ĐỊNH NGHĨA
Cảm mạo theo Y học cổ truyền là “thương phong cảm mạo” triệu chứng chủ yếu; ho, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.
Lưu hành tính cảm mạo Y học cổ truyền gọi “thời hành cảm mạo” thường có triệu chứng như cảm mạo nhưng nặng hơn truyền nhiễm lây lan rất mạnh một loại bệnh lây truyền theo đường hô hấp, phần nhiều phát bệnh vào mùa đông xuân.
NGUYÊN NHÂN BỆNH LÝ
Do công năng ngoại vệ không kiên cố, phong xâm phạm phế vệ mà phát bệnh. Bệnh tà xâm nhập miệng, mũi, kinh phế gây chảy mũi hoặc tắc mũi, hắt hơi khái thấu (ho), do phế hợp với bì mao (phế chủ bì mao) nên khi bệnh tà phạm vệ làm cho phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, tự hãn hoặc vô hãn là triệu chứng vệ mất điều hoà.
BIỆN CHỨNG PHƯƠNG TRỊ
Do bệnh tà có phong hàn, phong nhiệt và thể chất cơ thể có tạng hàn, tạng thiên nhiệt khác nhau nên có biểu hiện lâm sàng theo hai loại khác nhau.
Thể phong hàn:
Phát sốt, sợ lạnh rõ, sợ gió, đau đầu vô hãn, mũi tắc, thanh nặng, hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa họng ho nhiều, đờm trong lỏng, đau xương khớp, miệng không khát, tiểu tiện trong dài, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
Phương pháp điều trị: tân ôn giải biểu.
Nếu bệnh nhẹ dùng thông đậu thang gia thêm tô diệp 12g.
Nếu bệnh nặng dùng kinh phòng giải biểu thang:
Kinh giới 30g (sắc sau), khương hoạt 12g, chỉ xác 12g, cam thảo 8g, phòng phong 12g, tiền hồ 12g, cát cánh 12g.
Nếu đau đầu nhiều thêm bạch chỉ 12g, ho nhiều thêm khổ hạnh nhân 12g, bạch tiền 12g, đàm nhiều gia bán hạ 12g.
Nếu tức ngực nôn mửa hoặc phúc tả ngại ăn nhạt miệng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch phù hoãn là kiêm có thấp. Thuốc phải gia thêm bán hạ chế, phục linh đều 12g, hậu phác 8g, hoắc hương 12g, bỏ cam thảo, cát cánh.
Nếu phát sốt, sợ gió, đau đầu, hãn xuất, lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch hoãn phải dùng quế chi thang.
Quế chi 10g, cam thảo 4g, đại táo 12g, bạch thược 12g, sinh khương 12g.
Thể phong nhiệt:
Sốt cao, sợ gió, sợ lạnh, đau đầu tự hãn, tắc mũi hoặc hơi chảy nước, hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm tròn vàng, đau các khớp xương, miệng khát, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch phù xác.
Phương pháp điều trị: tân lương giải biểu.
Phương thuốc: ngân kiều tán gia giảm.
Kinh giới 12g, kim ngân hoa 15g, đạm trúc diệp 12g, ngưu bàng tử 12g, lô căn 20g, bạc hà 4g (sắc sau), liên kiều 12g, đạm đậu xị 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g.
Nếu sốt cao thêm hoàng cầm 12g hoặc chi tử 12g, nếu miệng khát nhiều thêm chi mẫu, thiên hoa phấn đều 12g, nếu tỵ nục bỏ kinh giới, đậu xị thêm bản lam căn 12g, thực trệ gia thần khúc.
Nếu không sốt cao, ho giảm có thể dùng bài tang cúc ẩm, ngoại cảm mùa hè thường kèm theo thử thấp; sốt tương đối cao, trung tâm phiền nhiệt, gầy gò đa hãn, miệng khát muốn uống, tiểu tiện ngắn vàng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác. Điều trị phải thanh thử hoá thấp dùng “tân gia lương nhu ẩm”. Nếu đa hãn bỏ hương nhu gia tây qua bì 20g, nhiệt thịnh gia hoàng liên hoặc hoàng cầm, miệng khát nhiều bỏ hậu phác thêm mạch môn, thiên hoa phấn đều 12g.
Nếu thể phong nhiệt (bệnh cúm nặng) phải thêm thuốc thanh nhiệt giải độc như thanh đại diệp, bản lam căn; thể phong hàn gia thêm thuốc tân ôn giải biểu; kinh phòng bại độc tán, cần phải chú ý đề phòng phế viêm.
CHÂM CỨU LIỆU PHÁP
Ngoại cảm phong hàn; đại chùy - liệt khuyết, kích thích nhẹ, sau mạnh.
Ngoại cảm phong nhiệt: hợp cốc, đại chùy, thiếu thương (chích xuất huyết).
Tả pháp cũng có thể thủy châm: phong trì, định suyễn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh