✴️ Sự nguy hại của sỏi thận rơi xuống bàng quang

Nội dung

1.Sỏi bàng quang là gì

Sỏi bàng quang hay còn được gọi là vesical hoặc cystolith và được hình thành bởi sự tích tụ của các khoáng chất. Sỏi bàng quang thường có hình tròn, ít khi xù xì góc cạnh.

Sỏi bàng quang khá đa dạng, có thể là từ sỏi thận, sỏi niệu quản (hoặc cả hai) rơi xuống. Trường hợp sỏi nhỏ khi xuống bàng quang có thể được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Với những viên sỏi lớn hơn, chúng nằm tại bàng quang và tích tụ lớn dần do các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào gây nên các cơn đau khó chịu.

Sỏi bàng quang là gì

Sỏi bàng quang hình thành bởi sự tích tụ các khoáng chất có trong nước tiểu, được hình thành ngay trong bàng quang hoặc có thể từ sỏi thận hoặc sỏi niệu quản rơi xuống (ảnh minh họa)

Dấu hiệu nhận biết

Không phải sỏi bàng quang nào cũng có những dấu hiệu nhận biết sớm. Chỉ khi sỏi di chuyển gây đau hoặc gây tắc nghẽn dòng tiểu thì người bệnh mới chú ý. Một số dấu hiệu nhận biết sỏi bàng quang sớm như:

– Đau bụng dưới, đau vùng hạ vị.

– Nước tiểu có màu sẫm hoặc có lớp màng bọc.

– Xuất hiện máu trong nước tiểu.

– Đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, tiểu buốt.

– Sốt nhẹ trong trường hợp có nhiễm khuẩn.

– Có thể xuất hiện đau dương vật ở nam giới.

Dấu hiệu nhận biết sỏi thận rơi xuống bàng quang

Sỏi bàng quang có thể không có những dấu hiệu nhận biết sớm, nhưng cũng có những trường hợp sỏi bàng quang gây đau bụng dưới, đau vùng hạ vị (ảnh minh họa)

Sự nguy hại của sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời để sỏi ở lâu trong bàng quang sẽ gây ra những ảnh hưởng cho sức khỏe như:

Tổn thương niêm mạc, viêm bàng quang

Sỏi ở lâu tại bàng quang sẽ tổn thương niêm mạc của bàng quang do lượng nước tiểu thay đổi liên tục (trước và sau khi đi tiểu). Đồng thời sự co bóp của thành bàng quang khiến các viên sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, chảy máu sẽ dẫn đến biến chứng viêm bàng quang.

Teo bàng quang, rò bàng quang

Rò bàng quang là một biến chứng phức tạp vì phần nước tiểu sẽ chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo gây bất tiện trong sinh hoạt, lâu ngày dẫn đến nhiễm khuẩn.

Viêm thận, suy thận

Sỏi bàng quang cũng có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng, suy thận.

Các biện pháp phòng tránh bệnh

Để hạn chế nguy cơ bị sỏi bàng quang bạn cần lưu ý những điều sau:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm tình trạng sỏi để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Sử dụng thực phẩm ít chất béo, giàu chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, sữa ít béo hoặc không béo.

Cung cấp đủ protein cần thiết như thịt gia cầm, hải sản, thịt bò, thịt thăn… để hạn chế lượng chất béo bạn nên nướng hoặc luộc thay vì chiên xào. Ăn nhiều cá hơn thịt, không nên ăn nội tạng nhất là gan, bởi gan chứa nhiều purin – chất tạo sỏi…

Uống đủ nước: nên uống từ 2-3 lít nước mỗi ngày để giúp đào thải các chất độc, cặn bã ra khỏi thận và bàng quang tránh sự kết tủa tạo sỏi.

Hạn chế sử dụng chất kích thích

Để bảo vệ thận khỏe mạnh bạn cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích khác gây tổn hại đến sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top