Sự hình thành sỏi thận
– Phần lớn sỏi thận hình thành do lượng nước quá ít (vì mất nước do uống ít nước hoặc tập thể thao quá sức), sự dư thừa khoáng tinh thể trong nước tiểu.
– Sự hình thành sỏi thận do các chất khoáng như canxi, oxalate, axit uric, natri, cystine hay phốt pho kết thành một khối rắn.
– Sỏi thận cũng có thể ra ngoài qua đường tiểu, nhưng cũng có thể ở trong thận, bàng quang hay niệu đạo
– Sỏi thận là một dạng của sỏi niệu, sỏi thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp hay bị tắc nghẽn đo đó sỏi thường có ở thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo…
Những nguy cơ có thể xảy ra từ sỏi thận
Thông thường sỏi thận thường không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên có trường hợp sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát và đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đau ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Còn sỏi bàng quang, niệu đạo sẽ gây tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó khó.
Sỏi thận có thể gây ra những nguy cơ sau nếu không được điều trị kịp thời
Nhiễm trùng đường niệu
Trên đường di chuyển, sỏi cọ xát vào đường niệu gây ra đau vùng hông, thắt lưng, tiểu ra máu… dẫn đến nguy cơ niêm mạc bị phù nề, sưng viêm, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm đường niệu.
Nhiễm trùng đường niệu cùng với bế tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hóa mủ.
Tắc đường tiểu, ứ nước
Những viên sỏi hình thành ở đài thận, bể thận và bàng quang đều có khả năng rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo gây tắc đường tiểu. Khi đường tiểu bị tắc sẽ dẫn đến những cơn đau ở xương sườn và hông, sau đó lan ra vùng thắt lưng, có thể đau âm ỉ hoặc đau quặn. Nước tiểu bị tồn đọng gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường niệu, kể cả đài thận.
Nước tiểu bị tắc không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to. Thận ứ nước dễ chuyển thành ứ mủ làm hủy hoại nhu mô thận, gây suy thận.
Suy thận cấp
Nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như suy thận, thậm chí có thể phải cắt bỏ thận nếu thận mủ toàn diện.
Suy thận mạn
Khi bị sỏi thận, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ hủy hoại dần mô thận, tình trạng suy thận sẽ xuất hiện. Trước tình trạng đó người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hay ghép thận để duy trì sự sống.
Vỡ thận hoặc vỡ bàng quang
Đây là trường hợp hiếm gặp khi viêm nhiễm đường niệu gây hoại tử, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản.
Biện pháp điều trị sỏi
Chính vì những biến chứng nguy hiểm từ sỏi thận mà khi có dấu hiệu sỏi thận cần can thiệp sớm để mổ lấy sỏi, tán sỏi hoặc uống thuốc kháng sinh… tùy theo kích thước, vị trí sỏi. Ngoài ra cần lưu ý những điều sau:
– Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm những bệnh lý có thể gặp phải và có biện pháp điều trị kịp thời.
– Uống đủ nước hàng ngày.
– Người uống vitamin C liều cao cũng có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn so với người khác, do đó nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Vì sỏi thận dễ tái phát nên cách tốt nhất là thay đổi cách sống, đặc biệt là khẩu phần ăn và thói quen tập thể dục.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh