✴️ Thoát vị đĩa đệm cổ

Nội dung

Giữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống lưng thì bệnh nào sẽ gây nguy hiểm hơn?

Như cấu trúc giải phẫu, cột sống cổ là phần tiếp sóng giữa thành não và tủy sống phía dưới, do đó phần tủy chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm về những luồng xung động cảm giác từ phía dưới đi lên (dẫn truyền hướng tâm) và các luồn vận động từ trên đi xuống (dẫn truyền ly tâm).

Phần tủy sẽ dẫn truyền từ não đến những phần còn lại của cơ thể phía bên dưới, do đó một tổn thương ở tủy cổ có thể dẫn đến yếu liệt tứ chi, gây ra những hậu quả nặng nề so với cột sống thắt lưng. Bởi vì giải phẫu ở cột sống thắt lưng chỉ còn các dây thần kinh, không còn các tủy sống (các tủy sống này tập hợp ở vị trí L2), do đó thoát vị đĩa đệm xảy ra ở vùng thắt lưng chỉ gây ra hiện tượng chèn ép vào rễ hoặc bao rễ, trong khi đó thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ chèn ép thẳng vào trong tủy sống.

Chính chèn ép tủy sẽ gây ra những tổn thương không thể hồi phục giống như cấu trúc của thần kinh trung ương, các tế bào thần kinh sẽ không thể hồi phục nếu như bị tổn thương. Do đó, có thể nói rằng, tổn thương do thoát vị đĩa đệm sống cổ nguy hiểm hơn rất nhiều so với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Trên thực tế lâm sàng, có một số bệnh nhân vừa có thoát vị đĩa đệm thắt lưng, vừa có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì ưu tiên mổ là giải quyết thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ trước để giải phóng chèn ép tủy, sau đó mới giải quyết thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Nếu thoát vị đĩa đệm cổ phát hiện trễ liệu có nguy cơ bị liệt hay không?

Nếu thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thì tổn thương để lại chỉ đơn thuần là teo cơ, giảm vận động vùng, bệnh nhân chỉ đau, tê theo những nơi khu trú của rễ thần kinh.

Nhưng nếu đó là chèn ép tủy và tủy (là mô thần kinh trung ương, không có hiện tượng tái sinh) thì vấn đề hồi phục sau khi mổ là cực kỳ khó, thậm chí là không hồi phục. Lúc này, giải quyết được thoát vị đĩa đệm chỉ chặn đứng được tiến triển của bệnh chứ không thể hồi phục được khiếm khuyết thần kinh của bệnh nhân.

Do đó, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nên được thăm khám sớm và được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá mức độ và khuyến cáo hướng điều trị để tránh những khiếm khuyết thần kinh không hồi phục.

thoát vị đĩa đệm cổ

Vậy nếu một bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ được điều trị như thế nào?

Đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Điều trị nội khoa bao gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, uống thuốc, những loại thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, bổ trợ thần kinh thì cảm giác đau của bệnh nhân có thể lui dần. Những người đáp ứng với điều trị nội khoa có thể xem như là thành công đối với điều trị bảo tồn và 80% số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể điều trị nội khoa bảo tồn thành công.

Số còn lại, 20% bệnh nhân được chỉ định các can thiệp từ xâm lấn đến ít xâm lấn, các phương pháp ít xâm lấn có thể kể như bệnh nhân được đốt laser để làm bay đi lớp nhân nhầy, đốt bằng sóng ERF (sóng radio cao tần) để làm cháy nhân nhầy và phục hồi cốt thoát vị vào trong trở lại.

Tuy nhiên, những kết quả cho thấy đốt laser và sóng cao tần hiệu quả không nhiều, đa phần bệnh nhân chỉ giảm đau một thời gian và sau đó xuất hiện lại các triệu chứng lâm sàng và vẫn phải đi tái khám để điều trị phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật cho điều trị thoát vị đĩa đệm mang tính triệt để, khối thoát vị sẽ được cắt và lấy ra khỏi khu vực có thần kinh. Thần kinh sẽ được giải ép sau khi cắt bỏ khối thoát vị.

Do đó phẫu thuật được xem như là một cách điều trị triệt để đối thoát vị đĩa đệm thoát vị so với điều trị nội khoa bảo tồn hoặc các biện pháp ít xâm lấn như laser, đốt sóng cao tần.

Khi nào bệnh nhân được chỉ định điều trị phẫu thuật?

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi điều trị nội khoa trong khoảng thời gian từ 2 tuần đến 2 tháng nhưng thất bại:

  • Bệnh nhân thực hiện các điều trị nội khoa tích cực kháng viêm, dãn cơ, vật lý trị liệu kể cả các động tác thể dục như bơi lội nhằm mục đích cơ cột sống cổ được kéo dãn nhưng kết quả không như mong muốn,

  • Bệnh nhân đã hoàn thành điều trị nội khoa nhưng những dấu hiệu ban đầu xuất hiện trở lại,

  • Bệnh nhân điều trị nội khoa nhưng bị nhiều tác dụng phụ của thuốc nên không thể tiếp tục,

  • Bệnh nhân đang điều trị nội khoa nhưng những triệu chứng càng nặng hơn trước thời điểm lâm sàng…

Điều này sẽ dẫn đến bước điều trị thứ hai là phẫu thuật. Trong điều trị phẫu thuật có 2 chỉ định cấp cứu đối với thoát vị đĩa đệm:

  • Thứ nhất bệnh nhân trở nên yếu đột ngột, khi thăm khám hoặc đang điều trị nội khoa những triệu chứng dần trở nên nặng hơn;

  • Thứ hai là bệnh nhân xuất hiện cơn đau dữ dội trong quá trình điều trị, không thể chịu đựng được với các tư thế, kể cả phong bế bằng morphin mà không thể giảm đau…

Đối với một cuộc phẫu thuật đĩa đệm cột sống cổ có chi phí khoảng bao nhiêu?

Thông thường thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ được thực hiện bằng lối mổ lườn trước, bệnh nhân sẽ được phẫu tích và đi thẳng vào các vùng có đĩa đệm, cắt bỏ tất cả các đĩa đệm nằm giữa hai thân sống.

Sau khi lấy bỏ phần đĩa đệm, chúng tôi sẽ đi ra phía sau để lấy phần thoát vị chèn ép vào thần kinh. Phía trước không gây chèn ép nhưng chúng ta phải đi qua phía trước để đến phía sau và chính phía sau là nơi thần kinh bị chén ép.

Khi lấy hết tất cả đĩa đệm và lấy luôn khối thoát vị phía sau thì mới giải phóng cho tủy và thông thường khi cắt bỏ đĩa đệm, bệnh nhân sẽ được ghép một đĩa đệm nhân tạo, các đĩa đệm nhân tạo hiện nay có nhiều sản phẩm khác nhau.

Đó có thể là một miếng tick cố định có chi phí khoảng 5-10 triệu đồng, có thể một miếng tick cao hơn vừa thay cho đĩa đệm có những bộ phận cố định vào thân sống để đảm bảo đĩa không di chuyển trong quá trình vận động. Và một loại thứ ba, chúng ta sẽ thay vào nhưng vẫn đảm bảo được chức năng của cột sống cổ khi bệnh nhân có thể cúi, ngửa, ngiêng, xoay… do đó bệnh nhân sẽ không bị khiếm khuyết những giới hạn của cột sống cổ.

Các sản phẩm nêu trên khi thay vào sẽ làm cho sự kết nối của hai đốt sống liền kề bị vô hiệu hóa, nghĩa là bệnh nhân sẽ không thể cử động được hai đốt sống xung quanh đĩa đệm đã được mổ.

Các chất liệu đĩa đệm thay thế sẽ được làm bằng gì?

Thông thường hiện nay các chất liệu thay thế được gọi là peek, một sản phẩm cao cấp hơn là titanium và sản phẩm cuối cùng có tính năng đảm bảo chức năng vận động cột sống cổ được gọi là “đĩa đệm cột sống cổ động” hay nói tắt là đĩa mềm, được cấu tạo từ titanium và nhân bằng sứ để đảm bảo độ di chuyển cột sống cổ không bị giới hạn.
 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top