✴️ Bệnh viêm đại tràng giả mạc: nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa

Nội dung

Viêm đại tràng giả mạc liên quan đến việc điều trị bằng thuốc kháng sinh dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile). Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như mất nước do tiêu chảy, suy nhược cơ thể, thủng ruột kết, thậm chí là tử vong.

 

1. Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng gì?

Là tình trạng viêm cấp tính của đường ruột, gây ra tiêu chảy, đau bụng, sốt… Trước đây, viêm đại tràng giả mạc chỉ gặp trong trường hợp sau phẫu thuật điều trị tại cơ quan này. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc đều là biến chứng trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile.

C.difficile là một loại thuộc chủng vi khuẩn kỵ khí gram dương. Sau khi xâm nhập vào đường ruột chúng sẽ tiết ra độc tố rất mạnh, kích hoạt phản ứng viêm và tăng bài tiết. Điều này khiến cho lớp niêm mạc đại tràng sẽ hình thành một lớp giả mạc có màu trắng và rất dễ bong. Khi gặp điều kiện thuận lợi, lớp giả mạc này bong ra gây viêm loét và chảy máu tại niêm mạc đại tràng.

Theo thống kê, viêm đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficile thường gặp và có tiến triển mạnh ở những bệnh nhân cao tuổi (>65 tuổi).

viêm đại tràng giả mạc là gì

Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm nhiễm cấp tính biểu hiện bằng việc tiêu chảy, đau quặn bụng…

 

2. Những triệu chứng giúp nhận biết bệnh viêm đại tràng giả mạc

Nhiều trường hợp đều khởi phát viêm chỉ sau khi dùng kháng sinh 1 đến 2 ngày, nhưng cũng trường hợp sau vài tuần sử dụng kháng sinh mới bắt đầu có triệu chứng. Dựa vào mức độ viêm nhiễm nặng hay nhẹ mà biểu hiện ra bên ngoài cũng sẽ không giống nhau. Dưới đây là tổng hợp các triệu chứng nhận biết viêm đại tràng giả mạc:

– Người bệnh bị tiêu chảy, đi ngoài phân nước hoặc có lẫn máu, chất nhầy hoặc mủ. Tiêu chảy kéo dài dẫn đến cơ thể bị mất nước, mất điện giải, suy nhược, mắt trũng sâu, môi khô, da xanh xao,…

– Người bệnh xuất hiện các cơn đau quặn ở vùng bụng dưới, bụng chướng và sưng to khi tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn.

– Người bệnh bị sốt do cơ thể phản ứng lại tình trạng viêm.

– Cảm thấy ăn uống không ngon miệng, nôn và buồn nôn, sụt cân nhanh chóng.

Khi có các triệu chứng sau đây, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt:

– Bị tiêu chảy mức độ nặng, đi ngoài hơn 5 lần/ngày

– Đi ngoài phân có lẫn máu và mủ.

– Bị đau quặn bụng dữ dội, thời gian đau kéo dài.

– Người bệnh bị sốt cao hơn 39 độ C, đồng thời có cảm giác ớn lạnh.

triệu chứng viêm đại tràng giả mạc

Tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt… là những triệu chứng thường thấy của bệnh

 

3. Những biến chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc

– Cơ thể mất nước và rối loạn điện giải do bị tiêu chảy nhiều lần, có thể tử vong nếu không bù nước, bù điện giải kịp thời.

– Nếu tình trạng viêm mức độ nặng bề có thể dẫn đến thủng đại tràng.

– Thủng đại tràng khiến dịch, thức ăn, chất cặn bã tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn toàn thân gây tử vong.

– Biến chứng suy thận nếu tình trạng mất nước diễn ra quá nhanh với mức độ nghiêm trọng.

– Biến chứng phình đại tràng nhiễm độc nếu bệnh gây ra triệu chứng táo bón kéo dài.

 

4. Các nguyên nhân gây ra viêm đại tràng giả mạc

4.1. Tác dụng phụ của kháng sinh – Nguyên nhân chính dẫn đến viêm đại tràng giả mạc

– Bình thường đại tràng của cơ thể người chứa rất nhiều vi khuẩn, cả vi khuẩn có lợi và có hại, chúng luôn ở trạng thái cân bằng. Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh khiến cho trạng thái cân bằng này bị phá vỡ, vi khuẩn có hại phát triển mạnh mẽ, phát tán độc tố gây ra tình trạng viêm đại tràng giả mạc.

– Ngoài thuốc kháng sinh, việc sử dụng các loại thuốc trị bệnh khác như thuốc điều trị ung thư, tiểu đường, tim mạch… cũng gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột dẫn đến viêm đại tràng.

4.2. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị viêm đại tràng giả mạc

– Có thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ đông lạnh, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn khuya…

– Ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn đồ chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi, nguồn nước sinh hoạt bẩn, ăn thực phẩm tái sống như các loại gỏi…

– Những người cao tuổi (đặc biệt >65 tuổi), người có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy yếu…

– Người đã từng thực hiện phẫu thuật ở đường ruột để điều trị bệnh như cắt ruột thừa, cắt polyp, cắt ruột do tắc ruột…

– Những người đang thực hiện phác đồ hóa trị hoặc xạ trị chữa ung thư.

– Những người có bệnh lý mãn tính về đại tràng như đau đại tràng, viêm loét đại tràng…

– Những người sinh hoạt trong môi trường viện dưỡng lão.

nguyên nhân gây bệnh

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và một số thuốc điều trị bệnh khác là nguyên nhân chính dẫn đến viêm đại tràng giả mạc

 

5. Cách điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc

Đây là bệnh lý nguy hiểm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu được phát hiện và điều trị đúng cách thì khả năng khỏi bệnh rất cao.

Tránh xa tác nhân gây bệnh giúp giảm nhẹ triệu chứng (ngừng sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc trị bệnh khác). Sau khi ngừng dùng thuốc mà tình trạng bệnh tái diễn, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện điều trị bằng cách phương pháp sau:

5.1. Sử dụng loại kháng sinh khác có tác dụng với vi khuẩn C. difficile

Người bệnh sẽ được chuyển sang điều trị bằng kháng sinh khác có tác dụng chống lại vi khuẩn C.difficile. Đồng thời giúp các loại vi khuẩn khác phát triển bình thường trở lại, khôi phục lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.

Nếu tình trạng viêm ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng kháng sinh bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đưa vào dạ dày thông qua ống mũi.

5.2. Phương pháp cấy vi khuẩn

Nếu việc thay đổi loại kháng sinh điều trị không mang lại hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ xem xét và tiến hành chỉ định cấy vi khuẩn.

Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa viên nang có chứa vi khuẩn có ích vào trong dạ dày bằng ống thông đường mũi hoặc chèn vào ruột già, giúp khôi phục nhanh sự cân bằng của các vi khuẩn tồn tại trong ruột già người bệnh.

Để mang lại hiệu quả tốt nhất, bác sĩ thường sẽ chỉ định kết hợp điều trị bằng kháng sinh và cấy vi khuẩn.

5.3. Phương pháp phẫu thuật khi có biến chứng nghiêm trọng

Viêm đại tràng giả mạc dẫn đến phình đại tràng, vỡ đại tràng và viêm phúc mạc,… phẫu thuật là chỉ định bắt buộc để giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Do đó nhận biết sớm các triệu chứng, thăm khám sớm là điều vô cùng cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top