên có xuất phát điểm từ nhiều vị trí khác nhau: giảng viên có/ không thuộc chuyên khoa nội, bác sĩ nội trú, sinh viên; nhưng có điểm chung là đều mong muốn góp một phần nhỏ vào công cuộc đẩy lui dịch bệnh.
Quyển “Sổ tay quản lý và điều trị COVID-19” ra đời xuất phát từ tình hình hiện tại, nhằm hướng dẫn thực hành cho tất cả các đối tượng tham gia vào hoạt động quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 tại bệnh viện dã chiến. Đây là sản phẩm của tập thể cán bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trên cơ sở tham khảo các văn bản pháp quy, các hướng dẫn của Bộ Y tế và kinh nghiệm từ các Bệnh viện dã chiến khác đã hoạt động.
Xem toàn bộ tài liệu TẠI ĐÂY