✴️ Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (P2)

Nội dung

ĐIỀU TRỊ BỆNH TVĐĐ CỔ.

Điều trị nội khoa:

Sau khi khám xét chẩn đoán TVĐĐ cổ người ta điều trị theo nguyên tắc điều trị nội trước, điều trị ngoại sau.

Điều trị có hệ thống, bao gồm nhiều biện pháp:

Uống thuốc chống viêm giảm đau.

Tiêm thuốc chống viêm giảm đau.

Xoa bóp, bấm nắn, vật lý trị liệu: bó nến, điện xung, điện phân.

Châm cứu.

Bất động cột sống giai đoạn cấp bằng nẹp Minerve hay bằng khung Halo, Coloar.

Kéo giãn cột sống nếu có chỉ định.

Điều trị cơ bản: tùy thể bệnh, người bệnh mà có liều độ trị liệu khác nhau và với phương pháp điều trị thích hợp riêng. Tránh biến chứng và gây tổn thương thêm cho bệnh nhân chỉ vì không hiểu biết giải phẫu sinh lý, bệnh lý, bệnh căn, bệnh sinh. Điều trị theo kiểu mò mẫm, tiêm chích thuốc vào cột sống, tủy sống không đúng nguyên tắc chỉ định.

Định kỳ tái khám xét: có hướng dẫn cho người bệnh biết cách vệ sinh lao động, nghỉ ngơi hợp lý, phòng ngừa tái phát và tai biến. Nếu thấy bệnh lý có xu hướng tăng dần hoặc không thuyên giảm hoặc tái phát nhanh thì cần chẩn đoán xác định lại và chuyển phương pháp điều trị hợp lý hơn.

Điều trị ngoại khoa:

Sau điều trị nội khoa hệ thống và cơ bản mà không có kết quả.

Điều trị ngoại khoa nhằm 3 mục đích:

Giải phóng chèn ép tủy, rễ thần kinh do đĩa đệm chèn ép hoặc là xơ sợi, dây chằng vàng tăng sinh đè ép.

Phục hồi giải phẫu cột sống cổ.

Cố định vững cột sống tránh di lệch tổn thương thứ phát sau khi lấy đĩa   đệm cổ.

Chỉ định:

TVĐĐ trung tâm, cạnh trung tâm, TVĐĐ lỗ ghép đã gây bại yếu tứ chi, chèn ép đau đớn dai dẳng, không khắc phục được bằng thuốc và các phương pháp điều trị nội khoa khác.

Chụp MRI xác định rõ vị trí, thể bệnh và mức độ bệnh TVĐĐ.

Kỹ thuật:

Trước đây thường làm phẫu thuật đi đường sau:

Tạo hình cung sau cột sống sau giải phóng chèn ép; mở rộng lỗ ghép; tạo hình cung sau mở rộng.

Vào những năm 50 thế kỷ XX đến nay, phẫu thuật chủ yếu đi đường trước bên với các phương pháp của các tác giả: Cloward, Robinson, Bailey, Badgley, Simmon.

Các phương pháp không mổ hoặc phẫu thuật gây thương tổn tối thiểu (minimaly invasive neurosurgery):

Phương pháp hoá tiêu nhân (phương pháp ăn mòn bằng men chemonucleolyse):

Lyman (năm 1963) là người đầu tiên đề xuất và áp dụng phương pháp này. Có giai đoạn áp dụng phổ biến ở Mỹ và Pháp (những năm 1980 - 1990).

Nguyên lý: men sẽ phân hủy protein, polysacharide thành nước, nước sẽ được đào thải ra ngoài qua nước tiểu làm đĩa đệm khô xơ cứng lại, áp lực nội đĩa đệm giảm, đỡ chèn ép rễ tủy thần kinh.

Nguyên liệu tiêu nhân: chymopapain hoặc aprotimin (trasylon). Đây là những chất men tiêu đạm rất mạnh.

Chỉ định: TVĐĐ còn bao xơ tương đối tốt.

Không áp dụng phương pháp này khi TVĐĐ đã vỡ rách bao xơ, TVĐĐ mảnh rời (sequestration) TVĐĐ lớn đè ép tủy sống, TVĐĐ tự do (micration), TVĐĐ xuyên màng cứng, xuyên rễ, thoái hoá cột sống-đĩa đệm, đĩa đệm giàu mạch máu nuôi: chất men dễ hấp thụ qua mạch máu gây sốc phản vệ.

Hạn chế dùng phương pháp này với vùng giải phẫu quan trọng.

Ưu điểm:

Hiệu quả nhanh.

Thời gian nằm viện ngắn.

Vô cảm đơn giản: tê tại chỗ, không cần gây mê.

Tất nhiên là cần phải chụp đĩa đệm trước.

Biến chứng:

Viêm đốt sống, chảy máu dưới nhện, sốc phản vệ nếu đĩa đệm giàu mạch máu.

Phương pháp lấy đĩa đệm qua da bằng nội soi:

Đây là phương pháp mới cần có dụng cụ tinh xảo chuyên dùng: màn huỳnh quang tăng sáng, dụng cụ mổ nội soi, đó là các dụng cụ:

Vi phẫu tích: rougeur, bipolar, gouse, carry-sion đèn soi nối với một video.

Ưu điểm: an toàn, thuận lợi, gây ít tổn thương nhất cho xương sụn cột sống.

Nhược điểm: chỉ lấy mảnh đĩa đệm lớn chèn ép nhiều nhất.

Không mổ cho các thể đặc biệt như: đĩa đệm mảnh rời di chuyển (micration), đĩa đệm xuyên màng cứng.

Dùng Laser YAG giảm áp đĩa đệm:

Phương pháp do Choy và Ascher (1980) đề xuất và áp dụng dựa trên nguyên lý năng lượng của laser nd YAG có tác dụng làm quang đông và bốc bay hơi tổ chức cấp thời.

Kỹ thuật: dùng kim chọc sống thắt lưng số 18 chọc vào nhân nhầy đĩa đệm, luồn sợi quang dẫn có laser nd YAG dưới gây tê tại chỗ và theo dõi qua màn huỳnh quang khi đúng vị trí tiến hành đốt. Khi đó nhân nhầy đĩa đệm bị co lại. Áp lực bên trong đĩa đệm giảm đi đột ngột gây co toàn bộ đĩa đệm nên sẽ hạn chế đè ép tủy, thần kinh.

Chỉ định và chống chỉ định như 2 phương pháp trên.

Ưu điểm: rất đơn giản, hiệu quả tức thì. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, có thể làm nhắc lại. Tuy nhiên không phải thể TVĐĐ nào cũng áp dụng phương pháp này được.

Ở Việt Nam hiện tại giá thành của điều trị theo phương pháp này còn đắt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top