Viêm ruột thừa là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp. Viêm ruột thừa có tỷ lệ ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt vào tuổi dậy thì. Tỷ lệ nam/nữ mắc viêm ruột thừa khoảng 1,3:1. Bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Tìm hiểu 5 thông tin quan trọng sau đây để biết cách xử trí kịp thời khi nghi ngờ bị viêm ruột thừa.
– Đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên, đau bụng thường bắt đầu lan toả ở vùng thượng vị và vùng rốn. Mức độ đau vừa phải, đôi khi có những cơn co thắt trội lên. Sau một thời gian (thường trong vòng 4-6 giờ), cơn đau sẽ di chuyển về khu trú ở hố chậu phải. Ở một số bệnh nhân, cơn đau của viêm ruột thừa bắt đầu luôn ở hố chậu phải.
– Chán ăn: Bên cạnh cảm giác đau bụng, người bệnh luôn cảm thấy rất chán ăn
– Nôn mửa: Tỷ lệ nôn mửa xảy ra trong khoảng 75% bệnh nhân mắc viêm ruột thừa.
– Nhiệt độ cơ thể ít khi vượt quá 39 độ C, bắt mạch thấy mạch bình thường hoặc hơi tăng nhẹ.
– Bụng có thể chướng hoặc không nhưng đều có phản ứng thành bụng, sờ vào đâu cũng thấy đau.
Hiện nay để xác định người bệnh có mắc viêm ruột thừa hay không các bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp như:
– Xét nghiệm cận lâm sàng sẽ thấy bạch cầu tăng nhẹ (từ 10.000-18.000/mm3) và thường kèm theo tăng bạch cầu đa nhân vừa phải.
– Siêu âm bụng: Chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cấp bằng siêu âm có độ nhạy từ 78-96% và độ đặc hiệu từ 85-98%.
– Chụp CT Scanner , MRI ổ bụng có giá trị chẩn đoán chính xác rất cao.
– Soi ổ bụng: Đặc biệt ở phụ nữ, soi ổ bụng giúp phân biệt dễ dàng viêm phụ khoa cấp và viêm ruột thừa cấp để kịp thời xử lý.
– Viêm ruột thừa ở trẻ em: ở trẻ em việc chẩn đoán viêm ruột thừa khó hơn ở người trưởng thành, quá trình diễn biến của bệnh cũng nhanh hơn, đồng thời mạc nối lớn chưa phát triển đầy đủ nên nếu xảy ra trường hợp bị vỡ sẽ không có khả năng bọc lại ruột thừa vỡ, rất nguy hiểm.
– Viêm ruột thừa ở người già: Nếu chẩn đoán muộn viêm ruột thừa ở người già thì sẽ rất nhanh chóng dẫn đến thủng.Với những bệnh nhân > 80 tuổi, tỷ lệ ruột thừa viêm thủng là 49% và tỷ lệ tử vong là 21%.
– Viêm ruột thừa trong thai kỳ: Tần suất gặp viêm ruột thừa trong thai kỳ được ghi nhận là xấp xỉ 1/2000 người mang thai. Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, nhưng thường gặp nhất trong hai quý đầu. Khi thai nhi phát triển, chẩn đoán viêm ruột thừa trở nên khó khăn hơn do ruột thừa bị di lệch lên trên và ra ngoài vị trí vốn dĩ của nó. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa trong thai kỳ cũng phải đối mặt với nhiều biến chứng như sinh non, thủng ruột thừa….
Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu và nếu không được xử lý kịp thời sẽ phải đối mặt với những biến chứng vô cùng nguy hiểm
Các biến chứng thông thường và phổ biến nhất nhất của viêm ruột thừa là vỡ ruột gây viêm phúc mạc, đám quánh ruột thừa và áp xe ruột thừa trong ổ bụng…
– Viêm phúc mạc: ruột thừa viêm và sưng to nếu không được can thiệp sẽ tích mủ và dẫn đến tình trạng bị vỡ, khi mủ từ ruột thừa chảy vào ổ bụng lúc này rất dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng với một số biểu hiện thường gặp như sốt cao, huyết áp tụt, rét run, mạch nhanh, chướng bụng, người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi và sờ vào vị trí nào của bụng cũng thấy đau.
– Đám quánh ruột thừa: đám quánh ruột thừa cũng là một biến chứng thường thấy do các quai ruột và mạc nối bao bọc kín ruột thừa, cái mạc nối này sẽ ngăn cản sự tiến triển lan rộng của viêm ruột thừa và tạo thành đám quánh.
– Áp xe ruột thừa: áp xe ruột thừa xảy ra khi ruột thừa viêm sưng và bị vỡ nhưng mủ trong ruột thừa lại chưa tràn vào ổ bụng nhờ vào các quai ruột và mạc nối bao bọc xung quanh. Lúc này mủ cùng “hàng rào chắn” này sẽ trở thành một khu trú vùng viêm và nhanh chóng tạo thành khối áp xe ruột thừa. Khi khu trú được tạo thành, người bệnh sẽ cảm thấy đau và sốt rất cao
– Các biến chứng do viêm ruột thừa là rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Khi ruột thừa bị viêm sưng, tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là cách xử lý triệt để và tối ưu nhất. Sau khi ruột thừa được cắt bỏ, cơ thể không có ảnh hưởng nào, vẫn có thể hoạt động hoàn toàn bình thường, do ruột thừa là bộ phận ít có vai trò đóng góp cho cơ thể nói chung.
Phẫu thuật cắt bỏ điều trị viêm ruột thừa hiện nay có 2 phương pháp là mổ mở và mổ nội soi. Tùy vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thực hiện khác nhau. Tuy nhiên, với những ưu điểm như hiệu quả cao, an toàn, vết mổ rất nhỏ, xâm lấn tối thiểu nên ít đau, người bệnh không mất nhiều sức, hồi phục nhanh chóng, nhanh xuất viện, đồng thời đảm bảo cả về mặt thẩm mỹ vì hầu như không để lại sẹo nên phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ ruột thừa được xem là lựa chọn tối ưu khi điều trị bệnh lý này.
– Tạm thời nghỉ ngơi tại chỗ, sau đó gọi cấp cứu hoặc nhờ người hỗ trợ đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa.
– Tuyệt đối không tự ý bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể che lấp triệu chứng, gây nhầm lẫn trong chẩn đoán.
– Không được chần chừ, viêm ruột thừa kéo dài có thể dẫn tới nhiều biến chứng rất nguy hiểm, gây đe dọa đến tính mạng.
Trên đây là một số dấu hiệu điển hình, cách thức chẩn đoán và phương pháp điều trị của viêm ruột thừa mà người bệnh cần nắm rõ để phát hiện nhận biết sớm cũng như kịp thời đến bệnh viện để thăm khám, phẫu thuật loại bỏ ruột thừa sưng viêm, tránh biến chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh