Phẫu thuật sỏi thận là một trong những phẫu thuật an toàn và ít biến chứng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần lưu ý để người mắc sỏi hiểu rõ hơn về các phương pháp, tính an toàn và được ứng dụng trong trường hợp nào?
Không phải bệnh nhân mắc sỏi nào cũng cần phải phẫu thuật. Do đó, bệnh nhân cần thăm khám tại đơn vị uy tín để được đánh giá chính xác tình trạng sỏi. Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định điều trị thích hợp.
– Với những viên sỏi có kích thước nhỏ, dưới 7mm, phương pháp ưu tiên là điều trị nội khoa, đẩy sỏi ra ngoài bằng đường tự nhiên. Khi đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân dùng các loại thuốc phù hợp, kết hợp với thay đổi thói quen sống và ăn uống ngăn cản bệnh tiến triển thêm.
– Những viên sỏi có kích thước lớn hơn không thể ra ngoài theo đường tự nhiên, sẽ được cân nhắc dùng phương pháp tán sỏi công nghệ cao hoặc phẫu thuật lấy sỏi ra ngoài. Hiện nay, tán sỏi đang được ưu tiên hơn bởi nguyên lý dùng năng lượng lớn tán sỏi, ít xâm lấn, gần như không có sẹo và hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, một số viên sỏi kích thước quá lớn, sỏi san hô xác định tán không vỡ, bệnh nhân không đáp ứng tán sỏi thì cần được phẫu thuật lấy sỏi ra ngoài. Khi đó, tùy thuộc vào yêu cầu và tình trạng bệnh nhân để được mổ nội soi hoặc mổ mở.
Là phương pháp rạch những vết nhỏ trên vùng da tiếp xúc với sỏi, luồn dụng cụ nội soi vào để tiếp cận sỏi. Sỏi sẽ được quan sát và mang ra ngoài thông qua màn hình siêu âm.
Lưu ý trước khi phẫu thuật:
– Không ăn uống trong vòng 6h trước khi phẫu thuật. Vệ sinh cơ thể bằng dung dịch sát khuẩn, thay trang phục và nằm ở tư thế thích hợp trên bàn mổ.
– Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân nên cần được xác định là cơ thể đáp ứng được gây mê trước phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật diễn ra như sau:
– Đảm bảo bệnh nhân đã được gây mê toàn thân.
– Bác sĩ sẽ tiến hành rạch da để đưa dụng cụ nội soi vào tiếp cận sỏi. Vùng rạch có kích thước khá nhỏ nên người bệnh không có sỏi to. Từ đó, bác sĩ sẽ quan sát được những hình ảnh bên trong ổ bụng, tiếp cận được chính xác vị trí của sỏi thông qua màn hình bên ngoài.
– Bác sĩ tiến hành lấy sỏi ra ngoài thông qua chỉ dẫn từ màn hình
– Sau khi kết thúc quá trình lấy sỏi, bác sĩ sẽ đặt stent niệu quản để hạn chế tắc nghẽn đường niệu. Giúp người bệnh không bị tắc tiểu đồng thời loại bỏ được sự tồn tại của những mảnh vụn sỏi nếu có.
– Cuối cùng, nhu mô thận sẽ được đóng lại, bác sĩ rút dụng cụ nội soi ra. Các vết rạch được khâu lại bằng chỉ y tế. Bác sĩ rút ống thở và chuyển bệnh nhân sang phòng chờ khi hết tác dụng gây mê, sau đó về phòng bệnh để nghỉ ngơi và theo dõi.
Mổ nội soi giúp bệnh nhân hạn chế vết mổ và đớn đau sau mổ. Bệnh nhân sẽ nằm viện quan sát khoảng 1 tuần và xuất viện khi tình trạng hoàn toàn ổn định.
Mổ mở truyền thống là phương pháp rạch 1 vết dài ở vùng da lưng, bộc lộ vùng thận và lấy sỏi ra ngoài dưới sự quan sát bằng mắt thường.
Lưu ý trước khi phẫu thuật:
– Bệnh nhân cũng được khuyến cáo không ăn uống trước phẫu thuật 6h. Được nhân viên hướng dẫn thay trang phục vệ sinh cơ thể.
– Bệnh nhân cũng được gây mê toàn thân trước phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật mổ mở diễn ra như sau:
– Người bệnh xác định đã được gây mê toàn thân.
– Bác sĩ tiến hành rạch da phần hông lưng phải, bộc lộ và khống chế động mạch thận, mở chủ mô cực tiếp cận với sỏi. Sau khi thấy sỏi, dùng dụng cụ gắp sỏi ra ngoài.
– Nếu có những viên sỏi nhỏ khác thì cần tiến hành bơm rửa thận cho đến khi không còn nhìn thấy vụn sỏi nhỏ.
– Sau đó tiến hành đặt sonde JJ bể thận niệu quản phải
– Cuối cùng, khâu chủ mô thận và đóng lại vết mổ bằng chỉ khâu y tế.
Ca phẫu thuật mổ mở được coi là thành công khi bác sĩ bảo toàn được nhu mô thận, lấy hết sỏi ra ngoài đồng thời không có tình trạng chảy máu, biến chứng nhiễm trùng.
Người bệnh có những dấu hiệu đau ở vết mổ, đau bụng, tiểu buốt… sau ca mổ và cần nghỉ ngơi theo dõi tại phòng bệnh ít nhất là 1 tuần.
Sau khi xuất viện, người bệnh có thể ăn uống bình thường với những thực phẩm có lợi cho tiêu hóa và thực đơn phù hợp cho người bị sỏi thận. Việc vận động cũng cần lưu ý vì có thể tác động làm rách vết mổ vừa mới lành. Không nên thay đổi tư thế đột ngột.
Nếu có những dấu hiệu bất thường sau khi về nhà thì cần báo ngay cho bác sĩ, không nên tự ý xử lý tại nhà.
Người bệnh cũng cần tái khám đúng định kỳ để kiểm tra tình trạng sỏi và sức khỏe toàn bộ hệ thận tiết niệu.
Hiện nay, đã có nhiều phương pháp mới để xử lý sỏi thận thay vì phẫu thuật sỏi thận gây đau. Tuy nhiên, phẫu thuật sỏi vẫn cần được áp dụng trong những trường hợp các phương pháp khác không thể loại bỏ được sỏi. Người bệnh cần tìm đến những địa chỉ uy tín và những bác sĩ giàu kinh nghiệm để được tư vấn phương pháp phù hợp nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh