✴️ Nội soi lấy sỏi thận qua da – xâm lấn tối thiểu, hiệu quả cao

1. Sỏi thận và phương pháp nội soi lấy sỏi thận qua da

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp, dễ biến chứng và tỉ lệ tái phát sỏi cao. Phần lớn sỏi tiết niệu hình thành tại thận. Sau đó theo dòng nước tiểu xuống vị trí thấp hơn thuộc hệ niệu và tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Sỏi thận hình thành âm thầm và thường không có dấu hiệu. Nhưng khi biến chứng khiến người bệnh đau tức vùng thắt lưng hoặc kèm sốt. Nguy hiểm hơn là gây viêm thận, ư nước tại thận và suy thận.

Trước đây, để điều trị sỏi thận, người bệnh phải chịu một cuộc mổ mở đau đớn, thời gian nằm viện và phục hồi sức khỏe lâu, chi phí tốn kém. Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, can thiệp ít xâm lấn trong điều trị sỏi thận ngày càng chiếm ưu thế. Đặc biệt phương pháp lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser là một bước đột phá trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị thay thế mổ mở hay mổ nội soi truyền thống.

Với kỹ thuật này, người bệnh chỉ phải rạch một vết rạch rất nhỏ trên da từ 5-10mm ở vùng lưng hoặc thắt lưng. Dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm để thiết lập một đường hầm vào thận. Bác sĩ sẽ đưa máy nội soi chuyên biệt qua đường hầm để tìm sỏi. Sau khi xác định chính xác vị trí viên sỏi, dùng nguồn năng lượng laser tán vụn sỏi rồi hút bỏ ra ngoài qua đường hầm.

Nội soi lấy sỏi thận qua da là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu

Nội soi lấy sỏi thận qua da là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu

 

2. Đối tượng chỉ định – chống chỉ định nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ

2.1. Chỉ định nội soi lấy sỏi thận qua da

Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser được chỉ định trong những trường hợp:

  • Người bệnh có sỏi thận kích thước trên 15mm, bao gồm cả sỏi san hô phức tạp.
  • Người bệnh chống chỉ định với tán sỏi ngoài cơ thể.
  • Người bệnh đã thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể nhưng không có hiệu quả.
  • Sỏi thận đã tán bằng ống mềm nhưng bị đóng lại không đào thải ra ngoài được.
  • Sỏi thận kèm hẹp bể thận hoặc túi thừa đài thận.

 

2.2. Chống chỉ định nội soi lấy sỏi thận qua da

Nội soi tán sỏi thận qua da không được áp dụng trong các trường hợp:

  • Người bệnh có rối loạn đông máu hay có những bất thường về mạch máu trong thận.
  • Người bệnh có nguy cơ bị chảy máu nặng.
  • Người bệnh chống chỉ định với gây mê toàn thân.
  • Chống chỉ định tạm thời với các trường hợp người bệnh cao huyết áp, đái tháo đường.
  • Sỏi thận trên nền thận còn ít chức năng.

 

3. Ưu điểm của phương pháp nội soi lấy sỏi thận

Phương pháp lấy sỏi thận qua da có nhiều ưu điểm nổi bật. Đó là:

  • Phẫu thuật nhẹ nhàng và ít gây đau đớn. Thời gian phải lưu viện ngắn (khoảng 3 ngày). Thời gian hồi phục sức khỏe và trở lại với sinh hoạt và làm việc nhanh (khoảng từ 7-10 ngày).
  • Xâm lấn tối thiểu (5mm) và hầu như không để lại sẹo. Người bệnh tránh được các biến chứng của mổ hở vào thận lấy sỏi.
  • Làm sạch sỏi, không lo bị sót. Đây là ưu điểm đặc biệt của tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ nhờ khả năng cho phép kiểm tra toàn bộ bể thận và niệu quản.
  • Hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ thường.
  • Ít gây tổn hại đến thận. Ảnh hưởng của phương pháp này tới chức năng thận là dưới 1%. Trong khi ở phương pháp mổ hở lấy sỏi có thể gây mất trên 30% chức năng thận bởi chính đường rạch trên nhu mô thận gây ra.

Nội soi lấy sỏi thận qua da giúp bảo tồn tối đa chức năng thận

Nội soi lấy sỏi thận qua da giúp bảo tồn tối đa chức năng thận

 

4. Quy trình nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ bằng laser

Sau khi được thực hiện các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để xác định trình trạng bệnh lý và thực hiện các yêu cầu y tế  trước đó, người bệnh được đưa vào phòng vô khuẩn 1 chiều để tiến hành tán sỏi.

  • Tiến hành gây mê nội khí quản với người bệnh. Đặt người bệnh ở tư thể nằm nghiêng sao cho vị trí bên có sỏi thận hướng lên trên.
  • Đưa một ống nội soi từ niệu đạo đến bàng quang, thông qua niệu quản vào thận. Ống này có nhiệm vụ bơm chất cản quang vào thận để giúp quan sát thận trên màn hình X-quang.
  • Rạch một vết rạch nhỏ từ 5mm trên da ở vùng lưng hoặc thắt lưng. Sau đó bác sĩ sẽ đưa dụng cụ soi qua đường hầm vào thận đến vị trí có sỏi.
  • Sử dụng năng lượng laser “bắn phá” sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài theo đường hầm.
  • Sau khi hút hết các vụn sỏi, bác sĩ sẽ đặt ống thông từ thận xuống bàng quang để đảm bảo dẫn lưu nước tiểu tốt. Rút ống thông sau vài ngày tùy thuộc vào diễn tiến lâm sàng của người bệnh.
  • Thời gian phẫu thuật kéo dài trung bình khoảng 2 giờ tùy vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.

 

5. Những nguy cơ khi thực hiện nội soi tán sỏi thận qua da

Những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này là:

Nguy cơ thường gặp (khoảng 10%):

  • Đặt tạm thời ống thông niệu đạo bàng quang (ống thông thận và ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo ra ngoài.
  • Nước tiểu lẫn máu (tạm thời).
  • Sốt nhẹ.

Nguy cơ ít gặp (khoảng 2-10%):

  • Người bệnh cần thêm một đường hầm vào thận để lấy sạch sỏi.
  • Không đảm bảo lấy sạch sỏi và cần thêm một số kỹ thuật hỗ trợ khác.
  • Tái phát sỏi.
  • Không tạo được đường hầm vào thận buộc phải chuyển sang phương pháp phẫu thuật khác.

Nguy cơ hiếm gặp (dưới 2%):

  • Chảy máu nghiêm trọng ở thận cần truyền máu hoặc phẫu thuật cắt bỏ thận.
  • Tổn thương các cơ quan lân cận như phổi, lá lách, gan, ruột cần can thiệp phẫu thuật.
  • Tổn thương hoặc viêm thận cần điều trị thêm.
  • Rối loạn chức năng tim do hấp thu quá nhiều dịch tưới rửa vào máu trong lúc phẫu thuật

 

6. Chăm sóc sau nội soi tán sỏi thận qua da

  • Người bệnh sau khi thực hiện nội soi tán sỏi thận qua da có thể ngồi dậy đi và dùng thức ăn nhẹ từ ngày thứ nhất.
  • Sang ngày thứ 2, người bệnh sẽ được chụp đài bể thận và kiểm tra ống dẫn lưu thận. Mục đích để xác định không còn sót sỏi và thuốc cản quang lưu thông tốt xuống bàng quang. Sau đó rút ống dẫn lưu thận.
  • Người bệnh lưu viện 3 ngày và trở lại làm việc sau 7-10 ngày mà không cần duy trì chế độ điều trị đặc biệt nào.
  • Người bệnh nên uống khoảng từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế uống trà, cafe và tránh uống rượu bia trong thời gian hồi phục.
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ quả cùng với những thực phẩm giàu chất xơ.
  • Vận động nhẹ nhàng tránh nằm trong một thời gian dài để hạn chế nguy cơ gây viêm phổi hoặc đông máu ở chân.
  • Vệ sinh và thay băng vết thương hàng ngày sạch sẽ, đúng cách.
  • Cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường (chảy máu dai dẳng hoặc rò rỉ nước tiểu ở vị trí phẫu thuật; nước tiểu lẫn máu tươi; đau và sốt cao) để có hướng can thiệp sớm.

Nội soi lấy sỏi thận qua da được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị sỏi thận lớn và phức tạp. Tuy nhiên phương pháp vẫn tồn tại một tỷ lệ nhỏ những biến chứng. Trong đó, có những biến chứng nằm ngoài khả năng kiểm soát mà người bệnh cần được tư vấn để hiểu rõ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top