✴️ Top 3 biểu hiện sỏi thận thường gặp nhất và cách điều trị hiệu quả

Nội dung

Biểu hiện sỏi thận thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên nếu có những dấu hiệu dưới đây thì bạn cần chủ động thăm khám và điều trị tại cơ sở uy tín để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của sỏi thận.

 

1. 3 biểu hiện sỏi thận rõ rệt nhất

1.1. Biểu hiện sỏi thận rõ ràng nhất là cơn đau bụng

Theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, cơn đau sỏi thận có nhiều biểu hiện từ âm ỉ đến dữ dội. Một số người còn cảm nhận, đau sỏi dữ dội hơn cả khi sinh nở. Cơn đau dữ dội này diễn ra khi sỏi đã phát triển với kích thước lớn, di chuyển và cọ xát vào lớp niêm mạc tiết niệu.

Cơn đau sỏi thường dọc theo sườn, dưới xương sườn. Sau đó lan rộng ra vùng háng, vùng bẹn theo đường đi của sỏi. Cơn đau dữ dội thường kéo dài 2 phút sau đó chuyển sang âm ỉ.

Đặc biệt, khi sỏi có mặt ở niệu quản thì cơn đau sẽ rất rõ rệt. Người bệnh hạn chế di chuyển, chỉ muốn nằm để làm dịu cơn đau. Lý do là vì niệu quản rất nhỏ hẹp, sỏi kẹt ở đây sẽ gây tắc nghẽn và cơn đau trở nên rõ ràng hơn. Bệnh nhân đau theo từng đợt và vô cùng khó chịu.

Biểu hiện rõ rệt nhất là cơn đau bụng

Biểu hiện rõ rệt nhất là cơn đau bụng

 

1.2. Khó chịu khi đi tiểu cũng là biểu hiện sỏi thận

– Đau rát: Người bệnh có thể đau hoặc rát khi đi tiểu do sỏi thận. Đó là khi sỏi di chuyển đến gần bàng quang, khúc nối bàng quang và niệu quản. Người bệnh cảm thấy nóng rát, khó tiểu. Dấu hiệu này cũng gần giống với tình trạng nhiễm trùng đường niệu. Hơn nữa, sỏi cọ xát tổn thương lớp niêm mạc cũng gây nên tình trạng viêm nhiễm.

– Tiểu gấp: Người bệnh thường phải đi tiểu liên tục, không thể nhịn được. Hiện tượng này xảy ra khi sỏi di chuyển vào phần dưới của đường niệu.

– Tiểu máu: Lớp niêm mạc bị rách ra do sỏi sẽ khiến nước tiểu có nhiễm với máu. Lúc này, nếu không điều trị sớm bệnh nhân có thể có biến chứng nhiễm trùng.

– Nước tiểu mùi bất thường: Kết hợp những cơn đau bụng và nước tiểu nặng mùi là cảnh báo dấu hiệu sỏi thận. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng gây ra mùi nặng ở nước tiểu. Nếu nước tiểu màu đục thì có thể là có lẫn với mủ.

– Tiểu nhắt: Tiểu nhắt xảy ra khi sỏi gây tắc nghẽn đường niệu. Dòng nước tiểu không thể thuận lợi đi qua khiến hiện tượng tiểu nhắt xảy ra. Người bệnh sẽ không thể đi hết nước tiểu, tiểu nhắt và bị ngưng dòng tiểu. Nếu bị vô niệu – tức là không thể đi tiểu thì cần cấp cứu ngay.

1.3. Đau bụng kèm buồn nôn, ớn lạnh

Khi cơn đau bụng đi kèm dấu hiệu buồn nôn ớn lạnh, có thể sỏi thận đang hoành hành trong cơ thể bạn. Sỏi có thể kích thích dây thần kinh tiêu hóa khiến dạ dày khó chịu. Dạ dày khó chịu dẫn đến cơn buồn nôn. Hoặc sau cơn đau bụng dữ dội, người bệnh cũng buồn nôn như 1 cách phản ứng cơn đau.

Khi bạn đau bụng kèm sốt, ớn lạnh, rất có thể sỏi thận đã tạo biến chứng. Tình trạng này cần được cấp cứu ngay nếu không sẽ ảnh hưởng tính mạng. Nhiễm trùng nặng có thể gây sốt cao kèm ớn lạnh.

Nếu bị đau bụng kèm sốt, ớn lạnh có thể là do sỏi thận gây nhiễm trùng

Nếu bị đau bụng kèm sốt, ớn lạnh có thể là do sỏi thận gây nhiễm trùng

 

2. Có biểu hiện sỏi thận phải làm sao?

Sỏi thận khi mới xuất hiện thường không gây biểu hiện cụ thể. Triệu chứng chỉ xảy ra khi sỏi đã gây tổn thương và tác động xấu đến cơ thể. Do đó, khi có biểu hiện sỏi thận không nên trì hoãn việc điều trị. Điều trị bằng thuốc hay tán sỏi, phẫu thuật sẽ tùy thuộc tình trạng bệnh.

2.1. Sử dụng thuốc kết hợp chế độ ăn uống khi có biểu hiện sỏi thận

Mục đích của việc dùng thuốc là để sỏi có thể ra ngoài theo đường tự nhiên. Các loại thuốc thường có tác dụng làm giãn cơ, chống viêm, lợi tiểu… Tùy tình trạng mà có đơn thuốc phù hợp. Ngoài ra, nếu người bệnh gặp các biến chứng viêm nhiễm cũng cần dùng thuốc điều trị. Sau khi hết biến chứng mới cân nhắc dùng các phương pháp ngoại khoa lấy sỏi ra ngoài.

Sỏi kích thước nhỏ mới có thể dùng thuốc để hỗ trợ đẩy sỏi. Phương pháp này an toàn nhưng cần sự kiên trì lâu dài của bệnh nhân. Tình trạng có thể cải thiện sau 1 tháng. Tuy nhiên cũng có trường hợp điều trị nội khoa nhưng sỏi không thể ra ngoài. Khi đó cần đến bệnh viện thăm khám và tư vấn lại.

Điều trị bằng thuốc cần sự kiên nhẫn vì quá trình này khá lâu dài. Hơn nữa, người bệnh cần lưu ý nhiều vấn đề khác nhau. Cụ thể, cần uống nhiều nước để đẩy mạnh bài tiết tống sỏi. Cần có chế độ ăn uống phù hợp, lợi tiêu hóa và nhiều rau xanh. Bên cạnh đó cũng cần chăm chỉ vận động kích thích sỏi ra ngoài.

Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định.

2.2. Phương pháp ngoại khoa

Nếu bệnh nhân có biểu hiện như: cơn đau sỏi rõ rệt, kích thước sỏi lớn, nguy cơ gây biến chứng, phương pháp ngoại khoa sẽ được áp dụng. Phương pháp ngoại khoa đang được sử dụng hiện nay là tán sỏi công nghệ cao và phẫu thuật lấy sỏi.

– Tán sỏi công nghệ cao gồm tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và tán sỏi ngược dòng. Tùy vào vị trí và kích thước sỏi để có chỉ định phù hợp. Đây là những giải pháp công nghệ cao và hiện đại trong điều trị sỏi. Bệnh nhân ít đau, ít tổn thương, chóng hồi phục và không ảnh hưởng thẩm mỹ.

– Phẫu thuật lấy sỏi là phương pháp truyền thống. Hiện nay được áp dụng khi sỏi có kích thước quá lớn không thể tán… và các lý do khác. Mổ nội soi sẽ được ưu tiên hơn mổ mở vì có thể giảm bớt đau đớn và biến chứng sau mổ.

Những biểu hiện sỏi thận có thể khác nhau tùy mỗi người. Do đó, người bệnh nên thăm khám hệ tiết niệu định kỳ để kịp thời phát hiện ra sỏi. Sỏi nhỏ sẽ rất dễ điều trị và chóng lành.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top