✴️ Cách điều trị bệnh sỏi mật – những phương pháp phổ biến

Cách điều trị bệnh sỏi mật một cách triệt để nhất là cắt túi mật. Tuy nhiên, không phải cứ bị sỏi mật là phải tiến hành cắt bỏ. Cùng tìm hiểu những phương pháp xử trí sỏi mật khác trong bài viết dưới đây.

 

1. Sỏi mật là gì? Có nguy hiểm không?

Sỏi mật là tình trạng xuất hiện vật thể rắn (có thể lớn hoặc bé) như 1 viên sỏi ở túi mật. Nguyên nhân hình thành chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật tăng cao quá mức, không thể hòa tan hết. Từ đó hình thành nên sỏi mật cholesterol.

Sỏi mật được hình thành với kích thước nhỏ (dưới 5mm) thường không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên, sỏi mật sẽ phát triển về kích thước theo thời gian. Vậy nên, khi sỏi lớn sẽ gây các triệu chứng như đau đớn ở mạn sườn phải, nguy cơ gây các biến chứng viêm nhiễm cấp tính. Khi đó, sỏi mật cần được xử trí gấp. Nếu không, sỏi sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

– Viêm túi mật cấp: Hình thành do sỏi bị kẹt ở vị trí cổ hoặc ống túi mật. Chỉ định điều trị trong trường hợp này là phẫu thuật cắt túi mật.

– Viêm đường mật cấp: Do sỏi rơi xuống ống mật chủ khiến đường mật bị tắc nghẽn. Đây là một biến chứng cấp tính và cần cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến sức khỏe.

– Sỏi tắc ống mật và tắc cả ống tụy: Do sỏi rớt xuống ống mật chủ và bị kẹt lại ở khúc cuối. Khi có biến chứng này cần can thiệp lấy sỏi ngay.

– Sỏi kích thước lớn không can thiệp đi kèm polyp túi mật hình dạng bất thường có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư. Khi thăm khám phát hiện điều khác lạ cần có chỉ định cắt bỏ ngay.

Như vậy, sỏi mật có thể gây một số biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp ngay từ đầu. Do đó, bệnh nhân có sỏi thận cần chủ động thăm khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Cách điều trị bệnh sỏi mật là gì

Sỏi mật khi gây những triệu chứng thì cần điều trị nếu không sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.

 

2. Những cách điều trị bệnh sỏi mật

Dựa trên những triệu chứng, kích thước và biến chứng cụ thể qua quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Hiện nay, có những cách xử trí sỏi mật như sau:

2.1. Cách điều trị bệnh sỏi mật tạm thời

Nếu gặp cơn đau sỏi mật, bệnh nhân cần thực hiện những điều sau để giảm bớt sự khó chịu. Nếu cơn đau kéo dài cần liên hệ ngay cơ sở y tế để nhập viện sớm nhất.

– Nằm ở nơi êm ái và chườm ấm vùng bụng nơi có cơn đau bằng túi giữ nhiệt hoặc nước ấm.

– Có thể bổ sung các loại nước hoa quả như nước cam, nước ép rau củ… Các loại nước ép này có thể làm tinh thần đỡ hơn và dịu được cơn đau do sỏi mật.

2.2. Cách điều trị bệnh sỏi mật lâu dài

Sỏi có triệu chứng cần được điều trị bằng những phương pháp phù hợp. Cần tuân thủ các chỉ định từ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc chưa rõ nguồn gốc hoặc các phương pháp chưa được kiểm chứng.

2.2.1. Thuốc uống

Tùy vào vị trí, tính chất sỏi mà có những loại thuốc điều trị riêng biệt. Không có thuốc điều trị chung cho tất cả các loại sỏi. Do đó, cần chú ý và cực kỳ thận trọng trong việc dùng thuốc. Đối với sỏi cholesterol thì có thể dùng các loại thuốc có các thành phần tương tự như axit mật để bào mòn sỏi.

Điều kiện dùng thuốc:

– Kích thước sỏi < 1cm

– Thể tích của những viên sỏi chiếm không quá ⅓ thể tích túi mật.

– Chức năng túi mật nguyên vẹn.

– Ống dẫn mật không bị tắc.

– Bệnh nhân không dùng đồng thời với các loại thuốc dạ dày khác…

Việc điều trị sỏi mật bằng thuốc là một quá trình dài. Thời gian có thể kéo dài trên 3 tháng, thậm chí tính bằng năm. Tuy nhiên, việc điều trị có hiệu quả khá tốt.

Bệnh sỏi mật có thể được điều trị bằng thuốc ở giai đoạn sỏi kích thước nhỏ

Bệnh sỏi mật có thể được điều trị bằng thuốc ở giai đoạn sỏi kích thước nhỏ.

 

2.2.2. Tán sỏi mật ngoài cơ thể:

Đây là một phương pháp nhằm xử lý sỏi mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải sỏi mật nào cũng có thể tán. Sỏi phải nằm ở vị trí thích hợp thì mới có thể tán hiệu quả. Phương pháp này thích hợp với sỏi mật chỉ có 1 viên  hoặc sỏi kẹt ống mật không thể lấy ra.

Điều kiện để có thể tán sỏi mật là:

– Sỏi có đường kính nhỏ hơn 2cm, sỏi chỉ có 1 viên, không phải sỏi canxi.

– Người bệnh không bị rối loạn đông máu.

– Không xuất hiện các biến chứng viêm túi mật hay viêm tụy.

Sau khi bắn xong, bệnh nhân thường được dùng thuốc để hòa tan sỏi. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ là tạm thời, bệnh nhân có thể tái phát sỏi sau đó.

2.2.3. Phẫu thuật cắt túi mật

Phẫu thuật cắt túi mật là một phương pháp an toàn và mang lại hiệu quả cao nhất. Sỏi mật sẽ không có cơ hội gây đau đớn khi mà túi mật đã bị cắt bỏ. Tuy nhiên, một số biến chứng như nhiễm trùng, xảy máu có thể diễn ra. Hiện nay, nên lựa chọn cắt túi mật nội soi thay vì mổ mở truyền thống. Việc mổ nội soi giúp bệnh nhân ít đau, hạn chế biến chứng và nhanh phục hồi hơn. Cần yên tâm là việc cắt bỏ túi mật không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Người bệnh sinh hoạt bình thường nếu không còn túi mật.

Cách điều trị bệnh sỏi mật hiệu quả nhất cần lựa chọn đơn vị bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Không chỉ tuân thủ điều trị, bệnh nhân cũng cần lưu ý rèn thói quen ăn uống, sinh hoạt phù hợp để sỏi không tái phát và giữ gìn sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top