✴️ Phòng và điều trị đau thần kinh tọa như thế nào?

Nội dung

1. Khái quát chung về bệnh đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là căn bệnh phổ biến ở những đối tượng thường xuyên phải ngồi nhiều như người cao tuổi, dân văn phòng. Bệnh gây ra những cơn đau dai dẳng, dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa: từ cột sống thắt lưng đến các ngón chân. Theo nghiên cứu, nữ giới có xu hướng mắc bệnh cao hơn so với nam giới.

Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) được xem là dây thần kinh dài nhất cơ thể, kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến ngón chân. Cả 2 bên dây thần kinh tọa trái – phải có độ dài như nhau. Chúng có nhiệm vụ chi phối vận động dinh dưỡng, nuôi dưỡng các cơ quan bộ phận mà nó đi qua.

Thông thường, các đốt xương được liên kết với nhau bởi các mô và các đệm, gọi là đĩa đệm. Tuy nhiên, nếu tư thế di chuyển của một người (đi, đứng, ngồi) không đúng hoặc gặp phải tình trạng chấn thương sẽ làm cho liên kết này bị bào mòn. Khi đó, đĩa đệm bị trượt khỏi vòng làm cho cột sống hẹp lại và chèn ép lên dây thần kinh. Lúc này sẽ xuất hiện các cơn đau.

 

1.1. Nguyên nhân gây ra bệnh

Nghiên cứu chỉ ra rằng có 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh: chủ quan và khách quan. Vì vậy, bệnh nhân cần hiểu rõ bệnh tình và lý do phát sinh bệnh của mình để bác sĩ tìm phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số lý do điển hình:

– Thoái hóa cột sống: Đây có lẽ nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa. Tuổi tác cao có tác động lớn tới việc thoái hóa cột sống. Những người làm việc nặng nhọc cũng có nguy cơ thoái hóa cột sống cao.

– Gai cột sống: Các đốt gai sẽ mọc chèn ép lên cột sống làm hẹp cột sống, gây ra những cơn đau.

– Đau thắt lưng dai dẳng trong thời gian dài: Tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít vận động có thể gây ra bệnh đau thần kinh tọa. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng, làm việc quá sức cũng ảnh hưởng đến các chức năng xương khớp.

– Chấn thương, tổn thương đốt sống

– Biến chứng từ những bệnh lý: Khối u chèn ép, chảy máu trong, nhiễm trùng cũng gây ra cơn đau từ dây thần kinh tọa.

đau thần kinh tọa như thế nào

Đau thần kinh tọa thường gặp ở người cao tuổi, người ngồi làm việc nhiều…

 

1.2. Biểu hiện của bệnh đau thần kinh tọa gồm những gì?

Khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.

– Đau dọc lan từ cột sống thắt lưng tới mặt ngoài đùi, mắt cá ngoài đến ngón chân. Có trường hợp không đau cột sống mà chỉ đau dọc chân.

– Đau nhẹ đến nặng: Thông thường, người bệnh sẽ phải trải qua nhiều cấp độ đau khác nhau: âm ỉ, tê nhói đến đau dữ dội. Cơn đau giật thậm chí còn tồi tệ hơn khi người bệnh ho, hắt hơi và ngồi lâu.

– Tê ngứa bàn chân: Bệnh nhân đau thần kinh tọa sẽ trải qua cơn đau tê nhức, không cử động được 2 bàn chân. Lý giải điều này là do tắc nghẽn dây thần kinh, máu huyết không lưu thông.

– Đau giật: có thể là cơn đau xuất hiện bất thình lình và cảm giác như có điện giật. Triệu chứng này thường gặp ở những người đã mắc bệnh lâu năm.

 

1.3. Mức độ nghiêm trọng của đau thần kinh tọa như thế nào?

Đau thần kinh tọa mặc dù không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng người bệnh không thể vì thế mà chủ quan, bỏ qua cơn đau mà chúng gây ra. Đặc biệt, nếu bệnh để lâu không chữa trị có thể làm biến chứng, gây suy yếu các chi, dẫn đến tàn phế suốt đời.

Chưa kể đến, người bệnh đau thần kinh tọa liên quan đến yếu chân hoặc bàng quang, ruột phải tiến hành phẫu thuật để hồi phục, cải thiện triệu chứng.

biến chứng nguy hiểm của đau thần kinh tọa

Bệnh đau dây thần kinh tọa có thể gây suy yếu chi, dẫn đến tàn phế

 

2. Biện pháp khắc phục đau thần kinh tọa như thế nào?

Hiện nay, các bác sĩ trước khi chỉ định phương pháp điều trị đau thần kinh tọa cho bệnh nhân sẽ phải tiến hành thăm khám, chẩn đoán và xác định tình trạng mức độ bệnh. Có rất nhiều cách để chữa trị, khắc phục triệu chứng bệnh. Đó là:

– Điều trị bằng thuốc: Hầu hết là thuốc giảm đau, giãn cơ để bệnh nhân cải thiện các triệu chứng đau nhức.

– Điều trị nội khoa: nghỉ ngơi vừa phải, nên nằm giường cứng, hạn chế các hoạt động mạnh, dùng lực nhiều như mang vác nặng, đứng hoặc ngồi lâu.

– Vật lý trị liệu: Khi đã khắc phục được các cơn đau, bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân tham gia các bài tập của điều trị vật lý nhằm ngăn ngừa chấn thương: mát-xa, thể dục giãn cột sống, đeo đai lưng…

– Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật): chỉ áp dụng đối với trường hợp đau thần kinh tọa lâu năm, chèn ép nặng, teo cơ.

– Điều trị hỗ trợ bằng phương pháp chườm nóng và chườm lạnh.

Bên cạnh đó, việc phòng ngừa bệnh cũng là 1 phương pháp hết sức hữu hiệu nhằm đảm bảo chắc khỏe cho hệ xương khớp.

– Luôn giữ tư thế ngồi, đứng, di chuyển đúng

– Không làm việc quá sức, làm việc nặng

– Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tăng cường sự đàn hồi, dẻo dai cho xương khớp

– Thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp định kỳ

phòng ngừa đau thần kinh tọa

Bạn nên đi thăm khám chuyên khoa cơ xương khớp định kỳ để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị bệnh sớm

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về căn bệnh đau dây thần kinh tọa. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường, bạn nên đi khám tại chuyên khoa cơ xương khớp để được bác sĩ tư vấn và điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top